Kỳ lạ Đại Hồng Chung nặng 9 tấn chỉ “ngâm dưới hồ”

(PLVN) - Quả chuông vĩ đại trên được Hòa thượng Thích Thế Long cho đúc vào năm 1936 tại chùa Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, Nam Định). Ngôi chùa này cũng là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, một di tích lịch sử – văn hoá đặc biệt cấp quốc gia của vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng. 
Đại Hồng Chung nặng 9000kg được ngâm dưới hồ trong khuôn viên chùa Cổ Lễ từ năm 1936 đến nay
Đại Hồng Chung nặng 9000kg được ngâm dưới hồ trong khuôn viên chùa Cổ Lễ từ năm 1936 đến nay

Độc đáo tháp Cửu Phẩm Liên Hoa

Thần Quang Tự hay còn gọi chùa Cổ Lễ do Quốc sư Nguyễn Minh Không xây dựng vào thế kỷ thứ XII thời Lý Thần Tông, trên một nền đất vuông, rộng gần 10 mẫu bắc bộ. Chùa có cảnh quan sơn thủy hữu tình, xung quanh có sông nhỏ và hồ bao quanh. Ngoài thờ Phật, chùa Cổ Lễ còn thờ Sư Minh Không để người dân ghi nhớ công ơn Người đã chữa bệnh cho hàng ngàn người dân 

Chùa đầu tiên bằng gỗ theo lối kiến trúc cổ, sau nhiều năm đã bị đổ nát, năm 1902, Hòa thượng Phạm Quang Tuyên, một Thiền sư có đạo đức cao cả, một trí thức uyên bác, có biệt tài kiến trúc chùa tháp được giao về trụ trì chùa. 

Ông đã dốc tâm huyết kêu gọi các tín đồ, thập phương bỏ công, của để xây dựng lại ngôi chùa. Sư Tuyên đã cho thiết kế và xây dựng lại chùa theo kiến trúc “Nhất Thốc Lâu Đài” bằng những vật liệu truyền thống gồm gạch và vữa làm từ vôi, mật mía, giấy bản. Chùa là một quần thể kiến trúc có bố cục tiêu biểu cho chùa miền Bắc từ Tam quan, Tháp, Chùa chính, Hội quán, nhà Tổ, đền thờ. Hội chùa từ 13 đến 16 tháng 9 Âm lịch hàng năm, có nhiều nghi thức văn hóa cổ truyền như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người, bơi chải... 

Lối vào chùa Cổ Lễ
 Lối vào chùa Cổ Lễ 

Trước cửa chùa là ngôi tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 32 m, có 8 mặt được xây dựng năm 1927. Đế tháp được đặt trên lưng một con rùa lớn, đầu quay vào phía chùa. Con rùa được nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn núi giả khá lớn, có đắp bốn con voi to bằng voi thật. Trong lòng tháp có cầu thang gồm 98 bậc xoắn ốc đến đỉnh. Tương truyền rằng tín đồ phật tử, khách hành hương lên đến bậc thứ 98 này, sờ tay vào bức tượng trên đỉnh tháp thì cuộc sống sẽ luôn gặp may mắn.

Tiếp theo ngôi tháp là một chiếc cầu cong ba nhịp bắc qua hồ Chu Tích (còn gọi là hồ Núi), gọi là cầu Cuốn có mặt cầu lát gạch đất nung. Cầu Cuốn dẫn tới chùa Trình, còn gọi là Phật giáo Hội quán. Chùa Trình được xây vào năm 1936 và trùng tu vào năm 2001 với tượng Phật Quan Âm nghìn tay. Trước sân chùa Trình có 2 lư đồng khổng lồ, bên trái chùa Trình là đền Linh Quang Từ, được xây vào năm 1937, thờ Trần Hưng Đạo và hai tiến sĩ họ Đào người làng Cổ Lễ là Bảng nhãn Đào Sư Mỗ và Tiến sĩ đệ tam giáp Đào Toàn Mỗ. Bên phải chùa Trình là Khánh Quang phủ, được xây vào năm 1937, là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. 

Chuông 9 tấn chưa một lần được thỉnh

Sau lưng chùa Trình là một cái hồ lớn, giữa hồ có một quả chuông nặng 9000 kg gọi là chuông Đại Hồng Chung. Quả chuông cao 4,2 m, đường kính 2,2 m, thành dày 8 cm. Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Nho. 

Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 32 m, có 8 mặt, dựng năm 1927
Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 32 m, có 8 mặt, dựng năm 1927

Các cụ cao niên trong làng Cổ Lễ kể lại, xưa, nhân dân quanh vùng vì yêu mến chùa mà đúc chuông tặng. Trong quá trình đúc chuông, nhiều người đã tháo cả nhẫn, vòng, vàng hòa tan trong đó với mong ước được góp một phần nhỏ bé tâm nguyện nơi cửa phật để cầu bình an. Khi quả chuông vừa đúc xong thì kháng chiến bùng nổ, nhân dân trong vùng đề phòng sự phá hoại của giặc nên đã đem ngâm quả chuông xuống hồ. Đến năm 1954, chuông mới được trục vớt và được đặt trên bệ đá giữa hồ, cho du khách tham quan từ đó đến nay.

Suốt từ đó, quả chuông này chưa được đánh một lần nào. Nhưng dân gian trong vùng vẫn truyền miệng rằng nếu Đại Hồng Chung được đánh thì cả tỉnh Nam Định và một vài vùng lân cận sẽ nghe được tiếng ngân vang của quả chuông “độc nhất vô nhị” này.

Kiến trúc chính của chùa Cổ Lễ cũng chính là nơi “hút” khách nhất là chính điện. Chính điện được thiết kế theo kiến trúc hài hòa giữa phong cách truyền thống và hiện đại, được xây dựng từ năm 1914 trên nền chùa cổ từ thế kỷ 12 với tượng Phật sơn son thiếp vàng bằng gỗ. Từ điện Phật, có các hành lang quanh ra phía sau nối với nhà khách và nhà tổ. Sau nhà thờ tổ là một gác chuông lớn cao 13m40, được xây dựng vào năm 1997, có kiến trúc truyền thống gồm 3 tầng 4 mặt, gọi là Kim Chung Bảo Các.

Không chỉ là địa chỉ văn hóa tín ngưỡng tâm linh, chùa Cổ Lễ còn là một di tích lịch sử cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều nhà sư đã tạm biệt cửa thiền ra trận. Đặc biệt, ngày 27/2/1947, tại ngôi chùa linh thiêng, dưới sự chủ trì của Hòa thượng Phạm Thế Long, Tỉnh hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Nam Định cùng chính quyền và tín đồ trong vùng đã tổ chức mít tinh làm lễ phát nguyện cho 27 nhà sư cởi áo cà sa lên đường ra mặt trận, bảo vệ Tổ quốc. Bản thân Hòa thượng Phạm Thế Long là một nhà hoạt động cách mạng, sau này ông giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa VII. 

Đọc thêm