Lắt lay nghề gốm truyền thống của đồng bào Chu Ru

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng sang các sản phẩm tiện lợi như inox, nhựa... nghề gốm Chu Ru ở làng K’răng Gọ (xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đang dần mai một. Đối với những nghệ nhân còn nặng lòng với nghề gốm Chu Ru, chỉ cần ánh lửa từ củi rừng, ngô bản còn cháy thì gốm Chu Ru sẽ còn có ngày trở lại, hiện hữu trong đời sống của họ như đã từng. 
Sản phẩm gốm Chu Ru.
Sản phẩm gốm Chu Ru.

Nét tâm linh của người Chu Ru

Đồng bào Chu Ru được biết đến là dân tộc có đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ. Làng K’răng Gọ là nơi duy nhất ở Lâm Đồng còn người theo đuổi nghề làm gốm Chu Ru. Từ đất, các nghệ nhân Chu Ru đã làm ra những vật dụng phục vụ cho đời sống hàng ngày, thậm chí còn thể hiện tâm tư, tín ngưỡng tôn giáo cả mỗi người Chu Ru. Màu lửa gốm K'răng Go trở thành cảm xúc riêng, chất chứa bao câu chuyện về đời sống sản xuất nông nghiệp, về phát triển kinh tế, về sắc màu văn hóa của đồng bào Chu Ru.

Trong mắt người nghệ nhân già như bà Ma Li, gốm ở K’răng Gọ hiện rõ nét tâm linh của người Chu Ru. Điều này được thể hiện rõ ở việc trước khi đi lấy đất nguyên liệu, bao giờ nghệ nhân Chu Ru cũng phải chuẩn bị lễ vật, gồm: một ché rượu cần, một con gà hoặc lợn, một chiếc khăn thổ cẩm để xin phép chủ làng, thần đất. Nếu một gia đình không đủ tiền để sắm những lễ vật ấy thì nhiều hộ gia đình góp chung vào với nhau. Miễn có lễ vật là được.

Ngay như việc lấy đất cũng không thể tùy tiện, chỉ khi người nghệ nhân cảm thấy trong người sạch sẽ, tâm hồn thảnh thơi thì mới đi lấy đất. Người Chu Ru quan niệm rằng, nếu không làm các nghi lễ nói trên và lấy đất khi người vướng vào các điều kỵ thì các sản phẩm gốm làm ra sẽ xấu, hoặc bị nứt vỡ nhiều do thần linh quở trách.

Nghề gốm của người Chu Ru ở làng K’răng Gọ không biết có tự bao giờ, ai là người đầu tiên khai sinh nghề gốm ở làng này. Những già làng khi được hỏi cũng chỉ kể rằng, từ khi sinh ra họ thấy đã mẹ, bà ngày ngày ngồi trong sân, trong vườn chăm chút làm từng sản phẩm gốm.

Nghệ nhân Ma Li đang tạo hình nồi đất.
 Nghệ nhân Ma Li đang tạo hình nồi đất.

Những chiếc nồi, bình đựng nước, lọ hoa, bát ăn... và nhiều vật dụng khác được khéo léo tạo ra từ tay bà, tay mẹ. Rồi cứ thế, nghề gốm Chu Ru được truyền từ đời này sang đời khác một cách tự nhiên ở K'răng Gọ. Không nhiều người bận tâm về nguồn gốc của nghề, họ chỉ một lòng làm sao có thể tạo ra những sản phẩm tốt nhất, lưu giữ được hồn của gốm Chu Ru. 

Tuy nhiên, cũng có nhiều già làng khác kể rằng, từ rất lâu rồi, người Chu Ru vốn có nguồn gốc của người Chăm, từng sinh sống ở vùng duyên hải Trung Bộ nước ta. Đến khi cuộc chiến của người Chăm với người Khơ-mer và người Việt xảy ra, người Chăm đã bóc lột những người nông dân lao động đồng tộc của mình một cách tàn bạo để phục vụ cho cuộc chiến.

Khi đó, vua chúa Chăm bắt lích đi phu, đi lính triền miên khiến đời sống của đồng bào Chăm khổ cực, người người oán than. Vì muốn thoát khỏi ách áp bức bóc lột nặng nề đó, một số người buộc lòng phải bỏ quê hương bản xứ, đi tìm vùng đất mới. Và chính những người di dân đầu tiên này đã sinh ra bộ tộc Chu Ru ngày nay. 

Gốm Chu Ru thường được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ
Gốm Chu Ru thường được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ

“Chu Ru” có nghĩa là chiếm đất. Ban đầu, những người này được người Mạ, người K'Ho (những cư dân bản địa gốc Nam Tây Nguyên) gọi là Cru (có nghĩa là tìm đất) về sau đọc chệch sang thành Chu Ru, dùng để chỉ một bộ tộc người Chăm ly hương từ vùng duyên hải Trung Bộ lên miền Thượng. Những người ly hương này đã mang theo nghề làm ruộng và nghề làm đồ gốm của người Chăm.

