Văn phòng Chính phủ đề nghị xử lý vụ xiết nợ tại Hải Dương

(PLO) - Văn phòng Chính phủ mới có văn bản đề nghị Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương  xem xét, xử lý vụ việc theo đơn tố cáo của anh Phạm Văn Thành (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương).
Con ông Khải kéo bộ sập gỗ ra khỏi nhà anh Thành vào chiều 8/5/2013 (ảnh do anh Thành cung cấp).
Con ông Khải kéo bộ sập gỗ ra khỏi nhà anh Thành vào chiều 8/5/2013 (ảnh do anh Thành cung cấp).
Chiều 8/5/2013, một số người trong gia đình ông Vũ Đình Khải (thôn Đông Giao, xã Lương Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương) đã đến nhà anh Phạm Văn Thành  lấy đi bộ sập gỗ để “xiết nợ”. Hành vi mang dấu hiệu “chiếm đoạt tài sản” này đã không bị xử lý vì Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an (CA) huyện Cẩm Giàng cho là “tranh chấp dân sự”.
Vụ chiếm đoạt tài sản bị “dân sự hóa”?
Chiều 8/5/2013, lấy danh nghĩa là chủ nợ, vợ chồng ông Khải cùng con trai và con rể đã lấy một bộ sập gỗ của anh Thành chở về nhà. Theo tố cáo của anh Thành thì lúc đó, anh không chấp nhận gán nợ bằng bộ sập gỗ này nhưng đã bị ông Khải và người thân của ông đe dọa. 
Thấy mình yếu thế nên anh Thành đã không dám chống lại mà chỉ lấy điện thoại ra để chụp lại cảnh chiếc sập gụ bị kéo đi. Sau đó, anh Thành đã có đơn tố cáo hành vi “xiết nợ” (bộ sập bằng gỗ quý, trị giá 200 triệu) của vợ chồng ông Khải. 
Nhưng Công an huyện Cẩm Giàng lại cho rằng: “Không xác định được các dấu hiệu dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực” và kết luận: “Vụ việc không cấu thành tội phạm cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản”, đồng thời ra Quyết định “không khởi tố vụ án hình sự”.
VKSND huyện Cẩm Giàng và VKSND tỉnh Hải Dương đều lần lượt bác bỏ khiếu nại của ông Thành và “giữ nguyên quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT CA huyện Cẩm Giàng”.
Giả sử như CQĐT không xác định được gia đình ông Khải dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để uy hiếp tinh thần đối với anh Thành thì cũng cần phải xem xét hành vi của ông Khải và người thân về tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản”. 
Nhưng trong vụ việc này, CQĐT CA huyện Cẩm Giảng và VKSND huyện Cẩm Giàng đã không đả động gì đến tội danh trên mà chỉ hướng sang việc: không có hành vi “Cướp” hoặc “Cưỡng đoạt”. 
Lý giải với phóng viên về việc “bỏ lọt” như trên, ông Nguyễn Anh Dương – Kiểm sát viên VKSND huyện Cẩm Giàng cho hay: “Anh Thành chỉ tố giác về tội “Cướp tài sản” và “Cưỡng đoạt tài sản” nên chúng tôi chỉ trả lời liên quan đến 2 tội này”. 
Phóng viên chất vấn thêm: “VKSND còn có chức năng kiểm sát điều tra, giải quyết khiếu nại để đảm bảo không bỏ lọt bất kỳ một tội phạm nào, tại sao lại chỉ đối chiếu hành vi của ông Khải với 2 tội danh mà công dân tố giác ”;  đồng thời đề nghị VKSND huyện Cẩm Giàng cung cấp một số tài liệu để lý giải rõ hơn về việc giải quyết khiếu nại của mình. 
Tuy nhiên, ông Dương đã từ chối với lý do: “Đây là… bí mật điều tra. Chúng tôi chỉ có thể cung cấp thông tin cho báo chí như nội dung văn bản trả lời khiếu nại đối với ông Thành”.
Tình tiết “đồng ý” là sai sự thật
Khi anh Thành khiếu nại đến VKSND tỉnh Hải Dương, cơ quan này đã có văn bản trả lời với nội dung: “Do ông Thành chưa có tiền trả nợ nên vợ chồng ông Khải đồng ý lấy bộ sập gỗ Hương để trừ số tiền nợ 138.910.000đ, còn 20 triệu trả bằng tiền mặt”.
Nhưng anh Thành đã phản đối tình tiết này và cho hay, giữa anh và ông Khải không hề có thỏa thuận nào về việc gán nợ bằng bộ sập gỗ giá 138.910.000đ thì làm sao ông Khải có thể “đồng ý” được. Không hiểu VKSND tỉnh Hải Dương dựa vào đâu mà đưa tình tiết “đồng ý” vào đây, làm sai bản chất của vụ siết nợ này?.
Trao đổi với phóng viên về thắc mắc trên, ông Nguyễn Vũ Quang- Kiểm sát viên VKSND tỉnh Hải Dương thừa nhận: hai bên mới chỉ thỏa thuận với nhau về số nợ 158.910.000đ chứ chưa thống nhất được với nhau về phương thức trả cụ thể, chưa thống nhất được trị giá bộ sập gỗ thì đã xảy ra chuyện lấy bộ sập gỗ. Giấy nợ hiện nay vẫn là 158.910.000 đồng (do ông Khải giữ) chứ không phải là 20 triệu.
Như vậy, việc ông Khải lấy bộ sập trong khi chưa được sự đồng ý của anh Thành là đã rõ. Tại sao VKSND huyện Cẩm Giảng và VKSND tỉnh Hải Dương vẫn đồng ý với Kết luận của CQĐT CA huyện Cẩm Giàng là “tranh chấp dân sự”?. Chẳng lẽ các cơ quan này đều đồng tình với chuyện “xiết nợ”, thậm chí là người “xiết nợ” có lấy một tài sản giá trị hơn rất nhiều so với số tiền nợ cũng vô can?.
Rất may là chiều hôm đó đã không xảy ra xô xát, đánh nhau. Nhưng ông Vũ Xuân Bằng - Kiểm sát viên VKSND tỉnh Hải Dương lại cho rằng: “Anh Thành có điều kiện để ngăn cản việc lấy sập. Không thể để ông Khải lấy dễ dàng như thế được?”. Vậy thì trong trường hợp này, anh Thành phải xông ra đánh nhau và giành giật với người lấy sập gỗ của mình mới là cách hành xử đúng đắn?.
Bức xúc với cách trả lời của một số cơ quan bảo vệ pháp luật huyện Cẩm Giàng và tỉnh Hải Dương, anh Thành đã tiếp tục có đơn tố giác tội phạm và kêu cứu đến một số cơ quan. Ngày 8/11 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Giám đốc CA tỉnh Hải Dương xem xét, xử lý vụ việc theo quy định.