Diệu kế giúp Bao Công làm sáng tỏ bí mật sau hành động dâng roi trong vụ án người câm

(PLVN) - Một lần, khi vừa đến một địa phương nhậm chức, Bao Công chợt thấy lính hầu vào bẩm chuyện ngoài cửa có một người câm, cầm cây roi lớn làm hiệu muốn vào dâng...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nỗi oan của người câm

Người này trạc ngoài 30 tuổi ăn mặc tồi tàn, chân đất, tay phải cầm cái roi song lớn bằng ngón tay cái, dài hơn một sải tay, sơn đỏ, thứ roi lính lệ ngày xưa hay dùng để dẹp đường cho quan đi. Được vào gặp Bao Công, anh ta giơ tay chỉ vào ngực rồi chỉ vào Bao Công, miệng ú ớ một hồi, đoạn hai tay nâng roi lên ngang trán, mình cúi gập xuống tỏ ý dâng roi.

Bao Công lấy làm lạ, truyền lính đỡ lấy cây roi để lên án thư rồi gọi người câm tới gần. Bao Công thấy anh ta diện mạo sáng sủa, mặt mày tuy hốc hác nhưng đôi mắt nhìn ông một cách thẳng thắn, không sợ hãi.

Bao Công hỏi: “Nhà ngươi biết viết không?”. Anh ta lắc đầu. Bao Công gọi một người từng làm lâu năm tại đây vào hỏi về lai lịch người câm, được đáp: “Tên câm này sống vất vưởng ở phố phủ này mười mấy năm nay. Hễ mỗi lần có quan phủ mới là y lại đến dâng roi, kể đã bảy tám lần rồi. Tôi cũng không rõ lai lịch của y”.

Bao Công cho người ra phố dò la xem có ai biết gì về người câm này không. Hồi lâu, lính về trình họ dò hỏi cả trăm người mà không ai biết rõ lai lịch và ý muốn của người câm.

Bao Công kêu 4 tên lính nhanh lẹ nhất, dặn các việc phải làm. Họ vâng dạ rồi đi ra ngoài phố trà trộn vào đám đông chờ giờ hành động. Xếp đặt xong xuôi, Bao Công cho đòi người câm lên: “Muốn ta giúp xét tỏ nỗi oan khiên, nhà ngươi phải chịu khổ nhục kế này mới được. Ngươi có chịu không?”.

Người câm gật đầu, Bao Công sai lính xé rách quần áo anh ta, đổ huyết lên khắp người, giả bộ như vừa bị đánh đập tàn tệ. Bao Công lại bảo người câm hãy ngoẹo đầu qua bên trái làm như ngất lịm đi vì đau đớn, để hai người lính dìu ra đặt ngồi bên cổng Nha, lưng dựa vào tường.

Các thám tử của Bao Công chờ sẵn ở ngoài liền len lỏi vào dân chúng, phao tin người câm bị Bao Công đánh đập vì “xấc láo dám cả gan vác roi vào gặp quan”.

Người hiếu kỳ kéo đến mỗi lúc một đông nhưng không ai dám bàn tán xôn xao. Vẫn theo lời dặn của Bao Công, các thám tử giả bộ chê bai quan phủ mới, cốt ý để xem có ai biết lai lịch người câm hay phiền trách Bao Công xử oan.

Người bàn tán ra vào cũng nhiều nhưng chẳng có gì đáng lưu ý. Các thám tử đang thất vọng, bỗng một cụ già râu tóc bạc phơ, chống gậy trúc đi tới. Tuy tuổi đã cao nhưng cụ còn khỏe mạnh, mắc sáng quắc, da dẻ hồng hào. Cụ dừng chân nhìn về phía người câm một lát rồi lắc đầu bảo mấy người đứng xung quanh: “Oan cho nó, nghĩ mà thương”.

Bao Công cho thám tử tiếp tục dò la xem có thâu lượm thêm được tin tức gì không rồi cho lính đi mời cụ già lúc nãy đến công đường...

Đoạn tình ruột thịt

Theo lời của cụ già, người câm ấy tên là Thạch Á, ở Nam Thôn, cách phủ vài dặm. Thạch Á bị câm từ thuở nhỏ. Cha mẹ anh ta có được 2 người con, Thạch Toàn là anh và Thạch Á là em. Khi cha mẹ chết đi, Thạch Á còn nhỏ tuổi, người anh đã chiếm đoạt hết gia tài, đuổi em ra đường. Từ ngày đó, Thạch Á ngày đi làm mướn để đổi lấy miếng cơm ăn, tối đến vạ vật ở xó chợ hay hiên nhà. Trong lúc ấy Thạch Toàn một mình hưởng gia tài kếch xù cha mẹ để lại, ăn sướng mặc đẹp, kẻ hầu người hạ, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn.

Thạch Á muốn kiện lên quan mà chẳng được, phần vì anh ta đã câm lại mù chữ, không sao bày tỏ được ý muốn, phần vì các quan được Thạch Toàn lo lót nên có biết cũng làm ngơ. Câu chuyện xảy ra tính đến lúc đó đã 20 năm có lẻ, những ông già bà cả biết chuyện phần lớn đều đã qua đời...

Ông già ngưng một lát rồi nói tiếp: “Vì bị oan ức như vậy nên cứ mỗi lần có quan phủ mới là Thạch Á lại đến dâng roi ngụ ý muốn xin quan trên soi xét, sửa trị người anh gian tham kia. Tôi thấy những đời quan trước tuy có phần nhầm lẫn nhưng nay thấy thượng quan đánh đập anh ta. Tôi thấy bất nhẫn quá, nên nghĩ mà thương thay cho nó”.

