Ngôi làng có hai cậu cháu đỗ Trạng nguyên quyền quý làm rạng danh sử sách

(PLVN) - Ở làng Canh Hoạch (thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ nay là TP.Hà Nội) vẫn còn lưu lại câu đối nổi tiếng: "Cậu Trạng nguyên, cháu Trạng nguyên, khoa danh đỗ đầu sáng danh sử sách. Cha Tiến sĩ, con Tiến sĩ, tám đời quyền quý phúc đầy nhà". Hai Trạng Nguyên vốn là hai cậu cháu đó là Nguyễn Đức Lượng và Nguyễn Thiến.
Trạng nguyên vinh quy bái tổ (ảnh minh họa).
Trạng nguyên vinh quy bái tổ (ảnh minh họa).

Họ Phạm hay họ Nguyễn?

Người khai đại khoa cho dòng họ Nguyễn ở Canh Hoạch là ông Nguyễn Bá Ký. Trong cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919 có đoạn viết "Phạm Bá Ký người xã Canh Hoạch huyện Thanh Oai, cha của Phạm Đức Lượng, ông nội của Phạm Khuông Lễ". 

Bản dịch văn bia lưu ở Quốc Tử Giám khắc tên những người đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận năm thứ tư (1463) cũng ghi là Phạm Bá Ký. Thế nhưng các đời sau Phạm Bá Ký như trạng Nguyên Đức Lượng, Tiến sĩ Khuông Lễ là con và cháu ông, các văn bia, sách Đại Việt sử ký toàn thư, Đăng khoa lục và một số tài liệu của các soạn giả và phả tộc đều ghi là họ Nguyễn. 

Như vậy, vấn đề đặt ra: tại sao ông Nguyễn Bá Ký đi thi lại đổi sang họ Phạm hay tại sao - tổ tiên họ Nguyễn ở Canh Hoạch từ sau ông Phạm Bá Ký đang là họ Phạm lại đổi sang họ Nguyễn? Vấn đề này vẫn còn đang được nhiều nhà khoa học nghiên cứu. 

Còn theo các cụ dòng họ Nguyễn ở Canh Hoạch thì dòng họ này có quan hệ thân tộc với dòng họ Nguyễn Trãi - ở Nhị Khê từ thời Nguyễn Phi Khanh cha Nguyễn Trãi vốn ở làng Chi Ngãi (Chí Linh - Hải Dương) dời sang Nhị Khê lấy đó là bản quán. Lúc bấy giờ có một người em cùng đi, lập quê ở Canh Hoạch. Các cụ khẩu truyền câu "Anh ở Ngọc Ổi (tên cũ làng Nhị Khê) em về Cố Hạc (tên cũ làng Canh Hoạch). 

Trạng cậu, trạng cháu.
Trạng cậu, trạng cháu.  

Gặp thời nhiễu nhương, sự kiện Lệ chi Viên (4/8/1442) đã dẫn đến cái án bất công nhất trong lịch sử là đại công thần Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, vì có liên quan nên dòng họ Nguyễn ở Canh Hoạch phải đổi họ đế đi thi. Đợi tới khi "bể yên gió lặng" Nguyễn Trãi được vua Lê Thánh Tông minh oan, con cháu dòng họ Nguyễn ở Canh Hoạch mới cải đổi lại về họ cũ. 

Phạm Bá Ký tức Nguyễn Bá Ký đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận 4 (1463) đời Lê Thánh Tông. Ông làm quan to trong triều thăng thưởng đến chức Binh bộ thượng thư. 

Nguyễn Đức Lượng, sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919, ghi chú ông là: "Người xã Canh Hoạch huyện Thanh Oai. Con của Nguyễn Bá Ký, cha Nguyễn Khuông Lễ. Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514) đời Lê Tương Dực. Thi đỗ năm 50 tuổi. Lúc đầu tên là Hề được vua phê cho đổi tên là Đức Lượng. Làm quan đến chức Lễ bộ Tả thị lang. Sau khi mất được tặng thượng thư". 

Sách Các Trạng nguyên nước ta thêm chi tiết Trạng nguyên "Nguyễn Đức Lương được đi sứ phương Bắc, khi mất thăng thượng thư”. 

