Rắc rối từ công trình thủy điện xây không hết đất tại Gia Lai

(PLO) - Dự án thu hồi đất nhưng không sử dụng đến đã nảy sinh tình huống rắc rối: trả lại đất cho người đã bị thu hồi hay đưa cho chính quyền quản lý?.
Rắc rối từ công trình thủy điện xây không hết đất tại Gia Lai
Phản ánh đến Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc (trú tại thôn An Điền Nam 1, xã Cửu An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) cho biết, dự án Thủy điện 7 - Thủy điện An Khê-Ka Nắk trên địa bàn thị xã An Khê thu hồi một số diện tích đất của ông. Gia đình đã nhận tiền đền bù đất từ năm 2006. 
Đến năm 2011, nhân giải quyết một tranh chấp đất của ông Ngọc với một cá nhân khác, UBND thị xã An Khê đã có quyết định liên quan đến mảnh đất đã bị thu hồi: “Ban Quản lý dự án Thủy điện 7 không sử dụng hai thửa đất số 35, 43 tờ bản đồ số 01, tổng diện tích 19.721,21m2 để xây dựng công trình. Đề nghị Ban Quản lý dự án Thủy điện 7 giao trả lại đất cho ông Nguyễn Ngọc sử dụng”. Đất thu hồi để dự án xây dựng hạng mục bãi thải.
Cũng nội dung này, sau đó UBND tỉnh Gia Lai có Quyết định nêu rõ: “Ban Quản lý dự án Thủy điện 7 không sử dụng thửa đất 35, 43 để phục vụ mục đích thu hồi và việc triển khai công trình cũng không gây ảnh hưởng đến quá trình sử dụng đất của ông Ngọc (hiện trạng vườn bạch đàn của ông Ngọc phát triển tốt và chuẩn bị cho khai thác)”. Nhận định như vậy là vì từ khi có Quyết định thu hồi đến nay, gia đình ông Ngọc vẫn sử dụng mảnh đất để trồng cây bạch đàn.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Ban Quản lý dự án Thủy điện 7 có văn bản trả lại quỹ đất không sử dụng, nhưng khác với kiến nghị của UBND thị xã An Khê là giao trả lại đất cho ông Ngọc sử dụng, UBND tỉnh Gia Lai lại đề nghị trả lại để “cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi và quản lý theo quy định”. 
Đến nay, ông Ngọc chưa biết quan điểm của phía Thủy điện sau đề nghị trên như thế nào, nhưng theo ông biết thì từ trước đến nay Ban Quản lý dự án Thủy điện 7 không có văn bản nào đề nghị trả lại đất. “Ngay câu “đề nghị Ban Quản lý dự án giao trả lại đất” cũng cho thấy sự bị động, sự không hề biết mình cần phải trả lại đất. Phải chăng đây là sự áp đặt của chính quyền. Mặt khác, nếu phía Thủy điện có văn bản trả lại đất thì biết đâu lại phá vỡ mặt bằng tổng thể của công trình thủy điện, trái với quy hoạch đã được phê duyệt bởi cơ quan chức năng và dự toán công trình chi trả hỗ trợ đã phê duyệt?”, ông Ngọc băn khoăn.
Vì quyền lợi chính đáng của mình, ông Ngọc đề nghị nếu dự án trả lại đất thì phải trả lại cho chính ông - người đã vì lợi ích chung mà bàn giao đất, nay có nhu cầu sử dụng thì phải được ưu tiên nhận lại đất. Chính quyền không thể thu hồi để quản lý, trong khi người sử dụng đất rất cần đất để canh tác.
Nhận định về việc này, Luật sư Giáp Văn Điệp (Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang) cho rằng, trong trường hợp này nếu dự án thủy điện trả lại đất, UBND thị xã An Khê cần thu hồi để trả cho người có đất bị thu hồi, họ được ưu tiên vì có nhu cầu sử dụng; còn nếu chính quyền thu hồi để quản lý thì cần phải lập phương án sử dụng đất rõ ràng, sử dụng đất cho dự án nào, trên cơ sở đó UBND tỉnh mới có quyết định thu hồi đất chứ không phải cứ thấy thừa là thu hồi, quản lý. Hiện tại chính quyền chưa có phương án sử dụng đất. 
Với những phân tích trên, UBND tỉnh Gia Lai cần xem xét lại phương án thu hồi đất thừa từ dự án thủy điện nói trên, tạo điều kiện cho chủ đất cũ tiếp tục có đất sử dụng.