Bí ẩn giai thoại xoay mộ của cụ Trạng Trình

(PLVN) - Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được dân gian truyền tụng và suy tôn là "nhà tiên tri nước Việt"; người Trung Hoa thì coi ông là “An Nam lý số hữu Trình tuyền”. Gần 5 thế kỷ trôi qua, những câu chuyện về khả năng tiên tri thấu thị của ông vẫn được truyền tụng, trong đó có giai thoại bí ẩn về xoay mộ Trạng Trình...
Bức phù điêu tái hiện cuộc đời huyền thoại của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Bức phù điêu tái hiện cuộc đời huyền thoại của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tạ thế ở tuổi 95. Tương truyền trước lúc mất, Trạng có giao cho con cháu một ống tre sơn son thếp vàng, bịt kín hai đầu và dặn đúng năm tháng ấy, ngày giờ ấy, phải để cái ống ấy vào kiệu rước lên dinh Thống đốc Hải Dương, trao cái ống này cho quan. Trạng còn dặn thêm là tuyệt đối không được mở ống ra xem trước thời hạn và trừ quan Tổng đốc ra, không ai được mở ống.

Sau khi Trạng mất, con cháu Trạng lâm vào cảnh đói nghèo, sa sút. Nhưng phải đến đời thứ bảy, cái ống tre ấy mới được rước lên dinh quan Tổng đốc, đúng ngày giờ đã ghi trong gia phả. Đang nằm nghỉ, nghe tin con cháu cụ Trạng mang thư đến gặp, quan Tổng đốc rất ngạc nhiên, không biết vì cớ gì, nên truyền cho vào, đồng thời quan ngồi dậy để đi ra cửa. Quan Tổng đốc vừa bước khỏi giường nằm được mấy bước thì bỗng “rầm” một cái, chiếc xà nhà bằng gỗ nặng không biết bị mọt ăn hỏng từ bao giờ, rơi ngay xuống chỗ giường vừa nằm.

Hồ Thái Nhâm trước khu di tích Nguyễn Bỉnh Khiêm ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng)
Hồ Thái Nhâm trước khu di tích Nguyễn Bỉnh Khiêm ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng)  

Thật là một phen hú vía! Quan Tổng đốc mở ống tre ra xem, thấy bên trong có một cuộn giấy, đề hai câu thơ:”Ngã giải nhĩ thượng lương chi ách/ Nhĩ cứu ngã tử tôn chi bần” (Nghĩa là: Cứu ngươi thoát nạn đổ nhà/ Ngươi nên cứu cháu con ta khỏi nghèo). Quan Tổng đốc biết rằng Trạng Trình đã cứu mạng, nên ông ta đã giúp con cháu cụ Trạng nhiều tiền của để đền ơn.

Giai thoại còn nói rằng, trước khi chết, Trạng Trình có ghi vào gia phả và dặn con cháu rằng: “Bình sinh ta có một tấm bia đá sẵn và đã sơn kín. Khi ta nhắm mắt rồi, các ngươi phải nhớ khi hạ quan tài xuống phải để tấm bia ấy lên nắp rồi sẽ lấp đất sau. Hễ có người lạ đến viếng mộ ta mà nói rằng “Thánh nhân mắt mù”, phải lập tức mời người ấy về nhà, yêu cầu họ để hướng mộ lại cho ta. Khi chưa xảy ra, nhớ không được cải cát. Nếu trái lời, dòng dõi về sau sẽ lụn bại”. 

Con cháu y lời, khoảng chục năm sau, một hôm, có một người Tàu đến nhìn ngôi mộ của cụ một lúc rồi nói: “Cái huyệt ở đằng chân sờ sờ thế kia mà không biết, lại tự đem đặt mộ thế này. Vậy mà gọi là thánh nhân, có mà thánh nhân mắt mù”. Người trong nhà nghe được về nói lại với ông trưởng tộc. Ông ta liền cho mời người Tàu kia về nhà, xin xoay lại hướng ngôi mộ.

Ông người Tàu là một nhà địa lý rất giỏi, vì nghe tiếng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lâu muốn sang đây xem di tích của cụ. Khi được đề nghị như vậy, ông ta cho rằng mình giỏi hơn Trạng Trình lấy làm tự đắc lắm. Ông ta bảo với người nhà ông Trạng rằng: “Không cần đem đi đâu xa, chỉ đào lên rồi xoay lại một chút là được”.

Khi tấm bia đá được đào lên, mọi ngươi mới thấy mấy dòng chữ: "Ngũ thập niên liền mạch tại đầu/ Ngũ thập niên hậu mạch quay túc/ Hậu sinh nhĩ bối há năng tri/ Hà vị thánh nhân vô nhĩ mục."  Có nghĩa: "Ngày nay mạch lộn xuống chân/ Năm mươi năm trước mạch dâng đằng đầu/ Biết gì những kẻ sinh sau? Thánh nhân mắt có mù đâu bao giờ!"  Đọc xong, ông thầy Tàu sợ toát mồ hôi và lúc đó mới phục Trạng Trình là một vị Thánh.

Lại có chuyện kể rằng, năm Minh Mạng thứ 14, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ được Vua điều đi khẩn hoang ở vùng Hải Dương. Vấn đề là cần phải đào con sông, mà đào sông thì phải phá đền thờ Trạng Trình. Trứ bèn ra lệnh cho dân phu phá đền để đào sông.

Trước khi phá, sai người đào vào đền mang bát hương ra, Nguyễn Công Trứ chợt thấy dưới bát hương có một tấm bia đá nhỏ phủ vải điều. Sau khi lau sạch, tấm bia lộ ra dòng chữ: “Minh Mạng Thập tứ/ Thằng Trứ phá đền/ Phá đền phải làm đền/ Nào ai đụng đến doanh điền nhà bay”. Thất kinh, Nguyễn Công Trứ chẳng những bãi bỏ lệnh phá đền mà còn cho sửa sang lại khang trang hơn.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là bậc trí giả lớn mang màu sắc huyền thoại. Năm trăm năm qua, xung quanh cuộc đời và những lời tiên tri của ông có nhiều bí ẩn cần nghiên cứu, cũng như vẫn còn nhiều giả thiết tranh luận không hồi kết. Chẳng hạn vấn đề mộ Trạng Trình ở đâu đến nay vẫn là một bí ẩn mà nhiều thế kỷ qua các thế hệ con cháu Trạng, các nhà nghiên cứu vẫn chưa có câu trả lời... 

Đọc thêm