Tôi đã rất hồi hộp từ khi chờ đợi chuyến bay thành phố Hồ Chí Minh đi Hồng Kông cất cánh. Ngoài tâm trạng nóng lòng gặp người thân thì đây là lần đầu tiên tôi đến xứ sở được mệnh danh có đường chân trời đẹp nhất thế giới, thành phố không ngủ, kinh đô ẩm thực, trung tâm giải trí, thiên đường mua sắm...
Cảng Thơm… thơm mãi đến giờ
Tác giả trên đường phố ở khu mua sắm Causeway Bay. |
Bước xuống sân bay Hồng Kông tôi thật sự ngạc nhiên khi vị trí sân bay nằm sát mép bờ biển. Cảm giác choáng ngợp trước quy mô rộng lớn và hiện đại của sân bay quốc tế Hồng Kông khiến khách đến nơi này đã không tiếc lời khen và trao tặng “danh hiệu” một trong những sân bay tốt nhất thế giới hiện nay. Cả một quần đảo quây quần bên nhau uốn lượn theo sườn núi, tạo cho xứ sở này nhiều vịnh, sông và cửa biển. Đó cũng là lý do vì sao từ nhiều thế kỷ trước, Hồng Kông đã nổi tiếng là hải cảng tấp nập thương thuyền Tây phương mang hàng hóa sản xuất từ châu Âu sang trao đổi với trà, dược liệu, gia vị, tơ lụa của Trung Hoa.
Bến cảng Victoria nằm trên vùng nước hẹp ngăn cách giữa đảo Hồng Kông và bán đảo Cửu Long, là một trong những hải cảng tự nhiên sâu nhất thế giới rất thuận lợi cho giao thông và phát triển kinh tế. Tại đây, hằng đêm du khách có thể quên đi bao phiền muộn, âu lo để chiêm ngưỡng màn trình diễn ánh sáng kỳ diệu trên toàn xứ đảo.
Lần đầu tiên đứng trên bến cảng mang tên Nữ hoàng nước Anh, nghe đứa bạn của con gái nói rằng, tên gọi “Hồng Kông” xuất phát từ tiếng Quảng Đông, đọc là Hướng Coỏng, âm Hán Việt là Hương Cảng, có nghĩa là “cảng thơm”. Tương truyền nơi đây một thời là nơi buôn bán các sản phẩm được làm từ các loại gỗ quý như gỗ hương và nhang có mùi thơm rất đặc biệt.
Thành phố cao, giá nhà đất cũng cao ngất ngưởng
Có thể gọi Hồng Kông là thành phố trên cao theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đặt chân đến xứ Cảng Thơm là choáng ngợp trước những tòa cao ốc chen chúc xa gần theo tầm mắt. Do quỹ đất chật hẹp, thành phố chủ yếu phát triển theo chiều cao và nhà cao tầng được xem là biểu tượng sức mạnh của kinh tế hiện đại. Kể từ cuối thập niên 1980, Hồng Kông đóng góp một số công trình nhà chọc trời nổi tiếng, bao gồm Nhà băng Trung Quốc và Trung tâm Tài chính Quốc tế. Nổi bật nhất là Trung tâm Thương mại Quốc tế (ICC Tower) với 118 tầng, cao 484m, là tòa nhà cao thứ 4 thế giới, góp phần đưa Hồng Kông vào danh sách ba “ông lớn” về nhà cao tầng trên thế giới cùng với Chicago và New York.
Nghe bạn con gái bảo du khách đến Hồng Kông thường không thể nào bỏ qua tour chinh phục đỉnh Thái Bình, cũng muốn làm chuyến “đăng sơn” lên đỉnh núi cao nhất đất nước này. Dưới thời Hồng Kông còn thuộc Anh, đỉnh núi từng mang tên nữ hoàng tôn kính Victoria. Từ trên đỉnh Thái Bình có thể nhìn toàn cảnh khu đô thị trung tâm Hồng Kông. Hàng ngàn ngôi nhà chọc trời dày đặc giữa khu Trung tâm và khu Causeway Bay sắp hàng dọc theo Bến cảng Victoria, nổi bật trên nền biển xanh mây trắng, kéo dài đến tận chân trời. Cứ như đang lạc vào xứ sở bồng lai tiên cảnh vậy!
