Nguyễn Bặc - Vị tướng khai quốc công thần triều đại vua Đinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nguyễn Bặc (924 - 979), ông cùng tuổi và cùng làng Đại Hữu với vua Đinh, giúp Đinh Bộ Lĩnh bình định mười hai sứ quân, lập công lớn, được vua Đinh phong là Định Quốc công, vị trí như Tể tướng trong triều đình nhà Đinh.
Lăng mộ Định Quốc công Nguyễn Bặc tại xã Gia Phương, GIa Viễn, Ninh Bình.
Lăng mộ Định Quốc công Nguyễn Bặc tại xã Gia Phương, GIa Viễn, Ninh Bình.

Vị tướng tài ba

Nguyễn Bặc là con trai Nguyễn Thước, một gia tướng của Dương Đình Nghệ. Năm 951, Đinh Bộ Lĩnh dấy binh ở động Hoa Lư để mưu cầu thống nhất giang sơn. Nguyễn Bặc đã có mặt ngay từ buổi đầu dưới ngọn cờ đại nghĩa đó. Trong những năm tháng đánh dẹp các sứ quân, Nguyễn Bặc luôn luôn bên cạnh Vạn Thắng Vương, là vị tướng dũng lược tiên phong. Theo thần phả đình Ba Dân ở Thanh Trì (Hà Nội), ngày 6/6/967 (Đinh Mão), Đinh Bộ Lĩnh điều một đạo quân do tướng Nguyễn Bồ chỉ huy tiến đánh sứ quân

Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt, một sứ quân mạnh nhất lúc bấy giờ, nhưng nhiều ngày vẫn không hạ được thành. Tướng Nguyễn Bồ (là anh ruột Nguyễn Bặc) và ba tướng khác, cùng rất nhiều binh lính đều tử trận. Đinh Bộ Lĩnh cả giận, thống lĩnh toàn quân, cử Nguyễn Bặc làm Đại tướng tiên phong, đánh một trận phá tan sứ quân Nguyễn Siêu vào ngày 15/7.

Đến nay, bốn làng Tây Phù Liệt còn đền thờ các tướng Nguyễn Bặc và Nguyễn Bồ làm Thành hoàng. Chiến thắng Tây Phù Liệt, phá tan sứ quân Nguyễn Siêu, có ý nghĩa quyết định trong việc kết thúc thắng lợi công cuộc dẹp loạn 12 sứ quân, đưa giang sơn về một mối của nghĩa quân Hoa Lư do Vạn Thắng Vương thống lĩnh.

Nguyễn Bặc trưởng thành nhanh chóng, trở thành vị tướng tài ba bậc nhất của Vạn Thắng Vương. Khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, Nguyễn Bặc được xếp là Đệ nhất công thần, đứng đầu các quan văn võ; nhưng khi thiết triều, ông khiêm tốn ngồi sau Đinh Điền, vì ông cho rằng, Đinh Điền cũng là bạn đồng niên, đồng hương, lại cùng họ với vua Đinh.

Tượng đệ nhất công thần Nguyễn Bặc.
 Tượng đệ nhất công thần Nguyễn Bặc. 

Chuyện kể lại rằng, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân thắng lợi, vua Đinh phân vân nên lấy vị hiệu cũ là Vạn Thắng Vương hay xưng đế.Chính Định Quốc Công Nguyễn Bặc tâu rằng: “Ngày nay, nhà vua đã thống nhất bờ cõi, thu giang sơn về một mối, dân chúng khắp nơi một lòng quy phục, có thực lực mạnh hơn hẳn Lý Nam Đế và Ngô Vương Quyền trước đây, tại sao chỉ xưng vương mà không xưng đế như các triều vua phương Bắc?

Nhà vua không lên ngôi Hoàng đế, dựng nền chính thống của nước Đại Cồ Việt ta thì còn ai làm được việc đó? Trước đây, nhà Nam Hán đem hàng vạn quân thủy bộ sang xâm lược nước ta đã bị Ngô Vương Quyền đánh cho tan tác ở cửa sông Bạch Đằng. Nay nhà vua có binh hùng, tướng mạnh gấp nhiều lần thì sợ gì giặc Bắc?”. Nghe lời khuyên của Nguyễn Bặc, các đại thần đồng thanh dâng vị hiệu, Đinh Bộ Lĩnh quyết định xưng Hoàng đế, hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế.

Lại một chuyện khác. Khi tìm đất định đô, Đinh Bộ Lĩnh định lập đô ở Đại hữu quê nhà, nhưng Nguyễn Bặc đã khuyên vua Đinh rằng, đất Đại Hữu không hiểm trở, nên lấy Hoa Lư làm đô. Chính “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng chép:“Khi ấy mười hai sứ quân đều tự làm hùng trưởng cắt giữ đất đai... vua đánh dẹp được cả, mới tự xưng đế, chọn chỗ đất phẳng ở Đàm Thôn, muốn dựng làm kinh đô, nhưng thế đất chập hẹp, lại không có lợi về sự đặt hiểm, nên lại đóng đô ở Hoa Lư (nay là phủ Trường Yên)”.

