Về Đền Tranh "cầu gì được nấy"

(PLVN) - Những ngày này, Đền Tranh (hay còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh) đang vào mùa chính hội. Cách TP Hải Dương chừng 30 km về phía Nam, Đền Tranh thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương thờ vị thần sông nước - một nhân vật huyền thoại trong tín ngưỡng dân gian, được người dân truyền tai nhau nổi tiếng linh ứng nhiệm màu, "cầu gì được nấy"...
Hội đền Tranh diễn ra vào 14/2 âm lịch hàng năm
Hội đền Tranh diễn ra vào 14/2 âm lịch hàng năm

Hải Dương vốn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử bởi hệ thống di sản phong phú với nhiều đền, chùa nổi tiếng linh thiêng từ rất lâu đời. Đến với di tích đền Tranh ở huyện Ninh Giang, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa người Việt mà còn được biết về tín ngưỡng thờ Thủy thần của nhân dân địa phương gắn liền với câu chuyện về vị Quan Lớn Tuần Tranh, vị thần sông Tranh. 

Cách TP Hải Dương chừng 30 km về phía Nam, có một ngôi đền mà khi nhắc đến ai cũng biết bởi mối liên hệ đến tận vùng biên ải Lạng Sơn, đó là Đền Tranh. Đền Tranh hay còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh nằm ở gần bến đò Tranh, tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại thời Lê và Nguyễn, nay thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương và thờ vị thần sông nước coi khúc sông. Đây là một ngôi đền lớn thờ nhân vật mang tính huyền thoại theo tín ngưỡng dân gian.

Khu di tích Đền Tranh uy nghi nằm ở gần bến đò Tranh
Khu di tích Đền Tranh uy nghi nằm ở gần bến đò Tranh 

Theo tài liệu của khu di tích đền Kỳ Cùng (Lạng Sơn), ông Tuần Tranh là quan nhà Trần được nhậm chức tuần ở huyện Ninh Giang. Sau đó ông được cử lên Lạng Sơn để yên dân, dẹp giặc. Tương truyền ngày xưa tại bến sông Tranh, có hai con rắn dữ thường nổi lên quấy phá. Một hôm, chúng bắt đi người vợ xinh đẹp của quan Tuần Tranh và ông đã khởi kiện Long Vương. Rắn bị xử thua phải mang cả dòng họ dời đi nơi khác. Từ đó, bến sông sóng yên nước lặng, nhân dân nhớ ơn vị quan phủ này mà lập đền thờ, tôn là vị thần bảo vệ khúc sông, giúp dân buôn thuyền, bán bè qua sông bình an, may mắn.

Cho đến nay chưa có tài liệu chính xác nào về thời gian xây dựng đền Tranh. Nhưng theo dân gian, đền Tranh vốn được xây dựng trên nên một ngôi miếu cổ có từ thời Hùng Vương. Miếu có tên gọi là Tranh Giang Đại Vương cổ miếu, nằm ở bến sông Tranh, sát thị trấn Ninh Giang.

Bức tượng Quan lớn Tuần Tranh trong đền
 Bức tượng Quan lớn Tuần Tranh trong đền

Các cụ cao niên kể rằng, Đền được xây dựng trên khu đất cao, đẹp, có nhiều cây cổ thụ xum xuê và đặc biệt Đền rất linh thiêng về cầu đảo khi đi sông nước. Thời Nguyễn ở thế kỷ XIX, đền được xây dựng hoành tráng, chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, có tượng Quan Lớn Tuần Tranh.

Năm 1887, Pháp chiếm Hải Dương và Ninh Giang, chúng đã cho đóng quân ở thành Đô Giang (thị trấn Ninh Giang) và sử dụng đền Tranh làm điểm đóng quân. Tuy nhiên chúng cũng không dám phá Đền vì nghe danh Đền rất linh thiêng.

Di tích Đền Tranh được công nhận là Khu di tích lịch sử quốc gia từ năm 2009
Di tích Đền Tranh được công nhận là Khu di tích lịch sử quốc gia từ năm 2009  

Sau này, người dân đã góp công sức tiền của cho xây dựng một đền Tranh mới ở giữa phố của thị trấn Ninh Giang với tổng số 127 gian trên khu đất rộng 4 mẫu bắc bộ. Nhưng đến năm 1946, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đền bị phá chỉ còn 3 gian cung cấm.

Nghi lễ lấy nước thiêng ở ngã ba sông Tranh rước về đền
 Nghi lễ lấy nước thiêng ở ngã ba sông Tranh rước về đền

Năm 1966, thể theo nguyện vọng của nhân dân thôn Tranh Xuyên, đền được chuyển về vị trí như ngày nay. Ban đầu chỉ chuyển 3 gian cung cấm về. Tại đây, đền từng bước được tu bổ, khôi phục lại các hạng mục. Với ý thức giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc, đền Tranh đã được nhân dân trùng tu lớn. Đền quay hướng Tây Nam, nhìn lên đường lớn. 

Hàng năm, Đền Tranh có hai kỳ lễ hội. Kỳ thứ nhất được tổ chức từ ngày mùng 10 đến ngày 20 tháng 2 Âm lịch, chính hội là ngày 14 tháng 2. Kỳ thứ hai là từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 8 Âm lịch, chính hội là ngày 22 tháng 8.

Đền được xây gồm 3 tòa: tiền đường, trung từ và hậu cung. Mỗi công trình gồm 7 gian, tổng số là 21 gian. Kiến trúc phỏng theo thời Lê và thời Nguyễn. Đặc biệt, đền còn bảo lưu được một số cổ vật có giá trị nghệ thuật như tượng Quan Lớn Tuần Tranh bằng đồng nặng 200 kg, 4 pho tượng Tứ Trụ bằng đá, bát hương, đỉnh đồng, hạc đồng, cuốn thư, chóe sứ…

Trong dân gian vẫn truyền tụng là “đền thiêng lắm, linh ứng lắm, cầu gì được nấy” nên kỳ hội mở hàng năm, du khách trong nước và nước ngoài về trẩy hội rất đông. Ngoài hai lễ hội chính, vào tháng 5 Âm lịch còn có một ngày đông du khách thập phương về với đền nhất là ngày “Tiệc quan tháng 5”. Tiệc này trong truyền thuyết là ngày Quan Lớn khao tiệc. Ngoài ra nhắc đến Quan Lớn Tuần Tranh là du khách nhắc đến hoạt động Hát xướng Hầu thánh với 36 giá Hầu thánh cùng 36 bài hát.

Vào năm 2009, đền Tranh vinh dự được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Để thu hút được đông đảo du khách về thăm quan, chiêm bái tại đền Tranh, những năm gần đây, huyện Ninh Giang luôn chú trọng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của đền Tranh cũng như các lễ hội. Qua đó, những nét đẹp truyền thống của vùng đất Ninh Giang và tỉnh Hải Dương đã được quảng bá đến với du khách trong nước và quốc tế.

Đọc thêm