Theo tờ The Guardian, tuy 2 quan chức cảnh sát cấp cao đã bị kết án 17 năm tù, nhưng cho đến nay vẫn không có ai bị tuyên là thủ phạm giết bà Benazir Bhutto 10 năm trước.
Từ đầu mối Musharraf
“Đáng thất vọng và không thể chấp nhận được”, con trai trưởng Bilawal Bhutto Zardari của nữ cựu Thủ tướng đã tuyên bố như vậy sau khi tòa tuyên trắng án đối với 4 nghi can Taliban kể trên. Vụ án xét xử những người có liên quan tới cái chết của bà Benazir Bhutto là một trong những phiên tòa gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử Pakistan. Bởi cựu Tổng thống Pervez Musharraf chỉ bị tuyên là kẻ đào tẩu và bị tịch thu tài sản, cho dù ông bị nghi là chủ mưu vụ ám sát nữ cựu Thủ tướng Benazir Bhutto, người bị ám sát hôm 27-12-2007. Cho đến nay, kẻ đánh bom tự sát 15 tuổi Bilal là cái tên duy nhất được nêu có liên quan trực tiếp tới cái chết của bà Benazir Bhutto. Ngày 27-12-2007, sau khi vừa hoàn tất cuộc vận động tranh cử ở Rawalpindi, thì thiếu niên Bilal (được Taliban cử thực hiện vụ tấn công) tiếp cận đoàn xe của bà Benazir Bhutto, nổ súng vào nữ cựu Thủ tướng và kích nổ quả bom đeo trên người.
Một thập kỷ sau, cựu Tổng thống Pervez Musharraf đã khiến dư luận sửng sốt khi trả lời câu hỏi - liệu có nhân vật nào trong quân đội dính đến Taliban trong vụ ám sát bà Benazir Bhutto: Có khả năng, vì xã hội này bị phân cực về vấn đề tôn giáo." Và những nhân vật đó có thể liên quan đến cái chết của nữ cựu Thủ tướng. Nhưng ông Pervez Musharraf không đề cập tới bất cứ nhân vật cụ thể nào. Là Tổng thống xuất thân từ quân đội, nên tuyên bố kể trên của ông Pervez Musharraf đã gây xôn xao dư luận. Bởi lâu nay các lãnh đạo quân đội luôn bác bỏ bất kỳ giả định nào về sự đồng lõa của chính phủ trong các vụ tấn công của chiến binh thánh chiến. Ông Pervez Musharraf là cựu lãnh đạo quân sự Pakistan đầu tiên phải đối mặt với phiên tòa về tội phản quốc và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nước này, một cựu Tổng thống bị đưa ra xét xử.
Ông Bilawal Bhutto Zardari |
Theo giới truyền thông, tuy Tòa án chống khủng bố ở thành phố Rawalpindi vừa kết thúc (kéo dài 10 năm, với hơn 300 lần nghe 121 nhân chứng) vụ án tưởng như không thể có hồi kết, nhưng vẫn tạo ra những tranh cãi khác nhau. Bởi theo luật sư Saroop Ijaz, Tòa đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, khi cựu Tổng thống Pervez Musharraf vẫn sống và thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, nhưng lại trắng án trong cái chết của bà Benazir Bhutto. Hơn 4 năm trước (20-8-2013), Tòa án chống khủng bố ở thành phố Rawalpindi chính thức buộc tội ông Pervez Musharraf có liên quan tới vụ ám sát bà Benazir Bhutto. Khi đó 6 người cùng phải hầu tòa với ông Pervez Musharraf và giới báo chí không được phép vào phòng xét xử. Trong số 6 người kể trên có 4 nghi can là phiến quân Taliban và 2 quan chức cảnh sát cao cấp. Trong số 2 sĩ quan cảnh sát, có cảnh sát trưởng Rawalpindi lúc bấy giờ là ông Saud Aziz - phải hầu toà vì vi phạm nguyên tắc an ninh sau khi đột ngột thay đổi kế hoạch bảo vệ bà Benazir Bhutto.
Giới chuyên môn quan tâm tới lời khai của trợ lý lâu năm Mark Seighal của bà Benazir Bhutto và nhà báo Ron Suskind - ngày 25-9-2007 (3 tuần trước khi bà Benazir Bhutto kết thúc 8 năm lưu vong), cựu Tổng thống Pervez Musharraf đã gọi điện cho nữ cựu Thủ tướng để khuyên không nên về nước. Vì khi đó cả 2 nhân vật kể trên đều ở bên cạnh nữ cựu Thủ tướng, nên họ đều nghe bà Benazir Bhutto nói - ông Pervez Musharraf đe dọa và tuyên bố sẽ không chịu trách nhiệm về những gì sẽ xảy ra nếu bà về nước. Trước khi bị ám sát hôm 27-12-2007, bà Benazir Bhutto cũng từng tuyên bố, có một “thế lực đen tối” âm mưu giết hại và đó là quan chức tình báo cùng trợ lý của ông Pervez Musharraf. Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) từng đặt nhiều câu hỏi và khẳng định, ông Pervez Musharraf đứng sau vụ ám sát bà Benazir Bhutto.