Còn tên làng K’Răng Gọ được hiểu rằng, Krăng” là tên ông chủ khai sinh vùng đất, còn “Gọ” trong tiếng bản địa là chỉ nghề làm nồi đất. Khi những buôn làng khác ở Tây Nguyên từng bao đời du canh du cư thì người Churu làng K’Răng Gọ chỉ tụ cư bên suối Đạyòng dưới chân ngọn núi Pnum T`rom Ủ. 

Làng gốm trong ký ức

Mọ Lem (mọi người hay gọi bà Ma Li) năm nay đã bước sang tuổi 65 nhưng còn rất nhanh nhẹn, rắn rỏi, nhớ lại xưa kia bà kể, ngày trước đồ gốm của làng K’răng Gọ nổi tiếng khắp vùng, đó là thời kỳ thịnh vượng nhất của gốm Chu Ru.

Vồn vã mời khách vào nhà, giới thiệu vài món nồi, niêu, ấm, cốc đang được bày trang trọng trên tủ, cho cho biết thêm: Từ khi mới lẫm chẫm biết đi, mình đã học nghề làm gốm từ bà nội. Bà sai gì thì mình làm nấy, từ tiếp nước, nhặt sạn… đến năm 15 tuổi thì tay nghề mình đã thành thạo lắm rồi, đổi được cái niêu đầu tiên cũng vào tuổi đó. 

“Trước đây, vào mùa khô, từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, ngày nào ở K’răng Gọ cũng nhộn nhịp, người người nặn gốm, nhà nhà phơi gốm. Đàn ông thì tất bật gùi đất, kiếm củi, thắp lửa. Đàn bà thì gò lưng sàng đất, nhào đất, nặn gốm để đổi chiêng, ché, thổ cẩm với người Mạ, người Cơ Ho, còn đổi gạo, đổi muối với người Kinh… Ngày xưa, làng gốm vui lắm!”, những ký ức về một thời đã qua đó khiến khuôn mặt của già Ma Li bừng sáng. 

Phụ nữ vào núi Pnum T'rom Ủ chọn đất tốt. Ðàn ông gùi đất về buôn. Khắp cả buôn ồn ào tiếng sàng sảy đãi đất, tiếng phơi đất, nhào đất và nặn gốm. Kỹ thuật chế tác đồ gốm của đồng bào Chu Ru khá đơn giản, không dùng bàn xoay, các sản phẩm đều được vuốt, nặn bằng đôi bàn tay. Ngay cả dụng cụ chế tác cũng hết sức giản đơn: Một chiếc vòng bằng tre hoặc thiếc, gọi là Knu; một miếng Tanạp (gỗ nhỏ); một quả Playcanh (trám rừng); một miếng Suté (vải). Tuy nhiên, không phải vì thế các sản phẩm gốm Chu Ru kém phần tinh xảo.  

Các sản phẩm của gốm Chu Ru đa phần là đồ dùng sinh hoạt hàng ngày.
Các sản phẩm của gốm Chu Ru đa phần là đồ dùng sinh hoạt hàng ngày.  

Đất sét sau khi được lấy về sẽ được phơi khô, dùng chày giã nhỏ, sau đó sàng kỹ lại bằng rổ tre để lấy được phần bột đất mịn màng. Bột đất được mang đi nhào trộn với nước thật nhuyễn, đất đạt chuẩn để nặn gốm là khi đã dẻo mịn, ủ thêm vài ngày cho đất chín rồi mới vê thành từng khối dài để nặn thành hình. Những khối đất được các nghệ nhân (thường là nữ) đặt lên bàn gỗ cố định. Bàn gỗ này có hình con con chạch lượn tròn và tạo dáng hoàn toàn bằng tay.

Nghệ nhân gốm dùng tay nặn đất theo khuôn sản phẩm cần làm, vừa đi giật lùi vòng quanh bàn kê gốm, vừa đỡ và vuốt ngược từ dưới lên để tạo dáng... Các thao tác được lặp đi lặp lại cho đến khi hình dáng của sản phẩm đạt theo ý muốn. Tiếp đến, thao tác vuốt nước nhằm tạo độ láng cho mặt ngoài sản phẩm. Những công đoạn chủ đạo như nhào, vuốt… đòi hỏi sự khéo léo nên đều do phụ nữ đảm nhiệm. 

