11 cách tham nhũng trong giáo dục

Tham nhũng trong giáo dục chủ yếu là tham nhũng nhỏ nhưng hậu quả vô cùng nặng nề. Chỉ riêng  tham nhũng trong xây dựng cơ bản, qua thanh tra 30 trường công, Thanh tra Chính phủ đã kết luận thất thoát 25 tỷ đồng.

Trước thềm Đối thoại Phòng chống tham nhũng lần thứ 7 với chủ đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục, các chuyên gia nhận định, tham nhũng trong giáo dục chủ yếu là tham nhũng nhỏ nhưng có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, gần như tới mọi gia đình.

Vì vậy, hậu quả xã hội của các hành vi tham nhũng trong giáo dục là khá nặng nề.

Bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Viện nghiêncứu quản lý T.Ư chỉ ra 11 hình thức, biểu hiện tham nhũng trong giáo dục.

Cụ thể là: tham nhũng trong xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước, dự án tài trợ nước ngoài, các chương trình mục tiêu quốc gia; tham nhũng từ các dự án mua sắm công; trong in ấn và phát hành sách giáo khoa; trong đề bạt, thi tuyển giáo viên; chạy danh hiệu, thành tích nhà trường; tiền thù lao, phụ cấp giảng dạy; tham nhũng từ việc chạy chọt để được phân lớp chọn, đứng lớp; chạy điểm, xin điểm và tiêu cực trong thi cử; tham nhũng trong chạy trường, chạy lớn; trong dạy thêm, học thêm; trong lạm thu phí.

Nhiều gia đình phải chi khoản tiền lớn cho việc học thêm của con
Nhiều gia đình phải chi khoản tiền lớn cho việc học thêm của con

Chỉ riêng  tham nhũng trong xây dựng cơ bản, qua thanh tra 30 trường công, Thanh tra Chính phủ đã kết luận thất thoát 25 tỷ đồng. Còn dự án mua sắm trang thiết bị dạy học giai đoạn 2002 – 2006, qua kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng đã làm thất thoát ngân sách của nhà nước 63 tỷ đồng.

 Riêng câu chuyện dạy thêm, học thêm, mặc dù đã có Quyết định về các trường hợp không dạy thêm, học thêm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo từ đầu năm 2007 nhưng có thể thấy đây vẫn là vấn nạn nhức nhối trong ngành Giáo dục.

Một khảo sát thực tiễn cho thấy, ở Việt Nam hơn 40% số hộ gia đình phải chi từ 10% trở lên trong tổng thu nhập cho học thêm của 1 cháu. Tương tự, có trên 25% số hộ phải chi từ 15% thu nhập và hơn 25% số hộ chi từ 20% thu nhập.

Đông đảo phụ huynh học sinh đã kiến nghị Bộ Giáo dục và đào tạo cần nhanh chóng xây dựng hệ thống đánh giá thường niên.

Đồng thời, các cơ sở giáo dục nên chủ động công khai thông tin và cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin khi người dân có yêu cầu.

Ở góc độ " người trong cuộc", Bộ Giáo dục và Đào tạo ngỏ ý  mong muốn các tổ chức xã hội tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của mình.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế.

Hoàng Thư

Đọc thêm