Năm Tân Mùi (971), Nguyễn Bặc được vua Đinh gia phong là Khai quốc công thần, Phụ quốc, Thừa tướng, Thái Tổ Định Quốc Công, tức là vị Tể tướng đầu tiên trong lịch sử nước ta từ thế kỷ thứ X. Lúc này ông vừa 47 tuổi đời. Là một vị Tể tướng, ông cũng rất chý ý tiến cử người hiền tài cho vua Đinh. Khi vua Đinh định trao cho ông cả chính quyền và binh quyền, ông đã từ chối mà tiến cử Lê Hoàn, một viên tướng trẻ đầy tài năng, hiện đang dưới quyền Nam Việt Vương Đinh Liễn, lên làm Thập đạo Tướng quân (chức Tổng chỉ huy quân đội thời Đinh).

Trong ngót 10 năm, với vị trí là người đứng đầu bộ máy hành chính triều Đinh, Nguyễn Bặc đã giúp vua Đinh xây dựng hệ thống chính quyền phong kiến tập trung, thống nhất, xóa bỏ cát cứ, xây thành đắp hào, làm cung điện, đặt triều nghi.

Trung thành chống phản loạn

Đêm Trung Thu năm Kỷ Mão (979), Đinh Tiên Hoàng và con trai là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại. Sau đó, triều đình tôn Vệ Vương Đinh Toàn lên làm vua kế vị.

Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn xưng là Phó Vương, lại có tình riêng với Thái hậu Dương Văn Nga. Đinh Điền và Nguyễn Bặc hội quân ở Ái Châu (Thanh Hóa) kéo về Hoa Lư để đánh Lê Hoàn. Sử cũ chép: “Bấy giờ Hoàn mới chỉnh đốn binh sĩ, đánh nhau với Điền, Bặc ở Tây Đô (Thanh Hóa). Điền, Bặc thua chạy, lại đem thủy quân ra đánh. Hoàn nhân gió phóng lửa đốt chiến thuyền, chém Điền tại trận, bắt được Bặc đóng cũi đưa về kinh sư kể tội... bèn chém đầu để rao”. Theo gia phả thì Nguyễn Bặc bị hành quyết ngày 7/11/979 ở Ngô Khê Thượng, ngoại thành Hoa Lư. 

Kinh Thành Hoa Lư có9 vòng thành, Ngô Kế Thượng nằm ở vòng thành thứ 7, là nhiệm sở của ông khi còn sống. Đến nay ở đây vẫn còn đền thờ và có tượng của ông. Khu bản doanh cũ của ông nay gọi là làng Hành Khiển.

Nguyễn Bặc bị hành quyết, con cháu ông bỏ làng chạy lên Kinh Bắc (Bắc Ninh) và vào Tống Sơn (Thanh Hóa). Nguyễn Bặc có hai con trai là Nguyễn Đê và Nguyễn Đạt. Sau này Nguyễn Đê đã giúp Lý Công Uẩn lật đổ Lê Ngọa Triều, lên ngôi vua, thay nhà Tiền Lê đã mục nát.Dòng Nguyễn Đê, con cả Nguyễn Bặc, về sau cũng rất phát đạt. Nguyễn Trãi thuộc đời thứ 10, Nguyễn Hoàng, Chúa Nguyễn đầu tiên mở mang và gây nên nghiệp lớn nhà Nguyễn sau này thuộc đời thứ 15 của Nguyễn Bặc.

Nguyễn Bặc là một trong những nhân vật lịch sử xuất sắc của đất nước ta cuối thế kỷ X, là vị anh hùng dân tộc có công lớn trong sự nghiệp dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, dựng nền chính thống Đại Cồ Việt.

Có khá nhiều thơ văn, câu đối ca ngợi công đức của ông. Từ đường họ Nguyễn ở thôn Vĩnh Ninh, xã Gia Phương (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) là quê hương của ông, có bức đại tự rất đáng tự hào “Khởi nguyên đường” (khởi đầu dòng họ Nguyễn). Đền thờ ông ở Ngô Hạ (Ninh Hòa, Hoa Lư, Ninh Bình) cũng có bức đại tự “Trung quán nhật nguyệt” (trong sáng như mặt trời, mặt trăng).

Đền thờ họ Nguyễn ở Gia Miêu (Hà Trung, Thanh Hóa) có đôi câu đối rất hay, nói lên sự nối tiếp vẻ vang của dòng họ Nguyễn: “Duệ xuất Gia Miêu vương tích hiển Khánh lưu Đại Hữu tướng môn quang”.Tạm dịch: Cửa tướng phúc dày làng Đại Hữu/ Dòng Vương nối ở đất Gia Miêu.

Hiện nay tại trung tâm thành phố Ninh Bình đang xây dựng khu Quảng trường - tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế với 4 góc có tượng 4 vị quan đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ cao 5m, có lính canh và ngựa bằng đá.

Đọc thêm