Nguyễn Khuông Lễ con của Nguyễn Đức Lượng, cháu Nguyễn Bá Ký, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi niên hiệu Đại Chính 6 (1535) đời Mạc Đặng Doanh, được đi sứ, làm quan đến chức Hữu thị lang, tước bá. 

Vài nét sơ lược tiểu sử các vị dại khoa của dòng họ Nguyễn cho thấy rõ sau khi đỗ các vị đều được bổ nhiệm làm quan, về cuối đời đều được thăng thưởng chức tước to trong triều.

Đáng lưu ý là hai cha con Nguyễn Đức Lượng và Nguyễn Khuông Lễ được tiến cử đi sứ chứng tỏ dòng họ Nguyễn ở Canh Hoạch tổ tiên có khiếu ngoại giao. Tưởng nhớ những người hiền tài trong họ, hàng năm họ Nguyễn tổ chức việc họ lớn vào ngày 15 tháng 2. 

Cậu đỗ Trạng, cháu cũng đỗ Trạng

Trong nhà thờ Trạng nguyên có đôi câu đối rất hay: "Cựu Trạng nguyên, sanh Trạng nguyên nhất giáp khoa danh quang sử bút.  Phụ Tiến sĩ, tử Tiến sĩ bát truyền chung đỉnh dụ gia khương. 

Dịch nghĩa là: "Cậu Trạng nguyên, cháu Trạng nguyên, khoa danh đỗ đầu sáng danh sử sách. Cha Tiến sĩ, con Tiến sĩ, tám đời quyền quý phúc đầy nhà". 

Từ xưa tới nay, dân làng Canh Hoạch vẫn còn truyền đời cầu chuyện ly kỳ về Trạng cậu, Trạng cháu. 

Kể rằng: ông Nguyễn Đức Lượng có người em gái là Nguyễn Thị Hiền giỏi giang, xinh xắn, dáng vẻ con nhà quyền quý. Lúc chưa thành đạt ông có mời một thầy địa lý Tàu tìm cho ngôi đất để mộ tổ phụ. 

Ông thầy địa lý tìm được kiểu đất rất đẹp nhưng bảo 3 năm sau mới đặt mộ. Sắp tới ngày đặt mộ thì xảy ra chuyện bất ngờ.

Ở làng Tảo Dương có công tử Nguyễn Doãn Toại, đỗ thám hoa khoa Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức 12 (1481) đời Lê Thánh Tông mắc bệnh phong bỏ làng ra làm lều ở kiểu đất trên con Hỏa Tinh mà ông thầy địa lý đã chọn cho gia đình ông Lượng đặt mộ. 

Thấy vậy gia đình ông Lượng tìm mọi lý lẽ thuyết phục công tử Toại chuyển chỗ ở, cậu ta vẫn không nghe. Cho tới ngày thày địa lý sang định ngày giờ đặt mộ, công tử Toại vẫn không thuận theo ý gia đình ông Lượng buộc lòng ông Lượng phải thú thực công việc đại sự của nhà để công tử thông cảm. Nghe xong, công tử Toại xin ông Lượng cho cô em gái xinh đẹp tên là Hiền ra trò chuyện với chàng một đêm thì hôm sau công tử sẽ chuyển chỗ. Về nhà ông Lượng than thở với thầy địa lý, ai dè cô em gái biết chuyện xin anh tự nguyện ra với công tử. 

Đêm đó hai người đang ái ân mặn nồng thì công tử Toại đột tử trên bụng. Cô Hiền vội vàng về cấp báo gia đình. Nghe tin dữ, ông Lượng cho người xuống báo tin không may để gia đình ông Thám hoa biết cùng nhau lo liệu an táng cho công tử Toại ở chỗ khác, và cũng dự kiến sáng hôm sau mang mộ tổ đặt vào kiểu đất đó. 

Sáng hôm sau hai gia đình ra thì tử thi công tử Toại đã bị mối bồi đất táng thành đống. Ông Lượng chỉ còn kêu trời cho nhà mình hết phúc đành táng mả bố vào bên mộ công tử Toại, gọi là huyệt bàng. 

Em gái ông mang thai, ông Lượng buồn phiền lo liệu làm cho em căn nhà nhỏ ở rìa làng. Về sau cô Hiền sinh cậu con trai đặt tên là Nguyễn Thiến. Thiến rất thông minh, học đầu nhớ đấy, kịp 6 tuổi đã giục mẹ cho lên theo học ông cậu là Nguyễn Đức Lượng. 

