Về xứ Thanh chiêm bái ngôi đình nơi phát tích vương triều Nguyễn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đình Gia Miêu ở Gia Miêu ngoại trang (làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) được vua Gia Long cho dựng cách đây hơn 200 năm, được đánh giá là một công trình tiêu biểu của kiến trúc thời Nguyễn. 
Đình Gia Miêu là công trình tiêu biểu của kiến trúc triều Nguyễn tại xứ Thanh (Ảnh: Báo Thanh Hóa).
Đình Gia Miêu là công trình tiêu biểu của kiến trúc triều Nguyễn tại xứ Thanh (Ảnh: Báo Thanh Hóa).

Năm 1822, vua Minh Mạng trong lần về bái yết đã làm bài minh, mở đầu với những câu “Đất chứa khí thiêng sinh ra Triệu tổ/Vun đắp cương thường tỏ rõ thánh võ...”, ca ngợi công đức của Nguyễn Kim (1468 -1545), tổ của các chúa Nguyễn và vua Nguyễn sau này. 

Ngôi đình độc đáo bậc nhất xứ Thanh

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh (hậu duệ đời thứ 11 của Nguyễn Kim) đã thống nhất hai xứ Đàng trong và Đàng ngoài lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long, quốc hiệu là Việt Nam. Sau một năm lên ngôi, nhân chuyến tuần thú Bắc Hà, vua Gia Long tìm về đất tổ Gia Miêu ngoại trang yết bái tổ tiên, truy tôn Nguyễn Kim là Triệu tổ Tĩnh hoàng đế. 

Vua Gia Long đã cho đắp nền Phương Cơ, dựng lăng Trường Nguyên (lăng Triệu Tường) thờ Triệu tổ ngay dưới chân núi Thiên Tôn. Đình Gia Miêu cũng được xây dựng cùng lúc này để tri ân quê gốc của vương triều Nguyễn. 

Đình được dựng trên một khu đất rộng khoảng gần 400m2, quay hướng Tây Nam. Đình Gia Miêu là nơi thờ tự thành hoàng Nguyễn Công Duẩn và những bậc thánh nhân. Đình cũng nằm dưới chân núi Thiên Tôn, nơi được coi là vùng núi thiêng, phát tích của vương triều Nguyễn. 

Hình tượng rồng được chạm khắc ở đình Gia Miêu.
Hình tượng rồng được chạm khắc ở đình Gia Miêu.

Theo các vị cao niên trong làng, trải qua những biến cố lớn của lịch sử, đình Gia Miêu là ngôi đình hiếm hoi không bị tàn phá nhiều và còn giữ được hầu như nguyên vẹn những kiến trúc quý giá đặc trưng của triều Nguyễn. Mái đình mở rộng trong khi các đầu đao lại cong vút lên trông tựa như một con thuyền gây ấn tượng mạnh với nhiều du khách. Đình được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, với hai tòa Đại đình và Hậu cung. 

Tòa Đại Đình gồm 5 gian chính và 2 gian chái (7 gian). Bờ nóc đình được trang trí “lưỡng long chầu nguyệt”. Các hoa đao nhấp nhô, đường mái uốn lượn như những cánh sóng, tạo cảm giác chuyển động trên nền của một không gian tĩnh lặng. 

Ở đây các nghệ nhân dân gian đã sử dụng nghệ thuật chạm khắc để tạo ra các mảng kiến trúc dày đặc trên các bộ phận của đình như vì nóc, đầu các xà… Đề tài chính trên các vì kèo, chủ yếu là các linh vật, nổi bật là tứ linh nhất là hình tượng con rồng. Rồng trong vân mây, có khúc đuôi cuộn tròn, với hình thức dữ dội, lông mày hình răng cưa, mắt lồi, trán dô, miệng ngậm chữ thọ (ở vì kèo đầu hồi). 

Hình tượng phượng được chạm khắc ở đình Gia Miêu (Ảnh: Báo Thanh Hóa)
Hình tượng phượng được chạm khắc ở đình Gia Miêu (Ảnh: Báo Thanh Hóa) 

Tiếp đó là hình chim phượng dưới dạng cụp cánh hoặc dạng mái xòe hai cánh trước sau (loại này được trang trí trên các cốn mê). Hình con lân dưới dạng lân-long-mã kết hợp được trang trí chủ yếu trên các kẻ bẩy và cả những bức cốn mê. Còn hình Rùa được chạm khắc rõ nét nằm dưới một hình lá sen úp ngược trong hồ nước. Ngoài ra, còn có thú vật khác như hươu, chim sẻ, thạch sùng, cũng được điểm xuyết trong tổng thể một bức tranh đa dạng trên các bức cốn mê hay kẻ bẩy. Các con vật này được chạm khắc rất thực.

Ngoài ra, hình tượng lá cúc cách điệu, lá sen được chạm khắc phổ biến trong toàn bộ trang trí nội thất ngôi đình làm tăng thêm tính uyển chuyển, mềm mại của toàn bộ công trình.

Theo các nhà nghiên cứu, một đặc điểm rõ nét trong kết cấu kiến trúc và nghệ thuật trang trí ở đình Gia Miêu có một mối quan hệ hữu cơ thống nhất. Hậu cung 2 gian mới được tu bổ lại. Về cấu trúc nó gắn hữu cơ với Đại đình, tạo nên một không gian thống nhất mà ta thường thấy trong kết cấu kiến trúc các đình làng ở nước ta thế kỷ XIX.

Vùng đất quý hương của nhà Nguyễn

Gia Miêu ngoại trang xưa thuộc tổng Thượng Bạn (huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa), nay thuộc xã Hà Long (huyện Hà Trung, Thanh Hóa), là nơi phát tích của vương triều Nguyễn. Người ta nói, “Gia Miêu” có nghĩa là “lúa tốt”. Dân gian còn thường gọi nơi đây là vùng đất quý hương.

Vùng đất này được coi là vùng đất quý hương bởi những câu chuyện liên quan đến việc hình thành và phát triển của vương triều Nguyễn. Sử cũ chép, năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập nên triều Mạc. Một số cận thần của nhà Lê chạy qua Ai Lao, trong đó có An Thành hầu Nguyễn Kim. Về sau, Nguyễn Kim tìm được con vua Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh ở Thanh Hóa mang sang Ai Lao lập làm vua, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa (vua Lê Trang Tông, trị vì từ 1533 - 1548), khởi đầu sự nghiệp trung hưng nhà Lê. 

Áng thờ tại đình Gia Miêu (Ảnh: Thanhniên)
Áng thờ tại đình Gia Miêu (Ảnh: Thanhniên) 

Nhờ công lao đó mà Vua Trang Tông tin dùng phong cho Nguyễn Kim làm Thượng phụ Thái sư Hưng Quốc công Trưởng nội ngoại sự để phò giúp diệt Mạc, lấy lại cơ nghiệp. Đáng tiếc, tới năm 1545, Nguyễn Kim đã bị đầu độc và qua đời ở tuổi 78. Vua Lê thương tiếc, truy ban tước Chiêu huân Tĩnh công, dùng lễ hậu đưa thi hài về táng ở núi Thiên Tôn.

Ngày nay, người dân làng Gia Miêu vẫn lan truyền một câu chuyện huyền bí về đám tang của Nguyễn Kim. Người dân Gia Miêu kể rằng, khi linh cữu của Nguyễn Kim được đặt xuống huyệt trên núi Thiên Tôn thì trời bỗng nổi cơn giông, sấm sét, miệng huyệt từ từ khép lại, mọi người kinh hãi chạy xuống núi. Một lúc sau trời quang mây tạnh, mọi người trở lại chỗ quan tài thì chỉ thấy núi đá nhấp nhô, cây cỏ tươi tốt, không biết quan tài của Nguyễn Kim được an táng chỗ nào. 

Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường ở Gia Miêu.
Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường ở Gia Miêu.  

Người dân Gia Miêu giờ đây luôn tin rằng, mộ của Triệu tổ Tĩnh hoàng đế Nguyễn Kim được táng trúng miệng rồng, là nơi tụ hội khí thiêng sông núi, là huyệt đạo phát vương về sau. Bởi vậy mà mỗi lần các vua nhà Nguyễn về bái tế Triệu tổ đều chỉ biết trông lên núi Thiên Tôn mà bái vọng. Theo các ghi chép còn lại thì tất thảy có 5 vị vua triều Nguyễn đã về Gia Miêu ngoại trang tế bái tổ tiên, gồm: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Thành Thái và Bảo Đại, trong đó vua Bảo Đại về nhiều lần nhất.

Việc nghiên cứu phục dựng, xây dựng mới lễ hội Gia Miêu - Triệu Tường không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị các di tích như Đình Gia Miêu, Lăng Miếu Triệu Tường, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, các tập quán xã hội tốt đẹp, khơi dậy niềm tự hào của cộng đồng, hình thành các sản phẩm văn hóa- du lịch độc đáo mà còn tạo ra nguồn lực mới để địa phương thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội theo hướng bền vững.

Đọc thêm