TS. Ngô Xuân Hà: “Không phân biệt công - tư sẽ tạo đột phá cho các Trường phát triển“

(PLO) - Một trong những điểm nhấn của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học vừa được Quốc hội thông qua là chính sách không phân biệt trường công hay trường tư. Theo đó, các trường đều có cơ hội phát triển bình đẳng. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn TS. Ngô Xuân Hà, Hiệu trưởng Trường đại học Thành Đô, một trong những trường ngoài công lập đã và đang có những thay đổi theo chính sách mới để hiểu thêm về vấn đề này.
Ts. Ngô Xuân Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô
Ts. Ngô Xuân Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô

Đào tạo theo "đơn đặt hàng” giúp cho doanh nghiệp chủ động nguồn nhân lực

PV: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Là một trường đại học nên Trường Đại học Thành Đô sẽ chịu tác động của Luật này. Vậy, nhà trường mong đợi gì sau khi Luật được Quốc hội thông qua?

TS. Ngô Xuân Hà : Hiện nay có một nghịch lý là sau khi được đào tạo đại học, sinh viên ra trường không tìm được việc làm, trong khi đó các doanh nghiệp lại không tuyển được lao động đáp ứng nhu cầu của sản xuất. Do đó, nhu cầu cấp thiết hiện nay là giải quyết mối quan hệ giữa doanh nghiệp (DN) và nhà trường (NT). Việc trường đại học và doanh nghiệp gắn kết với nhau trong đào tạo theo một mô hình thích hợp là nhu cầu tất yếu và cấp thiết hiện nay cũng như trong tương lai. Nói cách khác, mô hình gắn kết giữa trường đại học với doanh nghiệp là sự kết nối quan hệ cung - cầu lao động đang diễn ra trên thị trường lao động.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng mối quan hệ giữa NT và DN ở nước ta hiện nay chưa có gắn kết chặt chẽ bắt nguồn từ sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về lợi ích và thế mạnh của nhau. Ngoài ra, cũng do chưa quy định đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng để có sự điều tiết ở tầm vĩ mô, tránh tình trạng dư thừa hoặc khan hiếm nhân lực. Chúng tôi mong rằng những quy phạm pháp luật về chính sách gắn đào tạo với việc sử dụng lao động có tính khả thi và tính hiệu quả cao, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau, cùng nhau phát triển và duy trì mối gắn kết giữa DN và NT.

Mô hình đào tạo theo địa chỉ hay đào tạo theo đơn đặt hàng đã và đang rất thành công ở nhiều nước công nghiệp phát triển trên thế giới, nhất là ở Châu Âu.

TS. Ngô Xuân Hà (hàng đầu, bìa phải), tại một Hội thảo về công tác giáo dục
TS. Ngô Xuân Hà (hàng đầu, bìa phải), tại một Hội thảo về công tác giáo dục 

Thuận lợi cho sinh viên khi học tập theo mô hình này là: Sinh viên KHÔNG phải đóng học phí hoặc chỉ phải đóng một khoản phí rất thấp nhưng lại CÓ học bổng khuyến khích hỗ trợ học tập và CÓ việc làm tại doanh nghiệp đặt hàng ngay sau khi tốt nghiệp ra trường. 

Doanh nghiệp sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức đào tạo và đánh giá sinh viên. Còn sinh viên sẽ được học tập lý thuyết, thí nghiệm tại Trường; học thực hành, thực tập tại các công ty trong và ngoài nước và trên các thiết bị máy móc hiện đại của doanh nghiệp. 

Sinh viên được doanh nghiệp cam kết tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp ra trường.

Như vậy, mô hình “đào tạo theo đơn đặt hàng” giúp cho doanh nghiệp chủ động nguồn nhân lực được đào tạo bài bản theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp, phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Nhà trường được tăng cường mối quan hệ với doanh nghiệp trong việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng cập nhập các công nghệ tiên tiến hiện đại, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ áp dụng trong các doanh nghiệp.

Còn sinh viên không phải lo lắng về tài chính, được học tập kiến thức sát thực tế của chính doanh nghiệp nơi họ sẽ gắn bó lâu dài, được đào tạo kỹ năng mềm, văn hóa doanh nghiệp và được đảm bảo chắc chắn có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo. 

Đại học Thành Đô đã chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đào tạo "những gì thị trường sẽ cần".
Đại học Thành Đô đã chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đào tạo "những gì thị trường sẽ cần".

