Kiểm tra các dự án cải tạo môi trường tại TP.Cần Thơ

(PLO) - Ngày 22/10/2013,  PLVN và một số báo, đài khác đã làm việc với UBND huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ để làm rõ những “khuất tất” trong quá trình triển khai dự án cải tạo môi trường sống và chỉnh trang đô thị tại địa phương này. UBND TP.Cần Thơ chỉ đạo Hội đồng thẩm định kiểm tra toàn bộ dự án này nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân. 
Kiểm tra các dự án cải tạo môi trường tại TP.Cần Thơ
Cái gì cũng… chưa rõ?
Ông Phan Trung Hiếu – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Cờ Đỏ - không trả lời được câu hỏi: Có bao nhiêu gia đình cán bộ địa phương bị ảnh hưởng dự án mà trước đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) trong khi đa số người dân không được cấp sổ đỏ vì chính quyền cho rằng “đó là đất công”. Dự án có quy mô 15,48ha, trong đó có nhiều diện tích mà ngành chức năng và chính quyền địa phương khẳng định là đất công do người dân tự lấn chiếm  nhưng không biết rõ diện tích đất công bị lấn chiếm là bao nhiêu và người dân đã sinh sống ổn định ở đây từ những thời điểm nào? 
Ông Hiếu thừa nhận: “Đến thời điểm hiện nay chưa có văn bản nào quyết định đó là đất công mà chỉ là số liệu tổng hợp từ 3 cấp, không có quyết định quản lý và chủ yếu do lịch sử để lại, chưa phân ra, chưa rà soát cụ thể từng trường hợp…”.
Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cờ Đỏ cho rằng căn cứ vào Quyết định số 12/2010 của UBND TP.Cần Thơ quy định về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn để xem xét bố trí và bán nền tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Thế nhưng, theo hồ sơ thì rõ ràng đây là một dự án kinh doanh, thương mại (với các dãy nhà phố thương mại gần 44.000m2, trung tâm thương mại gần 10.000m2, công trình thương mại dịch vụ đa năng kết hợp nhà ở nằm hai bên tỉnh lộ 922 với 11.144m2, khu nghỉ dưỡng hơn 5.000m2, khu dịch vụ ăn uống giải khát 1.600m2 có chủ đầu tư là một doanh nghiệp… 
Vậy tại sao người dân không được thỏa thuận với chủ đầu tư về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà lại bị áp khung giá Nhà nước quy định? Còn nếu UBND huyện Cờ Đỏ sử dụng ngân sách thu hồi đất, bồi thường cho dân thì tại sao không tiến hành đấu giá để giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án mang tính chất thương mại này? Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Cờ Đỏ, Chủ tịch Hội đồng bồi thường dự án này - không trả lời được những câu hỏi này mà đẩy lên cấp trên là UBND TP.Cần Thơ và các ngành liên quan. 
Nhiều khuất tất
Tại cuộc họp báo đài quý III chiều 22/10/2013 do UBND TP.Cần Thơ tổ chức, ông Dương Tấn Hiển – Phó Giám đốc Sở TN&MT kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định TP.Cần Thơ  - cho rằng:  “Sau khi báo chí thông tin, chúng tôi được giao kiểm tra, rà soát dự án này. Thu thập thông tin cho thấy, việc đổi tên dự án từ Khu đô thị thương mại sang Chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường sống là do Ngân hàng Thế giới đề xuất sau khi khảo sát thực tế?.
Còn hàng trăm hộ dân đang ở trên đất công thì có phương án bố trí (bán nền) vào ở khu tái định cư riêng của huyện tại ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ. Riêng việc sẽ kỷ luật 3 giáo viên nếu không chấp hành nhận tiền, giao mặt bằng cho dự án là việc làm tự ý của ông Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Cờ Đỏ, hoàn toàn không phải chỉ đạo của lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện. Phía huyện đã mời vị Hiệu trường này lên để chấn chỉnh, nhắc nhở”.
Những lý giải của ông Dương Tấn Hiển không những không làm rõ thêm những khúc mắc quanh dự án này mà còn gây khó hiểu và “lái” thông tin sang một chiều hướng khác. Những bức xức của dân về giá cả đền bù đất đai, vật kiến trúc, xác định nguồn gốc đất, mập mờ việc đổi tên dự án thành Chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường sống nhưng lại giải tỏa trắng; chủ đầu tư là Cty CP Cadif làm dự án để kinh doanh chứ không phải công ích, nguồn vốn đầu tư dự án như thế nào, ngân sách nhà nước hay tiền của doanh nghiệp bỏ ra giải phóng mặt bằng… đã không được trả lời trong buổi họp báo của UBND TP.Cần Thơ chiều 22/10…