Cứ bức xúc là "mang quan tài diễu phố"?

(PLO) - Thời gian gần đây, hành vi "mang quan tài đi bày tỏ bức xúc" được lặp lại không ít lần, khi người dân cần khiếu nại hoặc bày tỏ phán ứng của mình.  Những hành vi này vừa không hợp thuần phong mỹ tục, vừa có dấu hiệu phạm luật, cần xử lý để tránh nhân lên nhiều lần.
Một vụ án quan tài diễu phố
Một vụ án quan tài diễu phố
Mới đây nhất, ngày 21/12 , các tiểu thương ở chợ Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã mang ba chiếc quan tài và băng rôn, biểu ngữ đến  quanh chợ để phản đối quyết định đóng chợ cũ, di dời qua chợ mới của chính quyền địa phương. Nguyên nhân là  chợ Vĩnh Tân cũ cần phải giải tỏa để mở rộng hai tuyến đường qua chợ., năm 2008, UBND tỉnh đã quy hoạch xây dựng trung tâm học tập cộng đồng của xã tại chợ này. 
Nhiều tiểu thương cho rằng xã đền bù chưa thỏa đáng, chưa thanh toán hỗ trợ các ki-ốt và thiếu dân chủ trong việc di dời, giải thể chợ cũ, chợ mới xa trung tâm không buôn bán được nên đã hành động như trên để kiến nghị xã cho phép được tiếp tục kinh doanh tại chợ cũ và đóng tiền để nâng cấp chợ.
Tháng 10 năm 2013, sản phụ Nguyễn Thị Xuân (40 tuổi, ngụ tại xã Thiệu Phúc, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) chuyển dạ, nhập Bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hóa nhập viện để sinh con, được các bác sĩ chẩn đoán thai phụ và thai nhi vẫn khỏe mạnh bình thường.
Đột nhiên 3h sáng, sản phụ có dấu hiệu bất thường, sau đó người nhà được thông báo là mẹ con sản phụ đã tử vong. Quá bức xúc, cho rằng mẹ con chị Xuân chết là do bác sĩ tắc trách, sau khi khâm liệm cho mẹ con sản phụ xấu số, người thân của chị Nguyễn Thị Xuân đã mang quan tài và tiểu sành đặt tại hành lang của bệnh viện, sau đó chở đến trước nhà riêng của Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Thiệu Hóa. Mọi việc chỉ chấm dứt khi có sự vận động khuyên giải của các cơ quan chức năng. 
Tại Huế, năm 2012, người nhà một nạn nhân chết do vụ ẩu đả với lực lượng bảo vệ tại quán bar Phương Nam thậm chí còn mặc quần áo tang, mang di ảnh nạn nhân và vàng mã, vừa đi vừa khóc lóc, rải vàng mã khắp chung quanh quán bar này… 
Vẫn biết là trong những trường hợp "mang quan tài" như trên đều có nguyên do từ sự đau khổ, uất ức của người nhà nạn nhân, và cũng nhiều trường hợp người bị mang quan tài đến nhà cũng có nhiều phần lỗi. Trường hợp bar Phương Nam ở Huế, sau vụ "mang quan tài", lực lượng chức năng đã ghi nhận và có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời đối với quán bar có nhiều dấu hiệu phức tạp. 
Nhìn nhận ở khía cạnh luật pháp, hành vi mang vòng hoa, quan tài đến đặt ở một nơi nào đó thì không làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người khác. Ý định của những người “mang quan tài để bày tỏ bức xúc” không phải để gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng người khác mà thường mang tính chất tâm linh, xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác và lôi kéo dư luận gây hiệu ứng “đám đông”. 
Mặc dù đây là hình vi gây ảnh hưởng xấu cho xã hội và tinh thần của người khác nhưng hiện pháp luật chưa quy định xử phạt cụ thể. Tuy nhiên, nếu người “khủng bố” có hành vi “quá khích” gây ra hậu quả nghiêm trọng thì tùy vào tính chất, mức độ hành vi, người vi phạm có thể bị xử phạt tội “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 Bộ luật Hình sự. 
Nếu ngoài hành vi đặt quan tài còn nhắn tin, dùng lời nói đe dọa giết người thì có thể phạm tội “đe dọa giết người” theo điều 103 BLHS. Còn nếu đặt cả hình ảnh, lời nói xúc phạm đến danh dự nhân phẩm người “bị khủng bố” thì có thể đã phạm vào tội “làm nhục người khác” theo điều 121 BLHS. 
Xét ở một khía cạnh khác, có thể thấy đây là phản ứng của sự bất lực, đôi khi  để chống lại sự bất công .Để ổn định xã hội, các nhà làm luật cần nhanh chóng luật hóa để có biện pháp xử phạt những người thực hiện hành vi này trước khi nó trở thành “chuyện thường ngày”. Còn nhìn trên bình diện xã hội, để giải quyết triệt để hành vi này thì luật hóa hành vi này để xử phạt là chưa đủ mà phải giải quyết cho được những nguyên nhân như đã nêu ở trên.