Bản án đã được thi hành xong nhưng vụ án vẫn chưa “an bài” vì bản án lại bị kháng nghị thiếu căn cứ.
Rõ như ban ngày
Thửa đất số 630, 631,638 thuộc tờ bản đồ số 4 xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh có diện tích 1206,4m2 do hộ gia đình ông Phan Bạc và bà Vũ Thanh Bình sử dụng. Năm 1995, gia đình ông Phan Bạc đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và năm 2001 đã được “đổi sổ”. Theo hồ sơ địa chính và các tài liệu khác thì diện tích đất này trước đây do ông Phan Văn Qua, cha ông Phan Bạc sử dụng. Khi còn sống ông Phan Văn Qua đã nhiều lần cầm cố tài sản này nhưng đã được cụ Trương Thị Sáu (em dâu ông Qua) chuộc về và giao lại đất cho ông Qua.
Gia đình ông Qua tiếp tục sử dụng đất đến khi ông Qua mất thì ông Phan Bạc sử dụng đất. Ông Bạc đã thuê bà Nguyễn Thị Nhỏ canh tác trên thửa đất trên. Năm 1993, ông Phan Bạc đăng ký sử dụng đất và năm 1995 thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Năm 2001, bà Phan Thị Sáu, em ông Phan Bạc đã tự ý xây dựng nhà ở và chiếm diện tích đất trên và không chịu trả lại đất cho hộ gia đình ông Bạc. Vì vậy, ông Phan Bạc đã khởi kiện đòi lại diện tích đất bị chiếm trái phép. Khi bị kiện, bà Sáu cho rằng mình cũng “có phần” trong diện tích đất trên nên đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi hơn 1206m2 đất mà nhà nước đã cấp “sổ đỏ” cho gia đình ông Phan Bạc.
Vụ kiện đã được các cấp Tòa án tại TP Hồ Chí Minh giải quyết theo bản án dân sự số 71/2009/DSST và bản án 543/2010/DSPT. Theo nhận định của các bản án trên thì việc sử dụng đất của gia đình ông Bạc đúng pháp luật, được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên Tòa buộc bà Phan Thị Sáu và những người liên quan phải trả lại diện tích đất trên. Sau đó, các bản án trên bị kháng nghị hủy bỏ vì “lỗi tố tụng”.
Tại bản án dân sự sơ thẩm 54/2012/DSST và bản án 1550/2012/DSPT, TAND huyện Bình Chánh và TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục căn cứ hồ sơ địa chính và các tài liệu liên quan để đánh giá và nhận định rằng, hộ gia đình ông Phan Bạc sử dụng đất hợp pháp, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Đất đai 1993. Việc bà Phan Thị Sáu tự ý lấn chiếm đất của ông Bạc là trái pháp luật nên buộc bà Sáu phải trả lại đất và tháo dỡ công trình xây dựng lấn chiếm đất là có căn cứ. Vì vậy, 4 bản án của hai cấp tòa đều chung một quyết định là buộc bà Sáu phải trả lại đất lấn chiếm.
Thiếu căn cứ cũng kháng nghị
Tuy nhiên, ngày 6/6/2013, VKSNDTC lại ra quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm số 1550/2012/DSPT của TAND TP Hồ Chí Minh với lý do Tòa không đưa UBND huyện Bình Chánh vào tham gia tố tụng với vai trò là người có quyền lợi liên quan. VKSNDTC còn cho rằng, cần phải xem xét ngoài chỗ ở trên đất lấn chiếm trên, gia đình bà Phan Thị Sáu còn chỗ ở nào khác không và phải xem xét công sức của gia đình bà Sáu sử dụng đất “lấn chiếm” để đảm bảo quyền lợi cho gia đình bà Sáu.
Đây là lần thứ 2 vụ án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng lý do bị kháng nghị rất khó hiểu và thiếu căn cứ. Trong bản án phúc thẩm số 1550, TAND TP Hồ Chí Minh đã nhận định rất rõ, không cần thiết đưa UBND huyện Bình Chánh vào tham gia tố tụng vì việc cấp sổ đỏ cho gia đình ông Bạc đã đúng pháp luật, UBND huyện Bình Chánh không có nghĩa vụ gì liên quan. Hơn nữa, trong quá trình giải quyết vụ án, VKS TP Hồ Chí Minh đã kết luận việc thụ lý, xét xử vụ án đã đúng thủ tục tố tụng.
Một điều rất vô lý nữa là việc VKSNDTC yêu cầu phải xem xét quyền lợi, tài sản của người lấn chiếm quyền sử dụng đất. Nếu cứ lấn chiếm đất, xây nhà trái phép rồi khi bị buộc phải tháo dỡ lại được xem xét bồi thường, hỗ trợ thì hóa ra, những hành vi vi phạm pháp luật cũng cần được bảo vệ?
Để làm rõ hơn việc khi nào đưa cơ quan cấp “sổ đỏ” vào tham gia tố tụng với vai trò là người liên quan trong vụ án dân sự, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Minh Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) về vấn đề này.
Thưa Luật sư, việc VKSTC kháng nghị hủy án phúc thẩm vì không đưa UBND huyện vào tham gia tố tụng là có căn cứ không, thưa ông?
- Đây là vụ án “đòi quyền sử dụng đất” nên trong vụ án này, UBND huyện Bình Chánh không có quyền lợi gì liên quan. Hơn nữa, nguyên đơn không yêu cầu UBND thực hiện nghĩa vụ gì còn bị đơn không có yêu cầu phản tố mà chỉ yêu cầu tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Do đó, trong vụ án này việc không đưa UBND huyện vào tham gia tố tụng là đúng pháp luật.
Tôi cũng lưu ý rằng, quyền sử dụng đất có tranh chấp do Tòa giải quyết hầu hết là đã được cấp “sổ đỏ”. Nếu cứ có tranh chấp liên quan đến sổ đỏ mà UBND huyện lại phải ra tòa thì UBND cấp huyện sẽ phải hầu tòa mãi sao?
Có ý kiến cho rằng, việc VKS TC yêu cầu hủy bản án để xem xét quyền lợi của người lấn chiếm đất là không có căn cứ pháp luật. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Nếu việc xây dựng nhà, sử dụng đất của bị đơn có sự đồng ý của nguyên đơn thì khi buộc họ trả lại đất, cần phải xem xét công sức quản lý, tôn tạo và tài sản trên đất đối với họ. Nhưng, việc lấn chiếm thì không được xem xét, thậm chí còn phải bồi thường nếu lấn chiếm mà gây thiệt hại cho chủ sử dụng đất.
Xin cảm ơn ông!
Bình Minh