15 năm Long An trăn trở với dự án Nam Tân Tập

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để đi đến quyết định lựa chọn liên danh Cty CP Công nghệ Viễn thông (CNVT) Sài Gòn và Cty CP Khu Công nghiệp (KCN) Sài Gòn - Hải Phòng; trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với dự án Nam Tân Tập; Long An đã phải trải qua quá trình 15 năm đỏ mắt trải thảm đỏ tìm ra nhà đầu tư thực sự.
Long An đã mất quá nhiều công sức, tâm huyết với dự án Nam Tân Tập. (Phối cảnh dự án KCN Nam Tân Tập)
Long An đã mất quá nhiều công sức, tâm huyết với dự án Nam Tân Tập. (Phối cảnh dự án KCN Nam Tân Tập)

Đỏ mắt “trải thảm đỏ”

Dự án KCN Nam Tân Tập diện tích gần 245 ha tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc được Thủ tướng bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam theo Quyết định 1107/QĐ-TTg năm 2006.

Theo một báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh (BQLKKT), tại một số dự án trên địa bàn Long An, xảy ra tình trạng “nhà đầu tư ghim đất, chậm triển khai, kéo dài làm lãng phí tài nguyên đất đai gây bức xúc nhân dân; ảnh hưởng các nhà đầu tư thật sự muốn đầu tư; ảnh hưởng môi trường đầu tư và tiềm năng phát triển KTXH địa phương”.

Nam Tân Tập từng có quãng thời gian dài rơi vào trình trạng như trên, qua nhiều đời Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu… Từng có nhiều nhà đầu tư xin thực hiện, nhưng thiếu năng lực, không thực sự có ý định triển khai, khiến nhiều lần tỉnh phải chấm dứt thực hiện, thu hồi dự án. Dự án là “bài toán”, là nỗi trăn trở với nhiều đời lãnh đạo tỉnh.

Ví dụ như với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Rạnh, khi còn là Phó Chủ tịch tỉnh, từng ký quyết định thỏa thuận địa điểm để một DN đầu tư, nhưng lần lượt nhiều “nhà đầu tư” vẫn “mất hút”. Đến khi ông Rạnh đảm nhiệm chức Bí thư tỉnh, rồi về hưu, Nam Tân Tập vẫn chưa tìm được nhà đầu tư thực sự có tâm có tầm.

Trước 2014, dự án được Cty CP Đầu tư – Xây dựng Nhà Đại Hoàng Kim xin thực hiện. Từ tháng 8/2014, dự án được tỉnh thỏa thuận địa điểm cho Cty CP Kiến Phát lập thủ tục đầu tư. Nhiều lần được tỉnh tạo điều kiện, đôn đốc, nhưng 4 năm sau, Kiến Phát vẫn chưa tiến hành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, mới thực hiện quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000.

Tới cuối 2018, Kiến Phát bất ngờ xin để Cty CP Đầu tư An Kiến Phát “nhận chuyển giao tiếp tục triển khai dự án”. Một lần nữa tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, với mong muốn nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện dự án, tránh lãng phí tài nguyên quốc gia, phát triển KTXH địa phương, đầu 2019 UBND Long An có Văn bản 684/UBND-KT đồng ý kiến nghị trên.

Tháng 3/2019, BQLKKT có công văn hướng dẫn An Kiến Phát nộp hồ sơ, thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Nhưng mãi hơn hai tháng sau vẫn chưa nhận được hồ sơ của An Kiến Phát. Cực chẳng đã, ngày 30/5/2019, BQLKKT một lần nữa có văn bản gửi An Kiến Phát, thông báo khẩn trương nộp hồ sơ.

LS Nguyễn Ngọc Trâm (Đoàn LS TP HCM) nhận xét: “Xem xét các văn bản tỉnh gửi các DN từng có ý định đầu tư vào Nam Tân Tập, tôi nhận thấy Long An không chỉ “trải thảm đỏ”, chỉ còn thiếu điều năn nỉ, kiệu các nhà đầu tư lên vai nữa mà thôi”.

“Cả trăm cuộc họp đã diễn ra, cùng hàng trăm biên bản, văn bản, quyết định… Long An đã mất quá nhiều công sức, tâm huyết với dự án này; nguyên nhân vì chưa gặp được một nhà đầu tư thực sự”, LS Trâm nhận xét.

Không ưu ái hay bất công với bất cứ DN nào

Sau hàng chục năm có lúc rơi vào cảnh “chạy theo nhà đầu tư”, Long An đã rút kinh nghiệm khi tìm nhà đầu tư thực sự cho Nam Tân Tập.