PV: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có nhiều điểm mới, trong đó có nêu sẽ không phân biệt công - tư. Vậy điều này có tác động như thế nào đối với nhà trường và nhà trường đã có bước chuyển động như thế nào để hội nhập và phát triển

TS. Ngô Xuân Hà : Nội dung chủ yếu của Luật giáo dục ĐH sửa đổi đã thống nhất điều chỉnh pháp luật đối với các trường ĐH công lập và ngoài công lập để thực hiện tối đa bình đẳng công tư. 

Các trường sẽ được tự chủ sử dụng một phần tài sản vào kinh doanh, cho thuê, liên kết nhằm mục đích phát triển giáo dục ĐH, theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển.

Đây là một thay đổi có tính đột phá. Không còn quy định mang tính chung chung, thiếu cụ thể, chính sách đầu tư không còn mang tính cào bằng nên tạo động lực phấn đấu cho các trường ĐH. 

Với Đại học Thành Đô, chúng tôi đã chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đào tạo "những gì thị trường sẽ cần". Cụ thể, đối với đội ngũ giáo viên: giáo viên phải là người hướng dẫn viên, phải được cập nhật công nghệ mới, sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực, truyền cảm hứng cho sinh viên. Với người học: người học tự chủ việc học của bản thân; được hỗ trợ môi trường học tập tiếp cận thực tế. Về chương trình đào tạo: các chương trình được thiết kế linh hoạt theo định hướng tích hợp giữa thực tập doanh nghiệp và đào tạo tại trường, cập nhật các công nghệ, kỹ thuật mới và hướng tới chuẩn đầu ra.

Chuẩn đầu ra của các chương trình phản ánh đầy đủ các yêu cầu tối thiểu về năng lực đối với người tốt nghiệp mà doanh nghiệp đang và sẽ cần trong tương lai. Về quản trị đại học, chúng tôi sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, tạo bước đi ban đầu hướng tới quản trị đại học 4.0. 

Một buổi Lễ trao Bằng dược sỹ đại học tại Đại học Thành Đô
Một buổi Lễ trao Bằng dược sỹ đại học tại Đại học Thành Đô 

Xin lấy 1 ví dụ cụ thể thực tế, nhà trường đã thay đổi chương trình đào tạo ngành du lịch. Theo đó, ngoài việc tăng thời lượng thực hành trong các môn học, sinh viên sẽ có 1 học kỳ thực tập tại doanh nghiệp. Đây là năm thứ 5 liên tiếp nhà trường triển khai chương trình học tập trải nghiệm tại doanh nghiệp cho sinh viên ngành du lịch, khách sạn, tiếng Anh du lịch. Nhà trường đã ký kết hợp tác với tập đoàn Sungroups, một trong những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam. Sinh viên có 1 học kỳ thực tập có hưởng lương tại Bà nà Hills. Các đối tác chiến lược của ĐH Thành Đô còn có Khách sạn Novotel thuộc tập đoàn Accor, Khách sạn Intercontinental 72 Lank Mark. Hàng năm Khoa cử sinh viên đến cơ sở liên kết để thực hiện việc thực tập và được các cơ sở này đánh giá cao về chất lượng đào tạo.

Trường Đại học Thành Đô đã thông qua các đối tác là các trường đại học Hàn Quốc để hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, ngày 24 tháng 8 năm 2018, Trường Đại học Thành Đô và Trường Đại học Tongmyong Hàn Quán đã ký văn bản hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc tại Hà Nội (Kbiz) tạo điều kiện cho các giảng viên, sinh viên từ 2 trường đại học sẽ được đến các doanh nghiệp thuộc hiệp hội Kbiz để thực tập tiếp thu các công nghệ mới và có nhiều cơ hội việc làm từ 500 doanh nghiệp của Hiệp hội KBiz. Bên cạnh đó các kỹ sư từ 500 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội sẽ đến 2 trường để hội thảo khi các danh nghiệp triển khai công nghệ mới và các yêu cầu về nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thực tế sản xuất trong nên công nghiệp 4.0, tham gia vào các chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, nhà trường đẩy mạnh triển khai các chương trình hội thảo, đối thoại giữa doanh nghiệp và sinh viên. Qua đó giúp sinh viên có định hướng về cơ hội việc làm, xác định rõ thái độ học tập để có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường cũng thường xuyên cử các GV tham gia đào tạo, tập huấn nghiệp vụ tại các đối tác của trường. Các chương trình này đặc biệt hữu ích, giúp GV tiếp cận, cập nhật các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp theo định hướng thị trường.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm