Xóm người mù ở cao nguyên

Không rõ từ khi nào, mấy chục con người cùng hoàn cảnh bị mù, lòa đã tập trung về hội tụ tại khối phố 7, bên cạnh hồ Ông Giám, phường Tân Lập (TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) để định cư. Những người có hoàn cảnh đặc biệt này mưu sinh bằng những công việc rất chính đáng để duy trì cuộc sống.

Không rõ từ khi nào, mấy chục con người cùng hoàn cảnh bị mù, lòa đã tập trung về hội tụ tại khối phố 7, bên cạnh hồ Ông Giám, phường Tân Lập (TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) để định cư. Những người có hoàn cảnh đặc biệt này mưu sinh bằng những công việc rất chính đáng để duy trì cuộc sống.

Chuyện cổ tích xóm người mù

Chúng tôi đến xóm người mù vào một ngày cuối tuần khi tiết trời Tây Nguyên đã chuyển sang lạnh. Cái lạnh, khô hanh và bụi mù nơi cao nguyên đất đỏ cũng không bằng cảm xúc xáo trộn đến khó tả của chúng tôi khi tiếp xúc với những con người nơi đây. Ở cái xóm mù này, mỗi người có một hoàn cảnh, một số phận éo le, bất trắc khác nhau, họ đã đoàn tụ để mong muốn có cuộc sống bình yên .

Người đầu tiên đặt chân đến khu phố này và lập nên xóm mù là ông Nguyễn Nghề. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo khó của miền biển tỉnh Bình Định ,cặp vợ chồng mù Nguyễn Nghề và  Phạm Thị Liên càng khó khăn gấp bội khi chỉ trong 6 năm chung sống với nhau như vợ chồng, bà Liên đã sinh cho ông Nghề ba người con hai trai, một gái.

Dù bị mù cả hai mắt từ nhỏ, nhưng để mưu sinh hàng ngày ông phải chống gậy lần mò ra từng ngách sông, cửa biển bắt cá, bắt tôm đem về cho vợ mang ra chợ Quy Nhơn bán lấy tiền đong gạo. Sản vật của biển ngày càng khan hiếm, đến ngay những ngư dân tỉnh táo đánh bắt xa bờ cũng khó trụ nổi, nên năm 1985 vợ chồng ông chuyển sang bán vé số, bán tăm tre, chổi chít dạo.

Ông Nghề kể : Khi ấy vợ chồng tôi cứ lang thang nay đây, mai đó, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường nên cũng chẳng có định hướng là sẽ đi về đâu. Còn ba đứa nhỏ thì gửi lại người thân.

Đến năm 1986, chẳng hiểu thế nào mà vợ chồng ông đã trôi dạt lên tận bến xe Đắc Lắc, rồi lạc vào một khu rừng rậm rạp. Vừa đói, vừa khát, vợ chồng ông mang nốt những miếng lương khô còn xót lại ra ăn rồi mệt quá lăn ra gốc cây ngủ. May sao chẳng có con thú rừng nào bén mảng đến. “Nếu có thì vợ chồng tôi đã làm mồi cho thú dữ rồi.”- Nhấp ngụm nước trà nhạt , ông Nghề nói tiếp:

“Đến con chim cũng cần một chỗ để nghỉ ngơi lúc đêm về, nơi đất khách, quê người, lạ nước, lạ cái lại thấy đây là nơi bình yên nên hàng đêm vợ chồng tôi lại kéo nhau về đây tá túc. Sống được hơn một năm thì có một người tốt bụng mang đến cho chúng tôi  ít gỗ để dựng tạm một căn lều và nói là cho ở nhờ.

Có chỗ ở, ngày ngày vợ chồng tôi vừa đi bán tăm, vừa đi bán vé số cũng sống được. Một năm trời ,vợ chồng tôi cũng tích cóp được gần 3 triệu thì người tốt bụng ấy quay trở lại và nói bán miếng đất đã dựng lều cho vợ chồng tôi với giá hữu nghị 5 triệu đồng, trong đó phải trả trước 3 triệu, số tiền còn lại sẽ trả trong vòng 2 năm. Mừng qúa, vợ tôi lấy tiền ra trả và thế là có đất ở.

Sống trong bóng tối, nhưng họ luôn cố gắng để các con được đàng hoàng
Cư dân xóm người mù

Có nhà ở ổn định, vợ chồng tôi lại dắt díu nhau đi bán vé số dạo, và vào một ngày trời mưa gió tầm tã, đang không có chỗ trú chân thì có một người  dắt vợ chồng tôi vào trú chân trong một ngôi nhà hoang. Cảm ơn tấm lòng của bà ấy, chúng tôi bắt chuyện và được biết bà là Phạm Thị Diệu, hơn tôi 5 tuổi, hoàn cảnh của bà  cũng chẳng có gì khấm khá, bị hỏng một mắt không nhà không cửa và cũng đi bán vé số dạo kiếm ăn.

Thấy vậy, vợ chồng tôi mời bà ấy về nhà chơi, lâu dần chúng tôi thành thân nhau, vì còn một mắt nên hàng ngày bà ấy nấu cơm cho vợ chồng tôi cùng ăn. Rồi lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, bà ấy đã cùng ngủ một giường với vợ chồng tôi và cũng chẳng cưới xin, đăng ký gì.

