Báo Pháp luật Việt Nam ngày 13/4/2012 đã có bài phản ánh về trường hợp Cao Thị Minh Hằng (xã Thụy Vân, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) trong khi đang mang thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nhưng vẫn bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ bắt tạm giam và cắt quà tiếp tế.
Vi phạm tố tụng nghiêm trọng
Mới đây, CQĐT Viện KSNDTC đã có văn bản gửi Viện trưởng VKSND và Giám đốc Công tỉnh Phú Thọ chỉ đạo tổ chức kiểm điểm các cá nhân liên quan đến việc bắt tạm giam bị can Cao Thị Thu Hằng, căn cứ vào mức độ vi phạm có biện pháp xử lý kỷ luật hành chính nghiêm minh đối với các cá nhân này. Có biện pháp xử lý kỷ luật hành chính nghiêm minh đối với hành vi giả mạo tài liệu, chứng cứ của điều tra viên Nguyễn Mạnh Cường. Tổ chức rút kinh nghiệm trong lực lượng điều tra Công an tỉnh Phú Thọ để phòng ngừa vi phạm và tội phạm trong hoạt động tư pháp. Công văn nêu rõ:
1. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam đối với bị can Cao Thị Thu Hằng: Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ (CA Phú Thọ) áp dụng biện pháp bắt tạm giam đối với Cao Thị Thu Hằng, khi biết rõ Hằng đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, đang mang thai, ở tại địa phương và chấp hành giấy triệu tập của CQĐT, không có biểu hiện trốn tránh trong khi chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn khác và trong thời gian bị tạm giam xác định Hằng đang mang thai 09 tuần 04 ngày tuổi là không đúng với quy định của pháp luật, đã vi phạm điểm b, khoản 2, Điều 88 BLTTHS…
Việc đề xuất, ra lệnh, phê chuẩn lệnh tạm giam thuộc trách nhiệm của điều tra viên Nguyễn Mạnh Cường là người trực tiếp đề xuất, Phó Trưởng phòng PC45 Đào Diệu Sơn trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án, Phó Thủ trưởng CQĐT Đinh Văn Phúc ký lệnh bắt tạm giam Hằng.
2. Việc cắt quà tiếp tế đối với bị căn Cao Thị Thu Hằng: Ngày 03/11/2011 Cơ quan CSĐT CA Phú Thọ có Công văn số 01/CV đề nghị Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ kỷ luật bị can, không tiếp nhận quà gửi đối với bị can Hằng, trong khi bị can Hằng không vi phạm bị Trại tạm giam kỷ luật là trái với khoản 4, Điều 32 Quy chế về tạm giữ, tạm giam...
3. Việc kê biên nhà và đất ở: Ngày 18/11/201, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ ra lệnh kê biên tài sản ngôi nhà 04 tầng năm trên thửa đất số 513, tờ bản đồ số 43 tại thôn Nỗ Lực, xã Thụy Vân, TP.Việt Trì của ông Cao Trung Sự và bà Lê Thị Đường (bố mẹ Hằng). Lý do dẫn tới việc CQĐT ra lệnh kê biên tài sản nêu trên là do điều tra viên Nguyễn Mạnh Cường đã đề xuất kê biên tài sản. Tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc kê biên tài sản là do điều tra viên Nguyễn Mạnh Cường giả mạo để báo cáo Lãnh đạo CQĐT.
