Yếu tố pháp lý trong "nghi án"10 "hiệp sỹ” giúp sức cưỡng đoạt tài sản

Công an quận 12 cho rằng ông Lộc chiếm đoạt tiền của ông Hiệp trái pháp luật thì với số tiền lên đến 240 triệu đồng, ông Lộc sẽ bị xử lý về một trong các tội chiếm đoạt tài sản, khi đó các “hiệp sỹ” cũng phải bị xử lý về tội này vì là đồng phạm với vai trò giúp sức. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cần xác định ý chí chủ quan của các “hiệp sỹ” trong vụ việc này, qua lời khai của các đương sự hoặc qua hành vi cụ thể chứng tỏ các “hiệp sỹ” đã dàn cảnh, đánh lạc hướng ông Hiệp, che chắn, tạo điều kiện cho ông Lộc lấy lại tiền…

Nhận được điện thoại của một người dân, các “hiệp sỹ” thuộc Câu lạc bộ (CLB) Phòng chống tội phạm Bình Dương đã lên kế hoạch giúp đỡ. Trong quá trình thực hiện, chính người nhờ “hiệp sỹ” giúp đã ôm tài sản biến mất.

Cơ quan Công an cho rằng có dấu hiệu “hiệp sỹ” tiếp tay cho hành vi “cưỡng đoạt tài sản” của người khác. Tuy nhiên, Luật sư thì nói chưa đủ cơ sở cho thấy các “hiệp sỹ” giúp sức cho người kia “lén” ôm 240 triệu đồng rồi biến mất.