Ông Pervez Musharraf phủ nhận việc đã gọi điện đe dọa bà Bhutto |
Nhận định khác nhau
Trước khi bị ám sát 10 năm trước, bà Benazir Bhutto từng bị mưu sát (18-10-2007) và nữ Thủ tướng đầu tiên của Pakistan luôn hoài nghi về cuộc điều tra do chính phủ của ông Pervez Musharraf tiến hành, nên đã đề nghị FBI (Mỹ) và Scotland Yard (Anh) giúp điều tra. Tuy không thể trở lại nắm quyền, nhưng cái chết của bà Benazir Bhutto đã tạo điều kiện thuận lợi cho chồng lên nắm quyền - giúp cựu Đệ nhất phu quân Asif Ali Zardari trở thành Tổng thống. Nhưng chồng bà Benazir Bhutto từng yêu cầu hoãn công bố kết quả điều tra vụ ám sát vợ mình. Theo thông báo hôm 30-3-2010 của ông Martin Nesirky, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc khi đó là ông Ban Ki-moon, cơ quan này sẽ hoãn công bố kết quả điều tra vụ ám sát bà Benazir Bhutto tới ngày 15-4-2010. Trong khi Liên hợp quốc hoãn công bố kết quả điều tra, một ủy ban của Quốc hội Pakistan đã chấp thuận bản tu chính Hiến pháp nhằm hạn chế bớt quyền hành của Tổng thống - quyền hành của Tổng thống được chuyển bớt cho Thủ tướng.
Dư luận Pakistan đã có những phản ứng khác nhau ngay sau khi ủy ban điều tra do ông Heraldo Munoz, Đại sứ Chile ở LHQ lãnh đạo (Uỷ ban Bhutto) công bố kết quả cuộc điều tra vụ ám sát bà Benazir Bhutto. Bởi theo bản phúc trình dài 65 trang công bố chiều 15-4-2010, Uỷ ban Bhutto khẳng định, chính phủ trung ương, chính quyền tỉnh Punjab và lực lượng cảnh sát thành phố Rawalpindi phải chịu trách nhiệm trước cái chết của bà Benazir Bhutto. Uỷ ban Bhutto cũng chỉ trích gay gắt cảnh sát địa phương trong việc xoá sạch dấu vết khiến công tác điều tra của các cơ quan chức năng rơi vào ngõ cụt. Cựu Giám đốc tình báo Pakistan Hamid Gul thực sự sốc khi thấy mọi người dọn dẹp hiện trường ngay sau khi vụ ám sát xảy ra - những vũng máu cùng bằng chứng có thể có như đầu đạn và mẫu ADN của kẻ đánh bom liều chết cùng nhiều dấu vết khác đã bị dọn sạch sẽ tại hiện trường.
Ông Pervez Musharraf và bà Benazir Bhutto |
LHQ bắt đầu điều tra vụ ám sát bà Benazir Bhutto từ hôm 1-7-2008 và người đứng đầu nhóm điều tra là Đại sứ Chile tại LHQ Heraldo Munoz. Đến tháng 6-2009, LHQ phải cử một ủy ban độc lập tới Pakistan để tái điều tra về vụ ám sát bà Benazir Bhutto bởi những người ủng hộ cố Thủ tướng không chấp nhận kết quả điều tra trước đó. Uỷ ban Bhutto chính thức hoạt động sau khi giới truyền thông đưa tin (23-6-2009), kẻ bị tình nghi lên kế hoạch ám sát bà Benazir Bhutto là Zainuddin đã bị bắn chết. Theo yêu cầu của Pakistan, tháng 6-2009, LHQ đã cử một ủy ban độc lập tới nước này để điều tra về vụ ám sát bà Benazir Bhutto. Trước đó (15-4-2008), Quốc hội Pakistan đã thông qua nghị quyết đề nghị LHQ điều tra vụ ám sát bà Benazir Bhutto. Pakistan và Mỹ từng cho rằng, chỉ huy Taliban Baitullah Mehsud đứng sau cái chết của bà Benazir Bhutto. Pakistan từng treo giải thưởng trị giá 50 triệu rupee cho ai cung cấp thông tin để bắt sống hoặc tiêu diệt Baitullah Mehsud. Mỹ cũng treo giải thưởng trị giá 5 triệu USD cho người cung cấp tin giúp bắt hoặc giết chết Baitullah Mehsud. Cảnh sát Anh cũng cho rằng, Taliban đứng sau vụ ám sát bà Benazir Bhutto và Baitullah Mehsud là nghi can lớn nhất.
Bà Benazir Bhutto là con gái cố Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto, là phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một quốc gia Hồi giáo, là Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Pakistan, là nguyên thủ quốc gia duy nhất trên thế giới sinh con khi đang tại nhiệm (năm 1988). Tuy làm Thủ tướng tới 2 lần, nhưng bà Benazir Bhutto luôn bị quân đội nghi ngờ vì có quan điểm thân phương Tây. Mặc dù bị Tổng thống Ghulam Ishaq Khan cách chức (6-8-1990), nhưng hơn 3 năm sau (19-10-1993), bà Benazir Bhutto tái cử và lãnh đạo nội các lần thứ 2.
Vợ chồng nữ cựu Thủ tướng Benazir Bhutto |
Và hơn 3 năm sau (5-11-1996), Tổng thống Farooq Leghari lại cách chức bà Benazir Bhutto với cáo buộc tham những, gia đình trị và ngấm ngầm phá hoại hệ thống tư pháp. Con trai trưởng Bilawal Bhutto Zardari tuy chưa 30 tuổi, nhưng đã là người lãnh đạo đảng PPP từ khi mới 19 tuổi (sinh tháng 9-1988). Nhiều người cho rằng, PPP muốn dựa vào người thân trong gia đình bà Benazir Bhutto để duy trì sự đoàn kết trong đảng./.