Tuân theo phương thức chính quy, doanh nghiệp sẽ không còn lo ùn ứ nông sản xuất sang Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 và các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở cả 2 bên biên giới Việt - Trung đã làm bộc lộ những bất cập của xuất khẩu (XK) nông thủy sản theo hình thức “trao đổi cư dân”. Để tận dụng tốt nhất thị trường Trung Quốc, các chủ hàng, doanh nghiệp phải đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, phải chấp nhận thử các hướng đi mới...
Khai thác thị trường Trung Quốc để xuất khẩu nông sản tới vụ.
Khai thác thị trường Trung Quốc để xuất khẩu nông sản tới vụ.

Trung Quốc là một trong số ít thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam. Khai thác được thị trường này chính là cách giải tỏa nông sản tới vụ nhanh nhất…

Việt Nam có lợi thế xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Thông tin từ Sở Công Thương Lào Cai, ngay trong ngày đầu tiên phía Trung Quốc mở cửa trở lại việc thông quan nông sản Việt Nam (ngày 14/9) đã có 101 tấn quả chuối tươi của Lào Cai được xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Hiện các mặt hàng nông sản, trái cây tươi khác vẫn bị dừng thông quan do các quy định về phòng, chống dịch mới từ phía Trung Quốc.

Đại diện Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, do dịch COVID-19 mà hiện chỉ có 4/12 cửa khẩu của Lạng Sơn hoạt động và đã bắt đầu có tình trạng ùn ứ trong khi lượng hàng hóa tiếp tục dồn về, tạo áp lực rất lớn cho địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã phải đề nghị các tỉnh, thành phố có hàng nông sản lưu thông đến các cửa khẩu của Lạng Sơn chủ động thông báo cho doanh nghiệp để cơ cấu lại hàng hóa, tránh ùn ứ.

Trung Quốc được xem là một trong số ít thị trường XK lớn nhất của nông thủy sản Việt Nam nhưng hiện đã và đang tăng cường kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt khu vực cửa khẩu biên giới đất liền để phòng, chống dịch COVID-19. Điều này đã tác động đến tiến độ thông quan hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này, nhất là ảnh hưởng rất mạnh đến một số loại trái cây đã đến giai đoạn chính vụ như thanh long, dưa hấu, vải, nhãn…

Một chuyên gia kinh tế khẳng định, thị trường để XK nông sản của Việt Nam khá lớn. Hơn nữa, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi tại các trung tâm tiêu dùng lớn của thế giới cũng như Trung Quốc. Do đó, vấn đề là Việt Nam phải tận dụng được, nhất là trong bối cảnh nhu cầu của thị trường Trung Quốc cần rất lớn và các kênh lưu thông đến thị trường này cũng đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Việt Nam lợi thế kề ngay biên giới mà không tận dụng được thị trường này thì vấn đề ở chính chúng ta.

Trong cuộc họp tháo gỡ XK nông sản do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng đặt vấn đề: “Tại sao Bắc Giang, Hải Dương có thể XK suôn sẻ hơn 100.000 tấn vải thiều trong thời gian ngắn, trong khi mặt hàng thanh long, dưa hấu thì nay tắc chỗ này mai tắc chỗ khác? Những tỉnh trồng thanh long, dưa hấu mà làm được như Bắc Giang thì tôi tin rằng việc tiêu thụ nông sản cho nông dân thời gian tới sẽ có sự chuyển biến tích cực”.

Cần chuyển mạnh sang xuất khẩu chính quy

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 và các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở cả 2 bên biên giới Việt - Trung đã làm bộc lộ những bất cập của XK nông thủy sản theo hình thức “trao đổi cư dân”. Trung Quốc vẫn duy trì chế độ ưu đãi cho trao đổi hàng hóa giữa cư dân 2 bên biên giới, với hạn mức được miễn thuế là 8000 NDT/người/ngày. Vì vậy, từ nhiều năm nay, tại khu vực biên giới Việt - Trung đã tự phát hình thành việc gom tiêu chuẩn của cư dân để buôn bán lớn tại các cặp chợ.

Hàng hóa trao đổi theo hình thức này thường là theo thỏa thuận miệng, không có hợp đồng với các điều khoản chặt chẽ về quy cách hàng hóa, điều kiện giao hàng… và chủ yếu XK qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới để vào các chợ đường biên.

Do đây là buôn bán tại chợ nên việc này không thể can thiệp theo hiệp định quốc tế hay thông lệ quốc tế. Chợ có thể đóng, có thể mở, lúc cho nhập hàng ban ngày, lúc cho nhập hàng ban đêm dẫn đến bị động và rủi ro lớn cho các loại nông thủy sản XK theo hình thức trao đổi cư dân. Hiện tượng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu phần lớn bắt nguồn từ hình thức mua bán này. Nhiều năm nay, Bộ Công Thương đã kêu gọi các doanh nghiệp thay đổi, chuyển nhanh và chuyển mạnh sang XK chính quy, theo hợp đồng với các điều khoản rõ ràng. Tuy nhiên, sự chuyển biến vẫn rất chậm.

Ngoài ra chưa kể, doanh nghiệp đang rất thụ động và không chịu thay đổi phương thức bán hàng. Thực thế cho thấy, các cửa khẩu quốc tế tại Cao Bằng, Hà Giang rất thông thoáng nhưng doanh nghiệp không đi. Cửa khẩu đường sắt tại Lạng Sơn, Lào Cai cũng rất thông thoáng, thậm chí XK đường biển cũng rất thông thoáng, chi phí chỉ bằng 1/3 đường bộ những cũng không ai chọn. Tất cả tập trung vào cửa Tân Thanh, Cốc Nam, gây ùn tắc, sau đó đề nghị “tháo gỡ”.

Do đó, để tận dụng tốt nhất thị trường Trung Quốc, các chủ hàng, doanh nghiệp phải đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, phải chấp nhận thử các hướng đi mới và giảm dần các hiện tượng giải cứu, ùn ứ xuất hiện đều đặn mỗi năm. Đặc biệt các địa phương phải chung tay gánh vác cùng với người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã như Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La đã làm…

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm