Xử lý mạnh các hành vi vi phạm nghiêm trọng

Từ ngày 20-5, Nghị định 34 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành. Phóng viên Báo Hải Phòng trao đổi với Thượng tá Phạm Văn Hải, Phó trưởng Phòng CSGT Bộ-sắt (Công an thành phố) về vấn đề triển khai Nghị định này tại Hải Phòng.

 Từ ngày 20-5, Nghị định 34 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành. Phóng viên Báo Hải Phòng trao đổi với Thượng tá Phạm Văn Hải, Phó trưởng Phòng CSGT Bộ-sắt (Công an thành phố) về vấn đề triển khai Nghị định này tại Hải Phòng.

 - Đề nghị  đồng chí cho biết, Phòng CSGT Bộ-sắt chuẩn bị như thế nào để triển khai thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ?

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 34, chúng tôi tiến hành nghiên cứu, trích dẫn các điểm giống nhau, khác nhau giữa Nghị định 34 với các nghị định trước đó, gửi cho cán bộ, chiến sĩ Phòng PC26 học, nắm vững để chuẩn bị thực hiện. Phòng CSGT Bộ-sắt tham mưu cho Giám đốc Công an thành phố tổ chức 2 lớp tập huấn quán triệt Nghị định 34 tới 100% cán bộ, chiến sĩ CSGT và một số lực lượng khác như Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Công an các quận, huyện...Công tác tuyên truyền được triển khai bằng nhiều biện pháp như thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của thành phố, xe lưu động tuyên truyền bằng loa ở nhiều tuyến đường thành phố; in, sao các đĩa ghi âm gửi tới các quận, huyện để phát trên hệ thống loa phát thanh xã, phường về những nội dung cơ bản của nghị định đến với đông đảo người dân một cách đầy đủ, kịp thời nhất.  

Lực lượng CSGT và trật tự quận Ngô Quyền tuần tra, xử lý vi phạm giao thông trên đường Lê Thánh Tông.
Lực lượng CSGT và trật tự quận Ngô Quyền tuần tra, xử lý vi phạm giao thông trên đường Lê Thánh Tông.

- Điểm khác biệt căn bản giữa Nghị định 34 so với các nghị định trước đó là gì?

Nghị định 34 được xây dựng trên cơ sở Nghị định 146/2007 của Chính phủ. Qua nghiên cứu Nghị định 34, chúng tôi thấy nghị định này có nhiều điểm mới, được sửa đổi, bổ sung phù hợp với Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Điểm khác biệt căn bản giữa Nghị định 34 so với Nghị định 146 là phân rõ thẩm quyền xử lý vi phạm, tăng mức phạt bằng tiền, giảm các hình thức phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe, chứng chỉ hành nghề, tạm giữ phương tiện...Ví dụ lỗi điều khiển mô tô vượt đèn đỏ trước đây theo Nghị định 146 ngoài xử phạt bằng tiền, còn bị đình chỉ lưu hành phương tiện 30 ngày, nay Nghị định 34 chỉ quy định phạt tiền, không đình chỉ lưu hành phương tiện nếu người vi phạm có đủ giấy tờ hợp lệ.

- Quá trình triển khai Nghị định 34, lực lượng chức năng gặp những khó khăn, vướng mắc gì?

Tính tới hôm nay (22-5), Nghị định 34 mới chính thức có hiệu lực được 2 ngày, còn quá sớm để đánh giá những ưu điểm, hạn chế của nghị định này. Tuy nhiên, qua phản ánh của anh em làm việc trực tiếp chúng tôi thấy một số điều quy định của Nghị định này chưa phù hợp. Ví dụ như lỗi điều khiển xe mô tô vượt đèn đỏ chỉ quy định phạt tiền, trong khi người vi phạm sợ nhất là phạt tạm giữ phương tiện, nên tính răn đe giáo dục không cao. Người điểu khiển xe mô tô có hành vi lạng lách, đánh võng, Nghị định 146 trước đây quy định phạt tiền từ 4-6 triệu đồng, tạm giữ đình chỉ phương tiện 30 ngày. Nay Nghị định 34 quy định phạt tiền từ 5-7 triệu đồng, không quy định cụ thể thời gian tạm giữ phương tiện.

Hiện tượng một số thanh niên điều khiển xe mô tô chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng trên đường phố gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Chính hành vi này gây nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, nguy hiểm tới tính mạng đối với người đi đường, là hành vi vi phạm pháp luật cần bị lên án, xử lý thật nghiêm khắc. Lực lượng công an rất khó khăn trong việc truy bắt, xử lý đối tượng có hành vi này. Tuy nhiên, hành vi trên nếu áp dụng theo Nghị định 34 thì quá nhẹ, thiếu tính răn đe. Trước tình hình đó, quan điểm của chúng tôi là đối với hành vi này vẫn phải xử lý thật nghiêm bằng cách vận dụng Điều 46 và 57 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính để tạm giữ phương tiện nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm.

- Một vấn đề mà người dân thành phố rất quan tâm là Hải Phòng có áp dụng việc xử phạt vi phạm hành chính trong khu vực nội thành của đô thị đặc biệt như thành phố  Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hay không?

- Việc xử phạt vi phạm hành chính trong khu vực nội thành của các đô thị đặc biệt (Điều 43,44,45,46 và 57) của Nghị định 34 trước mắt chỉ áp dụng thí điểm 36 tháng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hải Phòng chưa phải là đô thị đặc biệt nên chưa áp dụng hình thức xử phạt này. Nhân dịp này, chúng tôi đề nghị mọi người khi tham gia giao thông chấp hành nghiêm pháp luật để bảo đảm an toàn cho bản thân và mọi người, góp phần xây dựng văn minh đô thị, bảo đảm an ninh trật tự và sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố./.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Việt Hòa thực hiện

Đọc thêm