Cụ thể, điều tra viên Cường đã tự viết thêm vào biên bản ghi lời khai của Cao Thị Thu Hằng ngày 1/8/2011 với nội dung: “Tôi cùng chồng tôi là Hòa và 2 con nhỏ đang sống tại căn nhà ở thôn Nỗ Lực, xã Thụy Vân, Việt Trì. Nhà này do chồng tôi làm từ năm 2009, chúng tôi sống chung với nhau”. Cũng xác lập nội dung tương tự nêu trên, điều tra vên Cường còn tự viết khống trong biên bản xác minh tại UBND xã Thụy Vân ngày 17/11/2011 với nội dung:“Cao Thị Thu Hằng sống cùng chồng con tại ngôi nhà 4 tầng ở xã Thụy Vân, nhà này do vợ chồng Hằng lam trên mảnh đất thuộc quyền sở hữu của bố mẹ đẻ Hằng là ông Cao Trung Sự”…
Hành vi giả mạo nói trên của điều tra viên Nguyễn Mạnh Cường đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của CQDT, xâm phạm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân…
Bỏ lọt tội phạm
Bên cạnh đó trong Văn bản số 19/VKSTC-C6(P3) của CQĐT VKSNDTC cũng kiến nghị “Về việc xử lý và phòng ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp”…Đối với trường hợp Đặng Thị Hải Yến, hiện đang công tác tại Viện chiến lược Bộ Công an.
Hồ sơ vụ án Lê Thị Minh Hiền, Cao Thị Thu Hằng “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do CA Phú Thọ thụ lý, thể hiện: Trong thời gian từ tháng 11/2010 đến tháng 3/2011, Yến đã nhận 48 bộ hồ sơ mua đất, với tổng cộng hơn 9,6 tỉ đồng, Yến đưa hồ sơ và hơn 8,7 tỉ đồng cho Lê Thị Minh Hiền và giữ lại 938 triệu đồng. Đồng thời, Yến còn nhận 12 hồ sơ xin việc với số tiền hơn 2,3 tỉ đồng và đưa cho Hiền 12 hồ sơ và hơn 2,1 tỉ đồng, còn Yến giữ lại 210 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền Yến chiếm giữ của các bị hại là hơn 1,1 tỉ đồng.
Tuy nhiên, do Yến không mua được đất, không xin được việc làm như thỏa thuận, những người đưa tiền cho Yến đã đòi lại tiền và làm đơn tố cáo Yến đến các cơ quan pháp luật tỉnh Phú Thọ tố cáo hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Yến… Đến nay, Yến chưa trả cho những người nộp tiền mua đất hơn 7,1 tỉ đồng.
Tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện: Đặng Thị Hải Yến cũng như Lê Thị Minh Hiền, Cao Thị Thu Hằng đều “không có vai trò, trách nhiệm trong việc xin việc và xin mua đất dự án”. Bản thân Yến đang công tác trong ngành Công an, được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ, có nhận biết về pháp luật nhưng đã trực tiếp nhận tiền, nhận hồ sơ mua đất, hồ sơ xin việc với số tiền đặc biệt lớn của nhiều người chuyển cho Hiền, tạo điều kiện cho Hiền chiếm đoạt tài sản của các công dân. Về phần mình, Yến đã giữ lại số tiền rất lớn như đã nêu trên.
Như vậy, Yến có vai trò tích cực, đứng đầu trong việc nhận hồ sơ, nhận tiền của những người mua đất, xin việc làm và có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của họ. Nhưng Cơ quan CSĐT CA Phú Thọ đã không khởi tố điều tra làm rõ vai trò của Yến trong vụ án, mặc dù những người nộp tiền cho Yến đã có đơn tố cáo Yến lừa đảo tiền của họ. Việc Cơ quan CSĐT CA Phú Thọ xác định Yến là bị hại là thiếu khách quan, không đúng bản chất của vụ án, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Về vấn đề này, dư luận người dân Phú Thọ cũng từng rất bất bình và nghi ngờ rằng, phải chăng Đặng Thị Hải Yến là con của vị Chánh Văn phòng CA Phú Thọ nên Cơ quan CSĐT CA Phú Thọ mới né như vậy?
Trao đổi với ông Trương Bá Hùng - Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ - về vụ án trên, ông Hùng cho biết: Hiện hồ sơ vụ án đã được trả về cho Cơ quan CSĐT CA Phú Thọ để xem xét, khởi tố Yến. Còn việc xử lý đối với Kiểm sát viên Tạ Văn Dung trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát điều tra vụ án – là người đề xuất phê chuẩn lệnh bắt tạm giam bị can Cao Thị Thu Hằng, khi nào vụ án kết thúc mới xử lý…
Đặng Vũ