Làm gì để cứu gốm Chu Ru, cứu làng nghề K’răng Gọ?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Như đã nói ở bài trước, không chỉ là nghề truyền thống từng rất hưng thịnh của làng K’răng Gọ, gốm Chu Ru còn mang đậm nét tâm linh của đồng bào dân tộc Chu Ru. Thế nhưng hiện nghề gốm đang mai một, làng nghề có nguy cơ tắt lửa. Bởi vậy, bài toán cứu gốm Chu Ru, giữ lửa làng nghề K’răng Gọ đang là vấn đề cấp thiết...
Học sinh Trường THPT Pró trải nghiệm làm gốm dưới sự hướng dẫn của những nghệ nhân làng K’răng Gọ.
Học sinh Trường THPT Pró trải nghiệm làm gốm dưới sự hướng dẫn của những nghệ nhân làng K’răng Gọ.

* Lắt lay nghề gốm truyền thống của đồng bào Chu Ru

Thực ra, giải pháp cứu gốm, cứu làng nghề là vấn đề đã được đặt ra từ lâu và làm đau đầu những người tâm huyết với gốm Chu Ru. Đi tìm hiểu nguyên nhân khiến gốm Chu Ru rơi vào tình trạng mai một người ta mới thấy việc vực dậy gốm Chu Ru không phải chuyện một sớm, một chiều.

“Sản phẩm gốm đặc trưng của đồng bào Chu Ru làm ra không có nơi tiêu thụ. Đó là nguyên nhân chủ yếu ở K’răng Gọ hầu như không nhà nào còn đỏ lửa, duy trì nghề làm gốm, không nhà ai còn làm nghề”, Linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long, quản xứ Giáo xứ Ka Đơn, nơi còn lưu giữ khá nhiều đồ vật làm bằng gốm mộc K’răng Gọ, của đồng bào Chu Ru, cho biết.

Theo chia sẻ của cha Hưng Long, ông phát hiện ra gốm Chu Ru khi chuẩn bị khánh thành nhà thờ Ka Đơn mới vào năm 2014. Lúc đó, người ta thấy trong nhà kho cũ khá nhiều vật dụng bằng gốm cũ xưa có hình dáng và hồn cốt đặc biệt. Hỏi các giáo dân thì nhiều người bảo sản phẩm nghề truyền thống của làng K’răng Gọ, cách nhà thờ không xa lắm.

Lúc tìm đến làng, gần như không nhà nào còn đỏ lửa duy trì nghề làm gốm mộc không bàn xoay độc đáo này. Thế là nhà thờ bàn bạc với các người thợ còn giữ nghề việc phục hồi, từ nguồn đất, mẫu mã cho đến đầu ra cho sản phẩm...

Sản phẩm gốm Chu Ru đơn giản, mộc mạc và tiện dụng với đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Sản phẩm gốm Chu Ru đơn giản, mộc mạc và tiện dụng với đời sống sinh hoạt hàng ngày.  

Ở câu chuyện đầu ra cho sản phẩm, để gốm Chu Ru được người tiêu dùng chấp nhận thì những nghệ nhân nơi đây cũng cần khắc phục những mặt hạn chế về kỹ thuật cũng như mỹ thuật trang trí trên sản phẩm. Nhiều nghệ nhân làng K’răng Gọ thừa nhận: Gốm của Krăng Gọ không đa dạng về mẫu mã và không tinh xảo bằng gốm Bầu Trúc. 

Trên thực tế, làng gốm Bầu Trúc xưa kia cũng rơi vào tình trạng như gốm Chu Ru ngày nay, nhiều năm trước, bà con ở Bầu Trúc cũng làm gốm như ở Krăng Gọ hiện nay, họ cũng rất nghèo vì sản phẩm không có đầu ra. Rồi được sư quan tâm đầu tư của Nhà nước, các ngành, họ đã mời những giảng viên ở Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh về giảng dạy cho các nghệ nhân ở Bầu Trúc làm gốm mỹ nghệ. Vì vậy, sản phẩm gốm của người Chăm ở Bầu Trúc đã sắc sảo, đa dạng về mẫu mã hơn rất nhiều và được thị trường chấp nhận. Ngày nay, thu nhập của những nghệ nhân làm gốm ở Bầu Trúc đạt từ 2-3 triệu đồng/tháng, đời sống ổn định. Nghề làm gốm nơi đây ngày một phát triển.

Gốm Chu Ru được làm thủ công nên rất kỹ lưỡng và bền, đẹp.
Gốm Chu Ru được làm thủ công nên rất kỹ lưỡng và bền, đẹp.  

Gốm của người Krăng Gọ cũng là một sản phẩm hàng hóa, vì vậy thị trường tiêu thụ cũng như chất lượng, mẫu mã của sản phẩm là yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại. 

Không chỉ có những nghệ nhân như già Ma Li, người yêu mến gốm Chu Ru như Cha Trần Quốc Hưng Long, ngay cả lãnh đạo xã Próh cũng đang làm hết khả năng để có thể đưa gốm Chu Ru trở lại. Đảng bộ xã Próh đã ra hẳn nghị quyết để nhằm gìn giữ và phát triển làng nghề. Ngay cả Sơ Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cũng đã phối hợp với Sở Công Thương và Chương trình khuyến công của tỉnh xây dựng, triển khai Đề án phát triển làng du lịch Próh. 

Thậm chí, năm học 2019 - 2020 là năm đầu tiên các em học sinh khối lớp 12, Trường THPT Pró được tham gia vào những tiết học Lịch sử đặc biệt. Với nội dung lịch sử địa phương, các em được tìm hiểu về nghề làm gốm truyền thống của chính nơi mà ngôi trường mình đóng chân. Với chuyên đề “Dạy học lịch sử địa phương kết hợp giáo dục, bảo tồn nghề làm gốm của người Chu Ru ở làng Krăng Gọ - xã Pró”. 

Trong thời gian hai tuần, các em học sinh đã được tham gia trải nghiệm thực tế như tham quan các hộ gia đình làm gốm, được trực tiếp tham gia vào quy trình làm gốm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân tại Trường THPT Pró, được nghe nghệ nhân Ma Li giới thiệu các công đoạn, quy trình, dụng cụ làm gốm. Tuy nhiên đến nay, việc gìn giữ và phát triển gốm Chu Ru vẫn là một bài toán khó chưa đạt được kết quả mong muốn. 

Hơn nữa, cũng bởi sự khó khăn của đầu ra mà hiện nay ở làng K’răng Gọ không có người trẻ theo đuổi và đam mê với nghề làm gốm của đồng bào mình. K’răng Gọ giờ đây chỉ còn vài nghệ nhân, trong đó có hai chị em già Ma Li duy trì nghề nặn gốm. Cứ có thời gian rảnh rỗi, hai chị em bà Ma Bi và Ma Li lại lên núi K’Lơr, lấy đất gùi về nặn gốm cho đỡ nhớ nghề. 

Trước sự phát triển của đồ nhôm, đồ nhựa và những sản phẩm của công nghiệp gia dụng, gốm Chu Ru của người Krăng-gọ đang mai một dần...Thi thoảng những nghệ nhân như già Ma Li chỉ bán được một vài sản phẩm gốm cho khách du lịch, kiếm vài đồng thêm thắt chút mắm muối, chứ tập trung làm gốm thì không đủ trang trải cuộc sống. 

Đọc thêm