Rào cản cho mang thai hộ nhưng phải là "người thân thích"

(PLO) - Quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã mở ra cơ hội mới cho các cặp vợ chồng hiếm muộn mà người vợ không có khả năng mang thai vẫn có được đứa con mang cốt nhục của chính mình. Tuy nhiên…

Không chỉ đột phá trong tư duy làm luật, việc cho phép mang thai hộ sẽ mang hạnh phúc đến cho nhiều gia đình.
Không chỉ đột phá trong tư duy làm luật, việc cho phép mang thai hộ sẽ mang hạnh phúc đến cho nhiều gia đình.
Cánh cửa hẹp? 
Thực tế, nhu cầu nhờ mang thai hộ (MTH) của các cặp vợ chồng hiếm muộn là rất lớn. Bởi vậy, quy định cho phép MTH đã mở ra một cánh cửa đầy nhân văn với bao cơ hội về tình yêu, hạnh phúc cho các gia đình này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực y tế lẫn pháp lý, để thực hiện việc MTH thì về kỹ thuật y tế không phức tạp, thậm chí thông thoáng và đơn giản vì nhiều nước đã làm; nhưng ở Việt Nam lại khá phức tạp về mặt xã hội và pháp lý. 
Dưới góc độ nhà làm luật, việc quy định thủ tục pháp lý chặt chẽ, thận trọng như vậy là cần thiết, để ngăn chặn tình trạng “lách luật” để “sản xuất” trẻ em mang đi buôn bán, hoặc đẻ thuê để trục lợi. Tuy nhiên, theo ý kiến của các nhà tâm lý học, các nhà xã hội học thì quy định quá chặt chẽ đôi khi lại làm “cản trở” thiên chức thiêng liêng của các cặp vợ chồng hiếm muộn, khiến khát vọng chính đáng được làm cha mẹ của họ có nguy cơ trở thành “cánh cửa hẹp”.
Đơn cử như quy định người MTH phải là người thân thích cùng hàng với bên vợ hoặc chồng nhờ MTH nên thực tế sẽ có tình trạng không tìm được người MTH. Chia sẻ với PLVN, vợ chồng chị Nga (ở Ba Đình, Hà Nội) tâm sự, vợ chồng chị hiếm muộn, muốn nhờ người MTH nhưng ngặt nỗi gia đình anh chị đều neo người, không có người thân thích đủ điều kiện để “nhờ bụng”. 
“Tôi có người chị em kết nghĩa sẵn sàng MTH nhưng luật quy định phải là người có họ hàng thân thích, máu mủ ruột rà. Chẳng lẽ chúng tôi đành phải hy sinh thiên chức làm cha mẹ chỉ vì vướng ở ba chữ “người thân thích” kia” - chị Nga chia sẻ.
Bên cạnh đó, quy định về điều kiện được MTH cũng còn nhiều điểm chưa hợp lý. Chẳng hạn luật quy định cặp vợ chồng nhờ MTH phải đang không có con chung, điều kiện này dẫn đến cách hiểu rằng nếu vợ, chồng đã có con riêng nhưng đang không có con chung thì vẫn thuộc trường hợp được nhờ MTH. Trong khi đó, nếu vợ, chồng không có con riêng nhưng có con chung và con chung đó đã cho đi làm con nuôi, hoặc con chung bị mắc những căn bệnh hiểm nghèo thì lại không thuộc diện được nhờ MTH. 
Nhiều ý kiến cho rằng quy định điều kiện khắt khe đối với người MTH là nhằm đảm bảo cho tính nhân đạo được thực hiện một cách nghiêm túc nhất, nhưng cũng khiến quyền được làm cha mẹ của cặp vợ chồng vô sinh bị bó hẹp. 
Cần vận dụng linh hoạt
Thạc sĩ Hoàng Kim Chiến (Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp) cho rằng: “Sự thận trọng, dè dặt trong thời gian này là phù hợp và cần thiết vì vấn đề MTH còn quá mới ở nước ta. Quy định chặt chẽ tránh việc bị lạm dụng, lợi dụng, thương mại hóa hay tranh chấp giữa các bên. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật không quá cứng nhắc mà có thể linh hoạt, uyển chuyển. Hiện Bộ Y tế đang soạn thảo thông tư hướng dẫn cụ thể các trường hợp”. 
Chẳng hạn, đối với trường hợp cặp vợ chồng đã có con chung nhưng con bị bại não, mắc bệnh hiểm nghèo thì vẫn còn khả năng được xem xét việc MTH nhằm đảm bảo tính nhân văn của điều luật này. Một chuyên gia pháp lý cho rằng sự thận trọng, chặt chẽ của các quy định về MTH là cần thiết, nhưng chỉ nên tồn tại trong một thời gian nhất định. Qua thực tiễn, cần thiết phải có những bổ sung, điều chỉnh các quy định ở thời điểm phù hợp, tạo hạnh phúc thực sự cho các gia đình.
Để chế định MTH vì mục đích nhân đạo phát huy cao nhất giá trị nhân văn đúng như tên gọi của nó, TS Nguyễn Thị Lan (Trường ĐH Luật Hà Nội) cho rằng, pháp luật cần dự liệu những hệ quả có thể xảy ra trên thực tế. Người nhờ MTH có thể đối mặt với nhiều nguy cơ, thậm chí vì sự an toàn của đứa con tương lai, họ có thể bị phụ thuộc hoàn toàn vào người MTH hoặc những người liên quan. Người MTH có thể phải đối mặt với nguy cơ người nhờ MTH bỏ đứa con từ trước hoặc sau khi sinh do hôn nhân của họ rơi vào tình trạng trầm trọng, ly hôn, hoặc khi họ chết…
TS Lan nêu tình huống: Nếu khi sàng lọc trước sinh, thai nhi có vấn đề bất thường và cơ sở y tế chỉ định phải đình chỉ thai kỳ, bên nhờ MTH đồng ý nhưng bà bầu lại muốn giữ thai thì giải quyết như thế nào? Nếu văn bản thỏa thuận của hai bên bị coi là vô hiệu thì giải quyết hậu quả ra sao, đặc biệt là đối với đứa trẻ? Với hàng loạt vấn đề có thể phát sinh, các văn bản dưới luật cần quy định thật rõ ràng, cụ thể, chi tiết để việc thực thi thông suốt, dễ dàng. Bên cạnh đó, công tác tư vấn luật, y tế, tâm lý phải tiến hành đầy đủ, kỹ lưỡng, rõ ràng và chi tiết để các bên hình dung hết những vấn đề có thể xảy ra./.
TP.HCM: Bốn trường hợp đăng ký thực hiện MTH
Bộ Y tế lựa chọn phương án cho phép thực hiện MTH tại các bệnh viện: Phụ sản Trung ương, Từ Dũ, Đa khoa T.Ư Huế. Bệnh viện Từ Dũ là một trong ba bệnh viện đã nhận được 4 hồ sơ đăng ký được thực hiện kỹ thuật MTH, trong đó có một trường hợp tại TP.HCM và ba trường hợp là người dân các tỉnh thành khác.
Hiện nay, cả nước ta có hơn 20 cơ sở hỗ trợ sinh sản được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm. Chỉ tính riêng Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Phụ sản Trung ương, từ khi triển khai kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm tới nay đã giúp cho ra đời hơn 10.000 em bé. Đặng Chung.