Đầu năm, chúng tôi tới thăm Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu – nơi cuối trời Tây Bắc. Ánh nắng vàng hiếm hoi giữa tiết trời đông băng giá như xua tan cái lạnh đến tê người của núi rừng. Và trong không gian nồng ấm đó, bỗng rộn rã tiếng cười và niềm hân hoan của những con người đã từng một thời lầm đường, lạc lối…
Các học viên đón Tết ở Trung tâm |
Ngôi nhà chung yêu dấu…
Thành lập từ lúc ra đời huyện mới (năm 2009), nhưng mãi đến tháng 7/2012 Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội Tân Uyên mới chính thức đi vào hoạt động. Sau cái xiết tay rất chặt, ông Hoàng Văn Năm, PGĐ Trung tâm vui vẻ cho chúng tôi hay, hiện Trung tâm đang chữa bệnh và giáo dục cho 30 học viên, thuộc nhiều dân tộc khác nhau như Kinh, Thái, Tày, Dao, Hmông… Với biên chế trên giao 10 cán bộ (bao gồm y tá, y sỹ, điều dưỡng, dược, kế toán, quản lý…), việc quản lý, chăm sóc, khám chữa bệnh và giáo dục cho học viên đã tạm thời đi vào nề nếp.
Tuy nhiên, với một Trung tâm mới thành lập, điều kiện cơ sở vật chất, kinh nghiệm cán bộ còn hạn chế… nên các hoạt động vẫn còn rất khiêm nhường.
Đặc biệt, ông Năm chia sẻ, với chế độ ăn khiêm tốn (chỉ có 15.000 đồng/ngày), trong tình hình giá cả thị trường tăng đột biến như hiện nay, nên việc tổ chức mua bán thực phẩm, nấu nướng, phân chia các khẩu phần ăn cho các học viên tương đối vất vả.
Vì vậy, để đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe cho anh em học viên, Ban lãnh đạo Trung tâm đã bàn nhau, tự xoay sở kinh phí mua 2 con lợn giống, 20 con ngan giống về nuôi, đi xin giống rau, đu đủ về trồng để cải thiện sinh hoạt cho các học viên.
Nhằm nâng cao thể lực và động viên tinh thần anh em, Trung tâm còn bố trí đầy đủ sân cầu lông, lưới đá cầu, đàn nhạc…, phòng nào cũng có ti vi, điện thắp sáng đầy đủ. Trong mấy ngày Tết, Trung tâm còn sắm cả dàn Karaoke để các học viên thi thố văn nghệ, hát hò góp phần vơi đi nỗi nhớ nhà. “Cả Trung tâm có ba phòng thì cả ba đều có đầy đủ bánh chưng, giò chả, bánh kẹo, mâm ngũ quả và đào, quất.
Giao thừa, lãnh đạo Trung tâm cũng tổ chức đón giao thừa, đi chúc Tết từng phòng. Ngoài ra, các tổ chức xã hội, UBND, HĐND huyện, các xã lân cận trên địa bàn cũng đến thăm và tặng quà để động viên anh em…” – ông Năm hồ hởi khoe. Đi thăm từng phòng của học viên, chứng kiến không khí sinh hoạt đầm ấm, thân thương của anh em, nhìn những rặng đu đủ lúc lửu quả, luống rau xanh mơn mởn của Trung tâm, chúng tôi hiểu rằng nơi đây đã thực sự trở thành mái nhà chung yêu dấu của những học viên, cũng như cảm nhận được công lao, sự đóng góp và những nỗ lực của các cán bộ ở đây.
Không chỉ có vậy, ông Năm cho biết thêm, Trung tâm đang đề nghị UBND địa phương cấp cho thêm 2ha ruộng ở ngay gần đấy để mở rộng diện tích trồng trọt và chăn nuôi, tạo thêm việc làm, cải thiện cuộc sông, sinh hoạt và giúp các học viên quên đi quá khứ, làm lại cuộc đời…
Cho em một nẻo về!
“Ngày chuẩn bị vào đây, bản thân em cũng như mọi người trong gia đình cứ nghĩ rằng vào đây khổ lắm, nhưng thực sự không phải thế. Cán bộ thì tôn trọng, coi chúng em như người thân; anh em học viên thì đùm bọc, bảo ban nhau cai nghiện, cái gì cũng chia sẻ… Chính vì thế, em càng quyết tâm cai nghiện để trở thành công dân tốt.” – học viên Lù Văn Hòa (35 tuổi), người dân tộc Thái, trú tại xã Pac Ta tâm sự.
Hòa đã từng có một gia đình yên ấm, với vợ đẹp, con ngoan, bản thân thì đã tốt nghiệp đại học Tài chính kế toán và là cán bộ mẫn cán của xã nhà. Nhưng rồi anh đã không cưỡng nổi mãnh lực của ma túy, để rồi thân tàn, ma dại, tiền hết, gia đình thì đứng trước nguy cơ tan vỡ. Hỏi về cảm giác đón Tết tại Trung tâm, Hòa chia sẻ chân tình:
“Tết ở đây vui thật, khác hẳn ở nhà. Anh em quây quần bên nhau tâm sự, hát hò, động viên nhau cai nghiện… Không như hồi ở nhà, mấy ngày Tết chỉ nằm bên bàn đèn, hút cho sướng mồm, chứ có nghĩ gì đến sắm Tết và đón giao thừa đâu…”.
Cất bộ đồ nghề rửa xe máy vào tủ, lau vội những giọt mồ hôi trên mặt và cổ, Lù Văn Thêm, dân tộc Thái (sinh năm 1984), ở bản Suối Đính B, xã Hô Mít vui vẻ tâm sự, cách đây 10 năm, Thêm đã từng là chủ một hầm khai thác vàng ở Văn Bàn, Lao Cai, có thời kỳ kiếm được hơn kg vàng/tuần. Nhưng từ ngày “bập” vào ma túy, tiền của thi nhau “đội nón ra đi”, ngày nào Thêm cũng “nướng” hơn 1 triệu đồng vào hàng trắng. Sau hơn 1 năm “làm bạn” với thứ độc dược này, Thêm mới hiểu:
“Chơi ma túy thật phức tạp, suốt ngày chả muốn làm gì, tiền thì tiêu tốn kinh khủng, vợ con, người thân thì xem thường…” nên đã quyết tâm cai nghiện. Thêm cho biết, ngày mới vào Trung tâm (tháng 7/2012), anh chỉ nặng chưa đầy 50kg, giờ đã trở lại cân nặng như hồi trai trẻ (60kg), tinh thần thì thoải mái và yêu đời.
“Sau khi cai nghiện tại Trung tâm, em sẽ trở về gia đình, vừa làm ruộng vừa học thêm nghề sửa chữa xe máy để làm lại cuộc đời, chứ cái gì dễ kiếm cũng đi nhanh lắm chị ạ!” – Thêm bùi ngùi chia sẻ.
Kết ngắn
… Tâm sự của Hòa, Thêm cũng là cảnh ngộ chung của hầu hết các học viên đang chữa bệnh, sống và sinh hoạt tại đây. Và ước muốn của họ cũng là mong muốn chung của tất cả anh em khác. Họ đang nỗ lực phấn đấu, rèn luyện bản thân để đoạn tuyệt quá khứ lầm lỗi, vươn lên trong cuộc sống, trở thành một công dân có ích cho xã hội. Trong những thành công đó, nỗ lực đó in dấu bàn tay, khối óc và công sức của mỗi cán bộ Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội Tân Uyên. Và chúng ta cùng cầu mong họ sẽ có một nẻo về đầy tươi sáng./.
Đoan Trang