Bao Công cười, sai lính tiễn ông cụ ra cửa. Sau đó cho lính đi Nam Thôn đòi Thạch Toàn đến. Thạch Toàn vừa bước vào, Bao Công đã chỉ Thạch Á rồi hỏi: “Người này có phải là em nhà ngươi không?”. Thạch Toàn đáp: “Thưa Thượng quan, cha mẹ tôi lúc sanh tiền hay thương trẻ tật nguyền, nên một bữa có người nghèo ở nơi xa đến khóc lóc van xin nuôi dùm, cha mẹ tôi động lòng trắc ẩn nhận nuôi làm phước. Thực tình hắn có phải là con đẻ của cha mẹ tôi đâu. Nó là quân vô lại bất nhân, đã chẳng biết đến công ơn cha mẹ tôi cưu mang từ lúc mới chập chững biết đi, lại còn sanh sự kiếm chuyện hoài”.

Bao Công suy nghĩ một lúc rồi cho Thạch Toàn ra về rồi nói với Thạch Á: “Việc này khó xử, xét ra chưa đủ chứng minh là ngươi và Thạch Toàn là anh em. Thạch Toàn khôn ngoan lắm, chắc đã cho viết lại gia phả từ lâu rồi. Liệu trong bà con nội ngoại hay gia nhân đầy tớ cũ của cha mẹ ngươi có ai còn sống và còn ở trong vùng này không?”.

Thạch Á lắc đầu. Bao Công ngẫm nghĩ một lát rồi gọi nười câm lại gần nói nhỏ một hồi. Thạch Á gật đầu lia lịa đoạn vòng tay thi lễ rồi đi ra cửa, quanh quẩn nơi cửa Đông mà bất kỳ ai ở Nam Thôn lên phố phủ đều phải qua.

Nóng giận mất khôn

Lại nói về Thạch Toàn, một hôm đi chợ qua cửa Đông để vào phố phủ. Thạch Toàn đang an nhàn ngắm cảnh chợ, chợt Thạch Á lao tới ú ớ một hồi ròi nắm cổ đánh cho một trận, sưng đầu mẻ trán, lại xé cả áo của Thạch Toàn cho rách tả tơi.

Thạch Toàn vì sức yếu hơn nên chỉ biết cầu cứu ầm ĩ. Người trong phố đổ xô lại gỡ Thạch Toàn ra, bắt giữ Thạch Á. Thạch Toàn lớn tiếng: “Cô bác làm chứng giúp. Khi không vô cớ nó đánh tôi. Nhờ cô bác dẫn nó theo tôi lên cáo quan”. Lúc đó lính tuần xuất hiện áp giải cả hai và mấy người làm chứng về trình Bao Công.

Bao Công luôn công tâm khi xử án (Ảnh minh họa)
 Bao Công luôn công tâm khi xử án (Ảnh minh họa)

Bao Công đang ngồi làm việc nơi công đường, thấy lính vào bẩm có tên câm đánh người giữa chợ, truyền cho giải cả bọn vào. Vừa đến trước mặt Bao Công, Thạch Toàn vẫn còn tức, nói liền: “Xin Thượng quan xét cho. Thằng này không giữ lễ, lại vô cớ đánh tôi bể đầu”.

Bao Công quay ra hỏi các nhân chứng về sự việc đã xảy ra. Sau khi nghe lời khai của họ. Bao Công chỉ Thạch Á mà bảo Thạch Toàn rằng: “Nếu như tên câm này là em ruột của ngươi, thời nó sẽ bị tội nặng và sẽ phải lưu đày nơi biên cương. Nhưng nó là người dưng, ta chỉ có thể xử theo tội đánh lộn mà thôi, phạt nó mấy roi rồi cho về”.

Cơn giận lúc ấy vẫn mờ mắt, Thạch Toàn chen ngang: “Thưa Thượng quan, nó là em ruột tôi. Cha mẹ tôi chỉ có hai anh em chúng tôi. Xin Thượng quan thẳng tay trừng trị nó để làm gương cho những đứa em ngỗ ngược”.

Bao Công mỉm cười, rồi làm bộ giận dữ quát hỏi người câm: “Người này có phải anh ruột ngươi không?”. Người câm gật đầu. Bao Công quát lớn: “Phận làm em, sao ngươi hỗn hào dám đánh cả anh”.

Đoạn Bao Công quay lại phía Thạch Toàn chỉ mặt quát: “Tên câm này là em ngươi, sao ngươi không chia gia tài cha mẹ để lại cho nó cùng hưởng, mà lại nhẫn tâm chiếm đoạt cả? Sao ngươi tham lam quá? Nếu ta không bày kế cho nó đánh ngươi để ngươi tức giận tự miệng nhìn nhận nó đúng là em ruột thì không biết em ngươi còn chịu uất hận đến kiếp nào?”.

Thạch Toàn cứng họng, hết đường chối cãi. Bao Công liền truyền lính và thơ lại cùng hương chức sở tại lục soát kiểm điểm hết gia tài rồi chia làm đôi, Thạch Toàn và Thạch Á mỗi người hưởng một nửa.

Thiên hạ nghe chuyện đều phục tài Bao Công bày mẹo điều tra thật khéo léo và xử án thật phân minh.

Đọc thêm