Sống với nhau được 9 năm thì bà Phạm Thị Liên mất. Bà Phạm Thị Diệu cũng sinh cho ông Nghề hai người con gái, giờ họ cũng đã lập gia đình và thường xuyên qua lại thăm ông bà, còn bản thân ông Nghề, bà Diệu, dù đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng vẫn hàng ngày dắt nhau đi bán vé số dạo khắp các hang cùng, ngõ hẻm ở thành phố Buôn Ma Thuột  kiếm sống.

Ông Lê Hồng Sơn sinh năm 1956, quê ở Nha Trang về định cư ở xóm mù này từ năm 1987 .Ông Sơn bị mù hai mắt và cụt một cánh tay trái.

Khiếm khuyết này không phải do cha mẹ sinh ra, mà bởi ông đã dùng mìn đánh cá. Ông Sơn kể năm 1976, khi vừa tròn 20 tuổi, ông theo nghề đánh bắt thủy hải sản. Thuyền không có lưới cũng không nên buộc phải dùng mìn nổ để bắt cá . “Mọi lần tôi đánh thì không sao, nhưng hôm đó trời vần vũ định đổ mưa, không khí rất ngột ngạt. Khi ném mìn xuống khoảng 30 phút mà không thấy nổ, tôi liền lặn xuống và vớt lên định kiểm tra, nhưng vừa nổi lên mặt nước, tay cầm quả mình thì nó nổ tung, rồi tôi không hề hay biết gì nữa.

Được gia đình đưa đi bệnh viện, một tuần sau tôi tỉnh lại thì toàn thân bỏng rát và đau nhức, mắt không mở được, tay lại bị cụt. Quá hụt hẫng, nhiều lần tôi có ý định tự tử thì được gia đình phát hiện kịp thời ngăn cản. Sau thời gian chữa trị, tôi bỏ nhà đi lang thang hát dạo xin ăn và tôi đã đến với nơi này”.

“Cho dù không thấy ánh sáng, chúng tôi vẫn ý thức được rằng phải cố gắng lao động, chứ không thể ngồi đó đợi người khác giúp hay ra chợ ngồi ăn xin”- ông Nguyễn Hiệp trả lời bằng một giọng quả quyết. Và quả thật, giống như ông, các thành viên của xóm mù này lấy việc đi bán vé số, tăm tre, chổi chít là nghề kiếm cơm để sinh sống cũng như chắp cánh cho con đến trường và thành người.  

Luôn mơ một ngày mai

Mặc dù thân phận mù lòa nhưng nhiều người vẫn hy vọng cuộc đời con họ sẽ bước sang một trang mới. Xòe bàn tay chai sần vì chống gậy và xẻ tăm, ông Nguyễn Hiệp khẳng định: “Hai đứa con gái lấy chồng rồi thì thôi, còn thằng út dù có gục xuống đống tăm vì mệt mỏi, tôi cũng quyết kiếm tiền nuôi nó ăn học. Cả đời không dám uống một chai bia, không biết cầm bút viết lấy một chữ nên phải ráng nuôi con ăn học nên người thôi”.

Sợ con xấu hổ với bạn bè, những người dân ở xóm mù đều có một cam kết  là không ai được đi ăn xin mà phải tự bán sức lao động của mình. Ông Đinh Khuya quả quyết: “Mù thật đấy nhưng đi ăn xin là nhục. Phải giữ sĩ diện cho con cháu nên xóm này không có ai ăn xin hết”.

Họ luôn nỗ lực
“Cho dù không thấy ánh sáng, chúng tôi vẫn ý thức được rằng phải cố gắng lao động, chứ không thể ngồi đó đợi người khác giúp hay ra chợ ngồi ăn xin”

Trong buổi làm việc với chúng tôi về sự quan tâm của chính quyền địa phương dành cho xóm mù, ông Mai Văn Cường, cán bộ phụ trách Chính sách xã hội phường Tân Lập cho biết: “Đây là xóm mù duy nhất ở Đắk Lắk nên ngày Tết chúng tôi vẫn quan tâm thường xuyên. Nhiều gia đình còn được trợ cấp hàng tháng, tuy ít ỏi nhưng cũng mong phần nào xoa dịu bớt nỗi cơ cực của họ”. Chung quan điểm với ông Cường, ông Võ Hoàng, trưởng khối phố 7 cho biết thêm: “Thỉnh thoảng, tôi vẫn đi vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ sách vở và chút tiền cho con em xóm mù, nhưng cũng chẳng thấm tháp vào đâu nên cuộc sống của họ vẫn còn chông chênh lắm”.

Bước chân ra khỏi xóm mù khi trời đã mịt mùng tối, trong gian bếp của những người mù ánh lửa đã được thắp lên, những người đi bán vé số, chổi chít, tăm tre đã lầm lụi chống gậy trở về với mái ấm gia đình. Dù cuộc sống còn đầy gian khó, nhưng họ vẫn tin vào tương lai tươi sáng của ngày mai. Vì họ bết rằng bằng sự nỗ lực không ngừng của chính họ thì đâu đó trong cuộc đời này vẫn còn có nhiều tấm lòng thơm thảo.

Ngọc Anh

Đọc thêm