 

Năm 50 tuổi, Nguyễn Đức Lượng thi đỗ Trạng Nguyên nhậm chức ra làm quan. Nguyễn Thiến ở nhà đèn sách theo nghiếp cậu mở lớp dạy học. Bấy giờ triều đình chia bè kéo đảng lộn xộn, đợi khi triều Mạc thịnh bình đến năm 1532 đời Mạc Đăng Doanh, Nguyễn Thiến mới đèn sách đi thi. Khoa ấy ông đỗ Trạng Nguyên. 

Truyền thuyết trên vốn lưu truyền lâu đời ở làng. Một số sách thời trước đều có ghi như Đại Nam long thủ tục (hiện còn bản lưu ở dòng họ chép các truyện ly kỳ về các Trạng Nguyên ở nước ta), sách Lịch đại danh hiền phổ và Đăng khoa lục của Tiến sĩ Trần Tiến đều có ghi.

Phải nói câu chuyện đã thể hiện được tấm lòng ngưỡng mộ của dân chúng về hai vị trạng nguyên có quan hệ thân tộc: trạng cậu, trạng cháu, lại cùng từ một nơi nuôi dưỡng phát triển tài năng là làng Canh Hoạch. 

Nói như vậy để thấy quê nội trạng nguyên Nguyễn Thiến ở Tảo Dương nhưng ông sinh sống, học hành là ở Canh Hoạch. Các thư tịch cổ đều chú giải Nguyễn Thiến "người trang Tảo Dương sau dời cư sang quê ngoại xã Canh Hoạch". 

Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919 đã ghi "Nguyễn Doãn Địch nguyên quán xã Tảo Dương, trú quán xã Canh Hoạch, ông nội Nguyễn Thiến".

Cũng sách nêu trên tóm tắt cuộc đời Trạng Nguyên Nguyễn Thiến như sau: "Nguyễn Thiến, người xã Canh Hoạch huyện Thanh Oai, 38 tuổi đỗ Hội nguyên, được ban đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ độ nhất (Trạng Nguyên) khoa Nhâm Thìn niên hiệu Đại Chính 3 (1532) đời Mạc Đặng Doanh. Ông làm quan nhà Mạc đến chức Lại bộ thượng thư, ngự sử đài đồ ngự sử, Đông các đại học sĩ, Nhập thị kinh điên, tước Thư quận công. 

Sau vì bất mãn với nhà Mạc, ông cùng với thông gia là đại tướng Thái tổ phụng quốc công Lê Bá Ly dẫn quân chúng trốn vào Thanh Hóa quy thuận triều Lê Trung Hưng. Vua Lê Trung Hưng ban thưởng, cho giữ nguyên các chức tước, đảm trách việc tuyển bổ quan lại cho nhà Lê trong khoảng 8 năm. Mất năm Thiên Hựu (1557, đời Lê Anh Tông) thọ 63 tuổi".

Nguyễn Thiến tên hiệu là Cảo Xuyên là danh sĩ có tiếng ở thế kỷ XVI. Ông đỗ Trạng Nguyên trước Nguyễn Bỉnh Khiêm 1 khoa, sau đó hai vị Trạng Nguyên này thường xướng họa thơ văn với nhau. Hiện còn một số bài thơ của Nguyễn Thiến chép trong Toàn Việt thí lục và Bạch Vân am thi tập. 

Kể từ khi Nguyễn Thiến dời cư lên sống ở quê ngoại, ông coi đó là vùng đất nuôi dưỡng và giúp ông thành đạt do vậy các con ông đã để lại nhiều kỷ niệm với làng Vác - Canh Hoạch. Người Canh Hoạch cũng coi những người trong gia đình ông như là người làng mình. 

Từ đền thờ trạng cậu, du khách đi về hướng đông để thăm nơi ở xưa của bà Nguyễn Thị Hiền - mẹ Trạng Nguyên Nguyễn Thiến. Nơi đây dân làng Vác đá làm một nhà sắc bảo lưu những tờ sắc vua ban cho những người tiết hạnh, hiền tài trong gia đình Trạng Nguyên Nguyễn Thiến. Nguyễn Thiến là cha của Nguyễn Quyện một danh tướng lỗi lạc thời nhà Mạc.  

Đọc thêm