Trong lúc nhiều trường đại học tìm mọi cách để được thêm chỉ tiêu tuyển sinh thì Trường Đại học Nghệ thuật (ĐHNT) Huế, thuộc Đại học Huế lại xin giảm chỉ tiêu vì "có những phòng học không thể gọi là phòng học...".
Thiếu phòng, các tác phẩm nghệ thuật nằm ngổn ngang, hư hỏng ở ngoài trời. ảnh: Nguyên Bình |
Thiếu phòng học!
Trường ĐHNT Huế nằm nép mình bên hồ Tịnh Tâm và bị che khuất bởi hàng chục nhà ở cao tầng, quán càphê, nhà hàng. Khuôn viên trường ngổn ngang các tác phẩm nghệ thuật. Các phòng học, phòng làm việc, phòng hiệu bộ...sắp xếp rất lộn xộn, nằm lẫn lộn với các nhà vệ sinh. Từ năm 2006 đến nay, hơn 120 cán bộ và gần 900 sinh viên chính quy của trường phải co cụm trong những căn phòng chật hẹp. Thậm chí, nhà trường đã phải cải tạo một số... nhà vệ sinh để làm lớp học. Ở khoa Hội hoạ, trường đã phải đập 3-4 phòng tập nhạc mới có một phòng làm việc và phòng học vẽ. Đối với sinh viên ngành mỹ thuật, yêu cầu tối thiểu phải được 5m2 nhà xưởng/1 sinh viên, nhưng ở trường này thì không thể.
Ông Phan Thanh Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường ĐHNT Huế - cho biết: “Do cơ sở vật chất của trường quá thiếu thốn nên nhiều năm nay, trường phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh để đảm bảo chất lượng đào tạo. Từ năm 2006 về trước, bình quân chỉ tiêu tuyển sinh là 200 -250 sinh viên/năm, nhưng nay chỉ còn 160 sinh viên”.
Thiếu đầu tư
Trước đây, Trường ĐHNT Huế có 2 cơ sở: Cơ sở 1 ở Phủ Nội vụ (thuộc Đại nội) và cơ sở 2 tại hồ Tịnh Tâm. Năm 2007, ngành âm nhạc tách ra thành Học viện Âm nhạc Huế (thuộc Bộ VHTTDL) thì Trường ĐHNT Huế phải trả lại toàn bộ cơ sở 1 cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và dồn lại ở cơ sở 2 với diện tích mặt bằng 2,3ha. Tuy nhiên trong số 2,3 ha đó, có gần 3.000m2 đất đã bị hàng chục hộ dân lấn chiếm chưa giải toả được, dẫn đến tình trạng toàn thể phòng ban, lớp học đều phải dồn vào những căn nhà chật hẹp, dột nát...
Theo ông Bình, hiện mức đầu tư của Bộ VHTTDL dành cho mỗi trường đại học, đơn vị đào tạo nghệ thuật của bộ này từ 80 - 120 tỉ đồng, nên các trường đại học mỹ thuật ở Hà Nội, TPHCM rất khang trang. Trong khi đó, Trường ĐHNT Huế, hơn 16 năm qua mới chỉ được ĐH Huế đầu tư hơn 10 tỉ đồng. Từ năm 2005 – 2010, trường chỉ được đầu tư gần 1 tỉ đồng để sửa chữa phòng học chứ không được cấp kinh phí để xây mới một hạng mục nào. Đó là chưa nói đến việc liên bộ Tài chính và VHTTDL đã ban hành mức chính sách dành cho ngành nghệ thuật là 8 triệu/năm nhưng qua ĐH Huế, khi cấp xuống chỉ còn hơn 4 triệu. “Đây là vấn đề rất bức xúc, chúng tôi đã nhiều lần làm việc với Ban Tài chính của Đại học Huế, nhưng chưa thấy thay đổi”- ông Bình nói.
Theo Nguyên Bình
Lao Động