Mồng 3 Tết đi chợ se duyên

(PLVN) - Chợ se duyên (hay còn gọi là chợ xem mắt, chợ cầu may) họp ngay tại sân chùa Phúc Lâm, thôn Đông Thượng, xã Trung Đông (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Điều đặc biệt là mỗi năm chợ chỉ họp một phiên duy nhất vào sáng mồng 3 Tết Nguyên đán.
Mồng 3 Tết đi chợ se duyên

Không ai biết chính xác phiên chợ se duyên có từ bao giờ. Theo các cụ cao niên trong thôn Đông Thượng và xã Trung Đông thì nguồn gốc phiên chợ xuất phát từ tục đi lễ chùa Phúc Lâm đầu năm mới của người dân làng Đông Thượng và nhân dân xã Trung Đông nói chung. 

Ngay từ sáng sớm mồng 3 Tết, con đường dẫn vào chùa làng đã đông nghìn nghịt
Ngay từ sáng sớm mồng 3 Tết, con đường dẫn vào chùa làng đã đông nghìn nghịt

Xã Trung Đông là vùng đất cổ, có bề dầy truyền thống văn hóa của tỉnh Nam Định. Toàn xã có 3 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 3 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và nhiều đình, đền, chùa, nhà thờ với các hoạt động lễ hội văn hóa đầu xuân thu hút đông đảo nhân dân trong xã và du khách thập phương tham gia. Trong đó phải kể đến phiên chợ se duyên diễn ra vào sáng mồng 3 Tết tại thôn Đông Thượng.

Hồ nước nơi có am thờ Phật Bà Quan Âm phía trước chùa Phúc Lâm
Hồ nước nơi có am thờ Phật Bà Quan Âm phía trước chùa Phúc Lâm 

Thời trước, khu vực chợ chỉ nơi bán đồ thờ cúng phục vụ việc lễ chùa đầu năm như hương hoa, tiền vàng, trái cây, dúm gạo muối theo quan niệm dân gian “đầu năm mua muối…”. 

Đông đảo người dân đi lễ chùa và thăm thú chợ phiên nhưng chủ yếu vẫn là nam thanh, nữ tú
Đông đảo người dân đi lễ chùa và thăm thú chợ phiên nhưng chủ yếu vẫn là nam thanh, nữ tú   

Dần dà mọi người nhân tiện lễ chùa đi chợ cầu may, mở hàng bán vài thứ như trầu cau, bánh kẹo, đồ chơi cho trẻ nhỏ theo cha mẹ đi chúc tết và lễ chùa...

Việc mua bán chỉ là lấy may mắn đầu năm, chủ yếu là để mọi người gặp gỡ, chúc tụng nhau sức khỏe, làm ăn thuận lợi và hỏi han nhau về chuyện các gia đình ăn Tết ra sao... 

Một góc phố "ông đồ" trong phiên chợ cầu may
Một góc phố "ông đồ" trong phiên chợ cầu may

Trai gái theo bố mẹ đội lễ lên chùa cũng từ đó mà quen nhau. Nhiều cặp trai gái quen nhau từ phiên chợ đầu năm rồi hò hẹn, tìm hiểu và sau đó đã nên duyên vợ chồng.

Từ đó người dân trong thôn tổ chức họp chợ để rồi từ phiên chợ, nhiều đôi trai gái gặp gỡ, tìm hiểu để thành lứa, thành đôi, vì thế người dân gọi đây là phiên chợ se duyên.

Còn với mọi người dân nói chung, đây là phiên chợ cầu may, họ đến chợ để cầu cho một năm gia đình mạnh khỏe, trẻ con hay ăn chóng lớn, thuận vợ thuận chồng...

Dãy hàng đồ chơi thu hút đông đảo các "thượng đế" nhí
Dãy hàng đồ chơi thu hút đông đảo các "thượng đế" nhí 
Quầy hàng câu cá cũng chật kín
Quầy hàng câu cá cũng chật kín  
Sau ba ngày Tết, với các bé thật không gì thích bằng được vui chơi nhảy nhót trong khu nhà phao
Sau ba ngày Tết, với các bé thật không gì thích bằng được vui chơi nhảy nhót trong khu nhà phao 

Ngày nay, chợ vẫn giữ nếp họp từ mờ sáng ngày mồng 3 Tết, du khách và người dân xã Trung Đông đã háo hức tìm về thôn Đông Thượng để thắp hương cúng Phật, cầu tài lộc, bình an.

Trong số những món đắt hàng nhất trong phiên chợ xuân cầu may, phải kể để món thịt bò thui da vàng rộm - đặc sản của vùng đất Nam Định
Trong số những món đắt hàng nhất trong phiên chợ xuân cầu may, phải kể để món thịt bò thui da vàng rộm - đặc sản của vùng đất Nam Định 

Sân chùa Phúc Lâm rộng thênh thang là vậy giờ thành chật kín do phần lớn diện tích dành để bày bán các mặt hàng phục vụ hội chợ xuân... 

Ngày nay, không chỉ các đôi trai gái đến phiên chợ hẹn hò, kết bạn mà chợ còn là địa điểm du xuân của những người dân quê hương và khách đi lễ chùa đầu năm… Bởi vậy phiên chợ mồng 3 Tết của làng Đông Thượng là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc cần gìn giữ và phát triển.

Đọc thêm