Hiệp sỹ phường Phú Hòa, Bình Dương bắt hai tên trộm
 10 “hiệp sĩ” vướng nghi án “cưỡng đoạt tài sản”?
Theo Công an quận 12, khoảng 9 giờ ngày 17/8, anh Nguyễn Thanh Hải (Đội trưởng Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa) nhận điện thoại của một người tên Đinh Đắc Lộc. Người này cho hay biết được số điện thoại anh Hải trên mạng nên nhờ giúp đỡ. Trưa cùng ngày, Lộc lên Bình Dương và cho biết tháng 8/2011 có cho một người thuê chiếc xe Innova mà không thấy trả. Đến nay, có người gọi điện cho Lộc bảo muốn chuộc xe thì đưa 240 triệu đồng. Nghi ngờ người này “làm tiền” mình, anh ta nhờ các hiệp sĩ giúp đỡ. 
Tối hôm đó, Lộc gọi điện anh Hải và báo địa điểm “giao dịch” là ngã 4 Bình Phước. Anh Hải phân công cho hai người trong đội đi cùng Lộc, còn mình cùng nhóm còn lại theo sau nhưng Lộc lại gọi điện báo chuyển cuộc gặp đến CLB Lan Anh (quận 10, TP HCM). Đến nơi, Lộc cùng ba người đi vào tiệm áo cưới Uyên My, sau đó cùng anh Nguyễn Văn Hiệp (43 tuổi) đến quán cà phê trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Khoảng 30 phút sau, anh Hải được Lộc báo đã giao 240 triệu đồng cho Hiệp và chị Huỳnh Thị Mai Phương (35 tuổi, Tân Bình).
Khi đến ngã 4 Song Hành trên quốc lộ 22, anh Hiệp dừng xe hút thuốc thì có khoảng 10 người trong nhóm hiệp sĩ SBC ập đến mời hai người về phường làm việc. Khi đến trụ sở công an phường Trung Mỹ Tây thì anh Hải vào nói chuyện với trực ban. Vợ chồng Hiệp theo sau trong khi xe máy có chứa tiền trong cốp để bên ngoài được một thanh niên trong nhóm anh Hải trông chừng. Sau đó, một công an phường đi ra và nói “ở đây không có chức năng để xử lý vụ việc dân sự”. Cùng lúc chị Phương nhìn thấy Lộc mở cốp xe mình, lấy túi tiền rồi lên ôtô tẩu thoát.
Được biết, Lộc cũng đưa cho anh Hải xem giấy tờ xe, hợp đồng cho thuê xe và cho biết đã rút 240 triệu đồng để chuộc xe vào tối cùng ngày, sợ kẻ giữ xe đem ôtô sang Campuchia bán nên không dám báo công an.
"Theo kinh nghiệm của chúng tôi, có khả năng đây là vụ tống tiền nên nhận lời giúp Lộc với động cơ trong sáng, không tư lợi." Anh Hải kể, theo kế hoạch, nhóm hiệp sĩ chia thành 2 nhóm. Một đi chung với Lộc để bảo vệ số tiền 240 triệu đồng, nhóm còn lại bám theo sau. 21 giờ cùng ngày, Lộc hẹn tại ngã tư Bình Phước (quận Thủ Đức, TP.HCM), sau đó chuyển địa điểm về một tiệm cho thuê đồ cưới ở quận 10. Tại đây, Lộc đi một mình vào trong khoảng 20 phút, sau đó ra quán cà phê, ngồi chung bàn với hai nam, một nữ và trao đổi. Sau khi rời quán, Lộc nói đã đưa tiền theo yêu cầu nên một hiệp sĩ đi cùng Lộc để lấy ôtô. Biết cặp nam nữ ngồi chung với Lộc giữ tiền nên các thành niên trong đội bám theo.
23 giờ cùng ngày, tới địa bàn phường Trung Mỹ Tây, quận 12, Lộc điện báo đã thấy ôtô nhưng nhiều phụ tùng đã bị tráo. Anh Hải yêu cầu Lộc lái xe về trụ sở công an phường trình báo, đồng thời yêu cầu đôi nam nữ đang giữ tiền về công an phường Trung Mỹ Tây làm việc nhưng cán bộ trực từ chối tiếp nhận và cho rằng việc xảy ra ở đâu, đem về đó giải quyết hoặc để ông Lộc và đôi nam nữ tự giải quyết. Thấy vậy, tôi cùng anh em bỏ về” - anh Hải kể.
Ngày 6/9, Công an quận 12 đã gửi giấy triệu tập 10 thành viên đội Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa để làm rõ đơn tố “Cưỡng đoạt tài sản” của anh Hiệp; vì công an cho rằng 10 hiệp sĩ SBC bị triệu tập vì “tạo điều kiện cho người khác chiếm đoạt tiền rồi bỏ trốn”. Còn nhóm khẳng định, hoạt động với tư cách hiệp sĩ đường phố giúp dân ở bất cứ đâu khi được nhờ. Có ai “cưỡng đoạt tài sản” người khác rồi đem vào trụ sở công an nhờ giải quyết? Anh Hải cũng đặt vấn đề: “Ngay trong đêm chuyển đến công an phường Trung Mỹ Tây, vợ chồng người kia không hề phản ứng. Nếu chúng tôi phạm pháp, đấy là thời điểm thuận lợi nhất sao họ không tố cáo?”. 
Chưa thể quy kết các “hiệp sỹ” giúp sức…

Về vấn đề này, Luật sư Trần Ngọc Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ: Mục đích thành lập CLB là tốt đẹp, do đó nếu các thành viên hoạt động theo đúng định hướng này thì việc duy trì và phát triển mô hình các đội này là rất đáng khích lệ.

Càng nhiều người trực tiếp đấu tranh chống tội phạm thì cái xấu càng bị trấn áp chứ không nên chỉ dựa vào công an; Bởi việc chống tội phạm là của toàn xã hội và lực lượng công an không thể có mặt khắp mọi nơi trong khi tội phạm thì lại hoạt động lén lút, bất ngờ.

Về mặt pháp luật, căn cứ để thành lập những CLB phòng chống tội phạm trước tiên là Sắc lệnh số 102/SL/L004 (20/5/1957) ban hành Luật quy định quyền lập hội, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP (21/4/2010) và Nghị định sửa đổi số 33/2012/NĐ-CP (13/4/2012) quy định về tổ chức, hoạt động và tổ chức hội. Theo quy định tại những văn bản này, những công dân cùng sở thích, mục đích tập hợp nhằm tự nguyện phòng chống tội phạm mà không vụ lợi, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cộng đồng thì có thể cùng nhau thành lập CLB phòng chống tội phạm, hoạt động tại địa phương phường xã, trong tỉnh hay trên toàn quốc tùy theo số lượng hội viên tham gia và việc đăng ký thành lập. 