Người ta thường kháo nhau rằng, Hồng Kông có hai cái nhất. Một là mật độ dân số đông nhất thế giới. Nếu một ngày nào đó tất cả dân ở đảo Hồng Kông và Nam Cửu Long đều xuống đứng trên mặt đất của hai nơi này thì không thể nào đủ chỗ dù mỗi người chỉ đặt một bàn chân. Hai là giá nhà vô cùng đắt đỏ. Một căn hộ chung cư tương đối tiện nghi được áp giá hàng chục tỷ VNĐ. Ngoài các quan chức, tỷ phú và các minh tinh điện ảnh… thì việc sở hữu một căn hộ đối với người dân Hồng Kông chỉ là giấc mơ xa vời.
Ở Hồng Kông, việc có một căn hộ bao nhiêu mét vuông, khu cao ốc nào, tầng thứ mấy đủ để cho người khác đánh giá về khả năng kinh tế của bạn. Giá thuê một căn hộ khoảng 70m2 ở thành phố đắt đỏ nhất thế giới này dao động từ 2.000 - 11.000 HKD (đô la Hồng Kông) mỗi tháng, tương đương 40 triệu - 220 triệu VNĐ. Không phải ai cũng đủ tiền thuê một căn hộ như thế. Hầu như người thu nhập thấp chỉ có thể thuê căn hộ nhỏ, thậm chí cả gia đình sống gói gọn trong 20m2 và tất nhiên là rất xa khu trung tâm. Đó cũng là một trong những lý do khiến người Hồng Kông rất hiếm khi mời khách đến chơi nhà…
Đặt chân đến “thiên đường”…
Hồng Kông như chiếc kính vạn hoa đa sắc màu luôn chờ du khách khám phá và thưởng thức. |
Việc đầu tiên tôi làm khi đến Hồng Kông là kiếm cho mình cuốn cẩm nang dành cho khách du lịch “Hong Kong Day by Day”, một sim điện thoại quốc tế và một thẻ Octopus (loại thẻ dùng trong giao thông). Với loại thẻ này, bạn có thể tham gia các hình thức giao thông như xe buýt, tramway (loại hình giao thông công cộng kết hợp giữa tàu điện ngầm và xe buýt), tàu điện ngầm, phà… và cả mua nước giải khát, thức ăn nhẹ tại hệ thống cửa hàng Số 7 - Seven.
Hồng Kông được vinh danh là “Thiên đường mua sắm” của châu Á. Du khách đến đây sẽ có nhiều đêm không ngủ để tha thẩn đi shopping từ A đến Z, từ những mặt hàng nổi tiếng trên thế giới giá mấy chục ngàn đô la cho đến hàng Tàu nhái rẻ mạt. Các chợ như Ladies’ Market (chợ của Quý Bà) ở phố Tung Choi, Stanley Market và Temple St. Market (chợ đêm Phố Chùa) hoạt động từ 13 giờ chiều đến gần sáng hôm sau đem đến cho những người nghiện shopping những cảm giác thích thú lạ lẫm.
Mùa giảm giá ở Hồng Kông bắt đầu từ khoảng cuối tháng 5 kéo dài cho đến đầu tháng 8, tất cả những mặt hàng thượng vàng hạ cám đều giảm giá từ 15% cho đến 70%. Khi bước chân vào các khu mua sắm nổi tiếng như Causeway Bay, Nathan, The Landmark… đắm chìm trong thế giới hàng hóa vô tận, bạn sẽ không còn nhận biết về dòng chảy của thời gian. Trên đường đến “thiên đường”, có thể dừng chân tại các quầy bar, cà-phê, thức ăn để nạp thêm năng lượng tiếp tục hành trình. Và một khu spa rộng lớn và hiện đại, với đội ngũ nhân viên xinh đẹp và lành nghề luôn sẵn sàng phục vụ các thượng đế bất cứ lúc nào.
Như Hạnh