Nhiều cơ quan được xử phạt báo chí là đi thụt lùi?

(PLO) - Dư luận không chỉ “dậy sóng” chuyện chồng chéo thẩm quyền khi cho phép nhiều cơ quan hành chính phạt báo chí mà đáng lo hơn là những cá nhân được phạt (như Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; Thanh tra viên, Chánh Thanh tra các ngành thống kê, giáo dục, khí tượng thủy văn, thuế)…làm sao có đủ chuyên môn để xử phạt báo chí?
Hình minh họa (internet)
Hình minh họa (internet)
Chuyên môn đâu mà “tuýt còi”?
Nhiều chuyên gia luật pháp nhận định một cách khách quan rằng, chắc chắn  phóng viên sẽ “lép vế” hơn nhiều khi đứng trước việc xử phạt từ cơ quan hành chính Nhà nước. Vì để bảo vệ uy tín của ngành mình, đơn vị mình, các cơ quan đó sẵn sàng tìm đủ cách để hợp lý hóa lập luận của mình. 
Điều này không phải là không có cơ sở khi mà hầu như cơ quan báo chí nào cũng đã đối mặt với những phản ứng của cá nhân, tổ chức về một thông tin hay nội dung bài báo. Dù bài báo có đưa đúng sự thật thì tâm lý người phản ứng bao giờ cũng bảo vệ cho quan điểm của mình. Trước đây, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Tòa án là cơ quan có thẩm quyền phân giải những khiếu nại liên quan đến bài báo. Thế nhưng, khi các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giáo dục, thống kê, khí tượng, thủy văn… đi vào cuộc sống với quy định cho phép nhiều cơ quan được phạt trực tiếp báo chí thì lo ngại xử ép nhà báo trong hoạt động báo chí sẽ như “nấm sau mưa”.
Không biết báo chí sẽ hoạt động như thế nào nếu ngành nào cũng ban hành Nghị định xử phạt hành chính, biến mình thành “pháo đài cấm” trước hoạt động thông tin của báo chí? Đáng ngại hơn, những cơ quan được phạt đó có chuyên môn gì về báo chí mà được ‘tuýt còi” báo chí? 
Đồng cảm với lo ngại này, GS.TS Thái Vĩnh Thắng - Trưởng khoa Luật Hành chính nhà nước (Đại học Luật Hà Nội) nhận định: “Hoạt động báo chí liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó chính là đặc thù của báo chí. Cũng chính vì thế, ngành nào người ta cũng quan tâm đến việc bảo vệ lợi ích của ngành đó, đặt ra mức xử phạt cho hành vi đưa thông tin sai sự thật nhằm ngăn cản thông tin báo chí có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, của lĩnh vực mình. Nhưng sự thật thì ngành nào cũng chỉ hiểu sâu lĩnh vực đó thôi, ví như thống kê chỉ có thể phạt người báo cáo, thống kê các con số sai, chứ “anh” có quản  báo chí đâu, có am tường gì báo chí mà phạt?”. 
Cũng theo GS.TS Thắng, việc phạt là của cơ quan khác, vừa có đủ chuyên môn, vừa khách quan hơn, nhưng trên hết, báo chí cần có những đặc quyền nhất định. 
Đừng kéo lùi sự tiến bộ
Nhiều tình huống đã được tiên liệu sẽ gây khó khăn, lúng túng cho chính lực lượng thanh tra chuyên ngành. Giả sử ra quyết định xử phạt rồi nhưng phía bị phạt là cơ quan báo chí không “tâm phục, khẩu phục”, không nộp phạt thì giải quyết thế nào? Hay chẳng hạn như trong lĩnh vực thống kê, có nhiều cơ quan, Bộ, ngành cung cấp những con số khác nhau cho báo chí dựa trên những cách thống kê, tiếp cận khác nhau thì phạt nhà báo liệu có chính xác? 
“Lấy ví dụ như thống kê số tai nạn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thể cho ra một con số ít hơn số tai nạn thực so với thống kê của các bệnh viện; nếu phóng viên sử dụng các con số thống kê “vênh” nhau này cũng bị phạt hay sao? Nếu thế thì không thỏa đáng vì phóng viên bao giờ cũng phải có nguồn tin, căn cứ thông tin mà việc con số không khớp nhau là do cách thống kê chứ đâu phải lỗi của phóng viên?” - Luật sư Ngọc Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội) nêu tình huống.
Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần có một cơ chế giải quyết nhằm đảm bảo nguyên tắc pháp chế, đảm bảo quyền lợi cho các bên, đó là giải quyết bằng con đường Tòa án. “Nếu vấn đề cơ quan chủ quản nói thông tin sai sự thật, nhưng nhà báo nói đúng sự thật, một bên đòi phạt, một bên không chịu nộp phạt thì cần phải có  sự phân định ở đây, mà cơ quan phân định phải là tòa án, chứ không phải cơ quan có khiếu nại lại chính là cơ quan phạt được. 
Những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của tòa án thì trả cho tòa chứ không được hành chính hóa các quan hệ dân sự. Như thế là kéo tụt sự tiến bộ của nhân loại, vì khi chưa có Tòa án thì tất tật mọi việc phán xử, xử phạt đều trong tay “ông” Chủ tịch UBND, nay có tòa rồi thì phải để cho tòa xét xử. Trong yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, những vấn đề phạt nhiều tiền là ảnh hưởng đến vấn đề sở hữu, quyền tài sản thông  thường phải tòa án giải quyết mới thỏa đáng. 
Chính phủ cần rà soát lại quy định mức phạt, nếu cao thì phải giao cho cơ quan tài phán xét xử, còn cơ quan hành chính chỉ phạt nhỏ, có tính chất răn đe, kỷ luật, xứng với hành vi hành chính, chứ không thể phạt khoản tiền lớn vì nếu không có phán xử thì không thể đảm bảo quyền lợi của các bên”- GS.TS Thắng kiến nghị. 
Cũng đồng quan điểm này, Luật sư Ngọc Hà cho rằng, trong trường hợp vi phạm gây hại nhỏ thì ngành có thể xử lý được, còn những hành vi được định bằng giá trị vật chất lớn, phạt lớn thì cần thiết phải thông qua tòa án vì thủ tục tố tụng đảm bảo quyền lợi các bên. Nhưng với riêng hành vi vi phạm liên quan đến đưa thông tin của báo chí thì thanh tra chuyên ngành chỉ nên lập biên bản gửi cho Tòa án giải quyết những hành vi phạt tiền cao để đảm bảo sự bình đẳng của các chủ thể trong quan hệ. 
Còn những hành vi phạt tiền không lớn thì thẩm quyền của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông - đơn vị  quản lý đội ngũ phóng viên - xử lý. Lúc đó, xử phạt mới thực chất là biện pháp kỷ luật. 
 “Nếu vấn đề cơ quan chủ quản nói thông tin sai sự thật, nhưng nhà báo nói đúng sự thật, một bên đòi phạt, một bên không chịu nộp phạt thì cần phải có  sự phân định ở đây, mà cơ quan phân định phải là tòa án, chứ không phải cơ quan có khiếu nại lại chính là cơ quan phạt được. Những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của tòa án thì trả cho tòa chứ không được hành chính hóa các quan hệ dân sự”- GS.TS Thái Vĩnh Thắng kiến nghị.