Xóa nghèo - cách làm Đà Nẵng

Chúng tôi quá đỗi ngỡ ngàng khi quay lại thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tùng, hộ đặc biệt nghèo ở tổ 42, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), thay vào ngôi nhà tạm ngày nào là ngôi nhà xây khang trang, bề thế. Cứ tưởng hộ đặc biệt nghèo ấy bán nhà đi nơi khác nên ai nấy cứ chần chừ hồi lâu trước ngõ.
Chúng tôi quá đỗi ngỡ ngàng khi quay lại thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tùng, hộ đặc biệt nghèo ở tổ 42, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), thay vào ngôi nhà tạm ngày nào là ngôi nhà xây khang trang, bề thế. Cứ tưởng hộ đặc biệt nghèo ấy bán nhà đi nơi khác nên ai nấy cứ chần chừ hồi lâu trước ngõ.
Hộ ông Lê Ngoan (người bồng con) đã có nhà ở kiên cố đủ khả năng chống bão, tránh lũ.
Khi chị cán bộ phụ trách công tác xóa nghèo của phường tới giục, mọi người mới bước vào. Cửa mở. Người phụ nữ chừng hơn 40 tuổi bước ra, nét mặt rạng rỡ, vồn vã: “Mời các anh, các chị, sao đứng hết cả ngoài vậy”. Phải một lúc tôi mới nhận ra người phụ nữ ấy chính là chủ nhân ngôi nhà tạm xập xệ, ánh mắt đượm buồn trong lần đến thăm cách đây hơn 6 tháng. Hồi đó, chị đâu hoạt bát và khỏe mạnh như bây giờ. “Hết nghèo rồi các anh, các chị ơi. Cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước. Không có sự giúp đỡ của trên, không biết đến bao giờ gia đình em mới có được cuộc sống như hôm nay”, gặp lại người quen, chị Tùng trút bầu tâm sự.
“Công việc hiện nay thế nào rồi”, chị cán bộ xóa nghèo phường lên tiếng. “Ảnh đi xây, còn em buôn bán ở chợ, thu nhập không đến nỗi nào”, vừa rót nước mời khách, chị Tùng vừa nhỏ nhẹ. “Sau khi được Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT quận hỗ trợ 25 triệu đồng xóa nhà tạm, cộng thêm 2 đợt hỗ trợ của thành phố 8 triệu đồng và bà con lối xóm giúp, chúng em phá bỏ nhà tạm, xây ngôi nhà này. Cháu lớn được tặng chiếc xe đạp, 2 đứa đều được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp, cả nhà được cấp thẻ bảo hiểm y tế, cũng đỡ. Nghề thợ xây, buôn bán cũng do các bác trên quận chỉ cho, chứ trước đây chẳng có việc gì làm”. Chị còn tâm sự nhiều về nỗi cơ cực của những ngày đã qua, niềm vui thoát nghèo và nỗ lực không mệt mỏi của 2 vợ chồng kể từ đợt lãnh đạo quận gặp mặt đối thoại trực tiếp và hỗ trợ dụng cụ, phương tiện để mưu sinh hồi đầu năm. Từng chứng kiến hộ đặc biệt nghèo này sống nhà tạm, chạy ăn từng bữa, nay vươn lên có cuộc sống khá đầy đủ, ai nấy trong chúng tôi đều nghĩ sự đổi thay của họ cứ như có phép mầu.

Hộ ông Lê Ngoan ở Khái Tây, phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), niềm vui được nhân lên gấp bội khi được chính quyền, các hội, đoàn thể và Công ty CP Xây lắp điện Việt Nam xây tặng ngôi nhà đủ khả năng chống bão, tránh lũ, trị giá hơn 30 triệu đồng. Người cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia này tâm sự: Con bị bệnh hiểm nghèo, bản thân liên tục bị bệnh tật hành hạ, nỗ lực mấy nghèo đói vẫn không buông tha. Cuộc sống mới thực sự đổi thay khi có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp. Nay thì ổn rồi. Không còn phải lo cảnh nhà dột, mỗi khi bão lũ, cõng con chạy sang nhà hàng xóm trú nhờ. Việc làm, thu nhập cũng dần ổn định. Thật không có hạnh phúc nào bằng.   

Không thể kể hết các hộ đặc biệt nghèo trên địa bàn thành phố đã hưởng hạnh phúc thoát nghèo, chỉ biết rằng, năm 2010, trong số 995 hộ thuộc nhóm còn sức lao động đã có 689 hộ vĩnh viễn thoát nghèo. Tất cả họ đều có một điểm chung đó là rất nghèo và đều nhận sự hỗ trợ không nhỏ từ chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp và cả cộng đồng, cùng sự hướng dẫn cách làm ăn của cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Quyền ở phường Hòa Minh đã giữ đúng lời hứa với lãnh đạo quận Liên Chiểu,  sau 3 tháng kể từ ngày nhận nguồn hỗ trợ 10 triệu đồng mua máy phục vụ nghề gia công cơ khí là thoát nghèo. Nay hộ này đang có cơ hội làm giàu khi nghề gia công cơ khí đang ăn nên làm ra. Hoặc như anh Võ Tấn Dũng, cũng ở phường Hòa Minh (Liên Chiểu) không còn cảnh chạy ăn từng bữa sau khi được UBND quận hỗ trợ bộ đồ nghề sửa chữa xe máy, máy bơm hơi, Công an thành phố tặng xe gắn máy. Hiện tại, anh có thu nhập ổn định và tham gia tích cực vào công tác bảo vệ an ninh trật tự ở khu phố.

Ở Đà Nẵng, với cách làm độc đáo huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương, sự đóng góp của các doanh nghiệp và cả cộng đồng cho sự nghiệp xóa nghèo nên đạt được thành tựu nổi bật như vậy. Điều này hoàn toàn có cơ sở. Trong năm qua, ít nhất 157 ngôi nhà Đại đoàn kết, vốn đầu tư 4,5 tỷ đồng đã ra đời từ sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ đó. Và có lẽ, cũng chỉ ở Đà Nẵng, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ địa phương có hẳn một Chỉ thị đầy tính nhân văn, tất cả vì sự ấm no hạnh phúc, bình yên của mỗi nhà, Chỉ thị 24-CT/TU: Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật. Chỉ thị như hiệu lệnh giục giã các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và cả cộng đồng chung tay góp sức xây dựng một thành phố không có người nghèo, không có học sinh bỏ học, không có thanh-thiếu niên hư. Và kết quả rất đáng tự hào, năm 2010 đã có 9.305 hộ thoát nghèo, góp phần giảm hộ nghèo của thành phố Đà Nẵng từ 13,68% (đầu năm) xuống chỉ còn 8,74 % hiện nay.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

Đọc thêm