Như PLVN đã phản ánh, theo Luật Đấu thầu và Nghị định 25/2020/NĐ-CP, Nam Tân Tập không thuộc trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Theo Luật Đất đai và Nghị định 148/2020/NĐ-CP, với Nam Tân Tập, tỉnh sẽ giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất (SDĐ) hay đấu thầu dự án có SDĐ. Theo Luật Đầu tư 2020, Nam Tân Tập thuộc trường hợp được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Dù vậy, Long An vẫn rất cẩn trọng, tiếp tục ban hành bộ tiêu chí và quy trình xét chọn DN làm nhà đầu tư dự án trước khi trình Thủ tướng. Có hai nhóm (gồm 5 nhà đầu tư) đề xuất được nghiên cứu dự án. Nhóm thứ nhất là Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (liên danh Cty CP CNVT Sài Gòn & Cty CP KCN Sài Gòn - Hải Phòng; Cty CP CNVT Sài Gòn; TCty Phát triển Đô thị Kinh Bắc); Nhóm thứ hai là Cty An Kiến Phát; Liên danh An Kiến Phát & Cty TNHH Hải Sơn.

Chỉ duy nhất Liên danh CNVT Sài Gòn & KCN Sài Gòn - Hải Phòng nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đúng hạn, đầy đủ.

Không chỉ thẩm định hồ sơ, Long An còn xem xét toàn diện các vấn đề của hai nhóm nhà đầu tư này. Trong cuộc họp ngày 28/12/2020, đại diện tỉnh khẳng định: “Đánh giá năng lực của các Cty, lãnh đạo tỉnh và các sở ngành đã rất cân nhắc”.

Với liên danh An Kiến Phát & Hải Sơn, tỉnh khẳng định “Hải Sơn đang triển khai khá nhiều dự án KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên hiện Cty chỉ triển khai được một phần diện tích đã được tỉnh giao”.

Sở Công Thương đưa ra con số cụ thể hơn: “Tổng diện tích tỉnh đã giao Hải Sơn triển khai trên địa bàn trên 2.000 ha, trong khi đó Hải Sơn chỉ mới triển khai được khoảng 500 ha. Thời gian qua lãnh đạo tỉnh đã rất đắn đo nếu giao Hải Sơn triển khai thêm các dự án; do diện tích các dự án đã giao cho Hải Sơn khá lớn, dàn trải và sẽ phân tán các nguồn lực”.

Với CNVT Sài Gòn & KCN Sài Gòn - Hải Phòng, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đi khảo sát các dự án của liên danh này. Đặc biệt với KCN Tràng Duệ - Hải Phòng, vốn đầu tư của 1 dự án trong KCN này đã bằng… tổng vốn thu hút được trên địa bàn Long An.

“Quyết định của Long An “chọn mặt gửi vàng” với liên danh CNVT Sài Gòn & KCN Sài Gòn - Hải Phòng như vậy là đúng luật, phù hợp thực tế, thuyết phục. Tỉnh đã không ưu ái, không đối xử bất công với bất cứ DN nào. Không ai có quyền bắt Long An phải chạy theo nhà đầu tư tại dự án Nam Tân Tập như trong hơn 10 năm trước đó nữa”, LS Trâm bình luận.

“Có một điều rất lạ trong sự việc này, là quyết định của Long An về lựa chọn nhà đầu tư Nam Tân Tập không nhận được khiếu nại, tố cáo nào. Thế nhưng vẫn có một số trang mạng đưa ra những luận điểm rất hời hợt, thiếu căn cứ pháp luật để đặt vấn đề “có phù hợp pháp luật” hay không, ưu ái DN này bất công với DN nọ…; là vô tình kìm hãm sự phát triển của Nam Tân Tập nói riêng và KTXH Long An nói chung, ngăn cản nguyện vọng chính đáng hợp pháp của chính quyền nhân dân Long An”, vẫn lời LS Trâm.

Bản thân những DN từng đề xuất được đầu tư dự án cũng đồng thuận với sự lựa chọn của tỉnh.

Với An Kiến Phát (vừa có tư cách là nhà đầu tư từng nghiên cứu Nam Tân Tập suốt 6 năm, vừa có tư cách tiếp tục muốn đăng ký đầu tư Nam Tân Tập), trước đó đã có Văn bản 1612//2020/CV-AKP kiến nghị một số vấn đề với Long An.

Tuy nhiên, ngày 31/12/2020, An Kiến Phát đã có văn bản 3112/2020/CV-AKP xin thu hồi Văn bản 1612//2020/CV-AKP, “thống nhất phương án Long An đã lựa chọn chủ đầu tư dự án Nam Tân Tập” (là liên danh CNVT Sài Gòn & KCN Sài Gòn - Hải Phòng); và “chân thành cảm ơn tỉnh đã quan tâm hỗ trợ An Kiến Phát”.

Đọc thêm