Ngày Pháp luật: Tuyên truyền “trúng” sẽ tạo sự hứng thú

(PLO) - Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam, các Luật sư, bạn đọc của Báo PLVN bộc bạch những tâm tư, suy nghĩ về việc tổ chức tuyên truyền pháp luật của các cơ quan, tổ chức thời gian qua với mong muốn có được những hình thức chuyển tải pháp luật hiệu quả hơn.
Dừng đèn đỏ là bị “tra tấn” !
Một trong những nguyên tắc phổ biến, giáo dục pháp luật đã được luật hóa, đó là phải thiết thực và phù hợp với nhu cầu của đối tượng được phổ biến. Thế nhưng, đó đây vẫn có những hình thức tuyên truyền gây khó chịu cho người dân, có thể kể sau đây. 
Người dân tộc thiểu số huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa tham dự một buổi trợ giúp pháp lý miễn phí
 Người dân tộc thiểu số huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh
Khánh Hòa tham dự một buổi trợ giúp pháp lý miễn phí
Tại bảng tin của một bệnh viện lớn ở Hà Nội ngay góc ngã tư, để tuyên truyền về an toàn lao động, an toàn giao thông, bệnh viện này đã dán la liệt các bức ảnh tai nạn chân tay gãy, máu me đến mức ai đi bộ ngang qua cũng phải quay mặt không dám nhìn, sợ ám ảnh. Người chạy xe ngoài đường cũng hốt hoảng lao nhanh vì sợ chẳng may mắt mình “va” phải bảng tin, đập vào những bức ảnh lạnh sống lưng đó. 
Nhân thực hiện Thông tư 12 của Bộ Công an về đăng ký xe chính chủ, các hộ dân ở Hà Nội được phát miễn phí tờ hướng dẫn làm thủ tục. Đây là hình thức tuyên truyền mới, rất cần thiết đối với cả người dân và cơ quan chức năng  để giải quyết tồn tại lịch sử về những chiếc xe máy “chủ một đằng, người sử dụng một nẻo” suốt nhiều năm qua. 
Thế nhưng, nhiều người dân khá thất vọng khi cầm tờ hướng dẫn chỉ đơn thuần trích nguyên xi một số quy định của Thông tư 12. “Đọc xong tôi vẫn không hiểu làm thế nào để chuyển vùng xe của tôi. Nếu chỉ đơn thuần trích dẫn quy định thì chúng tôi  có thể tự tìm hiểu toàn văn Thông tư trên mạng cũng được. Điều chúng tôi cần là hướng dẫn chi tiết, giải thích rõ ra bằng lời, thậm chí hướng dẫn chúng tôi đến cụ thể những đâu để làm thủ tục”- ông Nguyễn Cừ ở quận Ba Đình nói.
Dẫn chứng chuyện tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hình thức, Luật sư Ngọc Hà (Văn phòng Luật sư Đa Phúc) cho biết, tại Hà Nội, 3 quận huyện như Đông Anh, Long Biên, Sóc Sơn “dùng” chung một Chi nhánh Trợ giúp pháp lý đặt tại Đông Anh. Người dân ở nơi xa nhất của huyện Sóc Sơn phải mất tới 30 cây số mới đến được điểm trợ giúp miễn phí nêu trên. “Những người được trợ giúp miễn phí là đối tượng nghèo, già cô đơn... mà phải đi tới 30 cây số thì tôi e là phiền hà, chắc chắn là họ khó  có thể tiếp cận được việc trợ giúp” - Luật sư Hà nói. 
Người dân cần gì nhất?
Trước tình trạng vẫn còn chuyện tuyên truyền pháp luật chưa thực chất, Luật sư Hà kiến nghị: “Để Ngày Pháp luật hàng năm thực sự có ý nghĩa thì bản thân các cơ quan nhà nước trong hoạt động của mình cần thượng tôn pháp luật để người dân chấp hành, noi theo. Ngoài ra, nhân ngày đặc biệt này, giới Luật sư cần có sự tiên phong trong việc tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí bằng một kế hoạch cụ thể của các Đoàn Luật sư. Luật sư có thể kết hợp với các tổ chức, đơn vị để phổ biến, tuyên truyền về một mảng kiến thức luật pháp nào đó họ đang cần phải trang bị”.
Với tư cách là Luật sư đã tham gia tư vấn pháp luật miễn phí cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Luật sư Văn Điệp - (Công ty Luật TNHH Fanci, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang) cũng cho rằng: “Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhưng cần phải làm một cách bài bản, tránh hình thức. Hiệu quả nhất, theo tôi là kết hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để thông báo công khai đến các địa phương sẽ được tuyên truyền, phổ biến để người dân biết trước mà có sự chuẩn bị những vấn đề cần hỏi”.
Nhiều Luật sư cho biết, những vấn đề pháp luật mà người dân có nhu cầu thực sự nhất đó là: Việc bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, mục đích phát triển kinh tế; việc cấp sổ đỏ, người dân đa số bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền để quá thời hạn mà không cấp, và cũng không nói lý do tại sao không cấp, một số nơi đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi nhưng không đưa cho người được cấp nhằm mục đích gây khó khăn để người dân phải “làm luật” rồi mới trả cho người dân. 
Còn tại các khu công nghiệp, đa số công nhân không nắm được luật lao động. “Để tuyên truyền “trúng”, các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đơn vị cần nắm được nhu cầu của từng đối tượng như trên để pháp luật được phủ sóng nhiều hơn, thực chất hơn. Tuyên truyền đúng lúc sẽ tạo sự hứng thú cho người nghe”- Luật sư mong muốn.