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương trao tiền để sắm mô tô cho các “hiệp sĩ”
Do đó nếu các hội viên CLB hoạt động đúng điều lệ của hội, không vụ lợi, tự nguyện đấu tranh với tội phạm bằng những cách thức, hành động hợp pháp thì không có gì gọi là vượt quá chức năng của CLB cả, và cũng không lấn sân của công an vì phòng chống tội phạm cũng là nghĩa vụ của mọi công dân, tất nhiên là phải phù hợp với tình huống thực tế. Vấn đề quan trọng là các thành viên CLB phải tuân thủ pháp luật khi thực hiện hoạt động của mình, phải biết hành động nào là hợp pháp hay không hợp pháp.
Bên cạnh đó, cũng cần lường trước khả năng danh nghĩa của CLB bị lợi dụng, lạm dụng để trục lợi hay thể hiện uy lực, dần dần biến tướng thành bảo kê, băng nhóm… Vì vậy, UBND đã quyết định cho phép thành lập loại hình CLB này tại địa phương mình phải thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các hội viên và chỉ đạo cơ quan công an, UBND cấp huyện, xã giám sát, quản lý các CLB. 
Theo Luật sư Hải, việc một số hội viên CLB sau khi bắt được người vi phạm pháp luật rồi sau đó mời phóng viên các báo đến để cung cấp thông tin, nếu không có các tình tiết đặc biệt nào khác, thì không vi phạm pháp luật vì những thông tin này không phải là thông tin mật hay hạn chế phổ biến, và cũng không trái thẩm quyền bởi vì thật ra không có vấn đề thẩm quyền của CLB ở đây.
Các hội viên CLB, cũng như người dân bắt tội phạm đều có thể thông tin đến tổ chức truyền thông, còn việc đưa tin, đăng hình ảnh thế nào cho đúng quy định của pháp luật hoặc tránh xâm phạm nhân thân, đời tư của đương sự là thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan báo, đài. 
Theo thông tin đăng trên các báo thì còn nhiều chi tiết phải được làm rõ trước khi vụ việc được kết luận.
Nếu theo quan điểm của Công an quận 12  cho rằng ông Lộc chiếm đoạt tiền của ông Hiệp trái pháp luật thì với số tiền lên đến 240 triệu đồng, ông Lộc sẽ bị xử lý về một trong các tội chiếm đoạt tài sản, khi đó các “hiệp sỹ” cũng phải bị xử lý về tội này vì là đồng phạm với vai trò giúp sức. Tuy nhiên, yếu tố lỗi trong các tội này là lỗi cố ý.
Vì vậy cơ quan điều tra cần xác định ý chí chủ quan của các “hiệp sỹ” trong vụ việc này, qua lời khai của các đương sự rằng họ có bàn bạc như vậy với ông Lộc, hoặc qua hành vi cụ thể chứng tỏ các “hiệp sỹ” đã dàn cảnh, đánh lạc hướng ông Hiệp, che chắn, tạo điều kiện cho ông Lộc lấy lại tiền…
Với những chi tiết hiện nay, các “hiệp sỹ” đã mời hai bên ông Hiệp và ông Lộc về Công an phường Trung Mỹ Tây để giải quyết vụ việc và ông Lộc thừa lúc mọi người không để ý đã lấy lại tiền từ xe ông Hiệp, thì chưa đủ cơ sở cho rằng hội viên CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa hôm đó đã giúp sức hay tạo điều kiện cho ông Lộc. Mặt khác cũng cần làm rõ chi tiết chuộc xe của ông Lộc từ ông Hiệp như thế nào, để xác định có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản hoặc chiếm giữ trái phép tài sản hay không ở phía ông Hiệp, bởi theo thông tin có được thì chiếc xe Inova là của ông Lộc, ông Hiệp không nhận cầm cố hay thế chấp từ ông Lộc nhưng lại yêu cầu đưa tiền để chuộc xe.
Nếu việc ông Hiệp nhận số tiền 240 triệu từ ông Lộc là trái pháp luật thì ông Lộc không chiếm đoạt tiền của ông Hiệp vì đây vẫn là tiền của ông Lộc. 
 Trần Tố - Đăng Đạt

Đọc thêm