Để chỉnh sửa và trang trí nghệ nhân dùng bàn đập, nạo tròn, hạt tràm để làm cho sản phẩm có xương chắc, dày đều và nhẵn. Đồng thời làm liền mạch nối giữa hai nửa, điều chỉnh lại những chỗ chưa vừa ý trong quá trình tạo dáng sản phẩm. Gốm Chu Ru ít trang trí, chỉ là những vạch hoặc chấm tạo bằng que vót nhọn, viền quanh vai gốm. 

Tạo hình xong, nghệ nhân đem cốt gốm phơi cho thật khô, chỉnh sửa lại lần cuối, sắp xếp các sản phẩm giữa một khoảng đất trống ngoài trời, chất củi, rơm xung quanh rồi nổi lửa lên đốt. Thường thì hai ba nhà cùng góp lại đốt chung cho đỡ tốn củi, cũng là để giúp đỡ nhau về mặt kỹ thuật. Củi được tiếp liên tục, đốt từ chập tối đến quá nửa đêm thì mẻ gốm hoàn thành. Khi gốm chín, người thợ gốm bỏ tấm gạo vào nấu thử, công đoạn này được gọi là lơhenggọ... Đốt từ chập tối đến quá nửa đêm một chút thì mẻ gốm hoàn tất.

Bà Lương Thanh Sơn, Nhà nghiên cứu dân tộc Tây Nguyên, chia sẻ: “Nghề làm gốm của đồng bào Chu Ru giống nghề làm gốm của đồng bào dân tộc Chăm ở làng gốm Bầu Trúc, đó là không dùng bàn xoay. Người làm sẽ chạy quanh trụ được làm bằng thân cây hoặc lật ngược chiếc cối đá lên để làm gốm. Các sản phẩm gốm cũng được nung lộ thiên, rất nguyên thủy”.

Người K’răng Gọ tạo ra các sản phẩm gốm vô cùng thân thuộc với đời sống của đồng bào Tây Nguyên như những cái kòngọ để nấu bồ kết cho phụ nữ gội đầu, gọkrơ dùng để làm tô ăn cơm, gọprò như chiếc nồi nhỏ để nấu cháo bắp... Nhờ những sản phẩm gốm này mà đời sống của người dân K’răng Gọ cũng bớt khó khăn, bởi gốm làm ra tới đâu hết tới đó. 

Điểm đặc biệt của gốm Chu Ru là khi cầm lên gõ vào sản phẩm người ta sẽ nghe tiếng khác lạ so với gốm các nơi khác. Tiếng gõ của gốm Chu Ru vang vọng gần giống với đồ dùng kim loại, không đặc như là bằng đất nung. Theo nhiều nghệ nhân, điều đặc biệt đó được tạo nên bởi chất đất ở Chu Ru có những hạt lóng lánh nên tiếng vang trở thành đặc biệt. Đó là những đám ánh bạc li ti rải đều trên thân nồi đất mỏng tang.

Nghệ nhân Ma Li cho biết, xưa kia gốm được người làng K'răng Gọn dùng để đổi lấy đồ dùng… Cách thức mua bán gốm thời đó cũng rất đơn giản, chỉ mang tính ước lượng tương đối, chứ ít khi tính toán chi li. Nếu là gạo, cứ đong đầy sản phẩm gốm, rồi bên này lấy gạo, bên kia lấy gốm. Nếu là vật phẩm quý, sẽ căn cứ vào độ tinh xảo của gốm để trao đổi. Nhờ nghề gốm mộc mà cuộc sống của người dân Chu Ru nói chung và làng K'răng Rọ nói riêng không phải lo nhiều tới cái ăn, cái mặc. 

Không chỉ bó hẹp trong phạm vi tỉnh Lâm Đồng, gốm Chu Ru còn theo chân những người Ê Đê, Ba Na sang tận Đắk Lắk, Gia Lai. Cũng có những thương nhân buôn bán người Lào, người Campuchia mang vật phẩm đến K’răng Gọ, đổi lấy gốm mộc Chu Ru về dùng, bán. Đồ gốm mộc Chu Ru đã theo các lái buôn ngược xuôi vang danh khắp đại ngàn Tây Nguyên. 

“Trước đây, còn có trò cá cược vui. Người dân hai thôn trong làng đóng giả một bên mua và bên bán. Bên mua là các lái buôn thì đi đổi cho bên bán có sản phẩm gốm, bên nào ít đồ đổi hơn thì bị thua. Kết thúc trò chơi, lần nào thôn Krăng Gọ cũng thua bên mua hết. Vì là cá cược nên bên thua sẽ mất một ché rượu, một con gà. Mọi người còn trói chân nhau rồi “phạt” uống rượu”, nghệ nhân Ma Li nhớ lại...

(Kỳ tới: Làm gì để "cứu" gốm Chu Ru?) 

Đọc thêm