So với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính đã bổ sung khá nhiều hình thức xử phạt mới. Tuy nhiên, những hình thức này chưa nhận được sự đồng tình, nhất trí cao.
Chẳng hạn, về hình thức xử phạt buộc lao động phục vụ cộng đồng, nhiều ý kiến tán thành nên quy định bổ sung hình thức xử phạt này vào dự thảo Luật vì cho rằng sẽ có tác dụng tốt trong thực tiễn. Tuy nhiên, về hình thức, nội dung, phương thức áp dụng thì còn không ít ý kiến băn khoăn nên như thế nào để bảo đảm tính khả thi và tác dụng giáo dục, thời gian áp dụng hình thức xử phạt này tối thiểu, tối đa là bao lâu.
Ngoài ra, có rất nhiều nội dung cần phải cân nhắc, như khi áp dụng nên tổ chức thi hành tại địa phương nơi người vi phạm cư trú hay tại nơi thực hiện vi phạm và thủ tục chuyển thi hành quyết định sẽ như thế nào; đối với trường hợp không có nơi cư trú nhất định thì có áp dụng hình thức xử phạt này không; những loại vi phạm hành chính được phép áp dụng hình thức xử phạt này và những công việc nào là phù hợp cho loại hình thức xử phạt này?.
Bên cạnh có thêm hình thức mới, Dự thảo Luật lược bỏ hình thức xử phạt tước quyền lãnh đạo pháp nhân. Theo tổ biên tập Dự án Luật, áp dụng hình thức xử phạt trong thực tiễn rất khó khăn vì Việt Nam hiện có nhiều thành phần kinh tế.
Trong trường hợp áp đụng dối với doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần sẽ liên quan đến công tác cán bộ vốn đã phức tạp. Hơn nữa, việc giải quyết những vấn đề tiếp theo (việc làm, công nợ, thực hiện các hợp đồng của pháp nhân…) nếu tước quyền lãnh đạo một đơn vị kinh tế đối với cá nhân vi phạm cũng không đơn giản. Quan trọng hơn, việc áp dụng hình thức xử phạt này phải do cơ quan tòa án quyết định mới thỏa đáng
Tương tự, dự thảo Luật có quy định bổ sung một số biện pháp khắc phục hậu quả gồm buộc công khai xin lỗi; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện, vật phẩm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng quyết định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính… Những biện pháp trên trong thời gian qua đã được quy định trong một số nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính.
Nhưng qua quá trình thảo luận cho thấy có nhiều ý kiến khác nhau về tính chất, thủ tục và phương thức áp dụng các biện pháp vừa nêu. Cụ thể, chúng là biện pháp mang tính chất dân sự hay hành chính, việc tổ chức thực hiện như thế nào để có tính khả thi và hiệu quả, nhất là đối với việc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện, vật phẩm hay việc thu hồi sản phẩm hoặc công bố công khai việc xử phạt thì công bố phạm vi đến đâu, nội dung và phương thức công bố ra sao…?.
Dưới sự chủ trì của Trưởng ban – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, hôm qua, Ban soạn thảo Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có cuộc họp cho ý kiến về một số vấn đề trên để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo Luật. Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên – Phó trưởng ban soạn thảo đã đề nghị tổ biên tập tiếp thu các ý kiến, nhanh chóng có dự thảo mới nhất để trình Chính phủ trong phiên họp thường kỳ vào tháng 2.
Uyên San