Chiều 23/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến, nghe trình bày Báo cáo công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Từ điểm cầu Nhà Quốc hội, trình bày Báo cáo công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, mặc dù tình hình an ninh, chính trị được bảo đảm, nhưng tình hình tội phạm gia tăng, ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới số vụ án tăng 2,1% so với năm 2020, trong đó, tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất (15,2%) chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai.
|
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác. |
Một số loại tội phạm phát sinh có liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, số vụ án xâm phạm trật tự xã hội tăng 6%; tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, tổ chức đánh bạc và tội phạm về ma túy xảy ra nhiều vụ với quy mô rất lớn. Dự báo sắp tới tình hình tội phạm sẽ phức tạp hơn sau COVID-19 do mất việc làm, không có thu nhập và các tranh chấp dân sự, kinh tế sẽ tăng.
Về một số kết quả công tác cụ thể, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, ngành Kiểm sát chủ động hạn chế các trường hợp khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm; bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam có đủ căn cứ, đúng pháp luật, hạn chế việc lạm dụng bắt, giam; chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên, vi phạm tố tụng và các trường hợp khởi tố, điều tra, truy tố oan, sai giảm dần và vượt các chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội. Đặc biệt, năm 2021, ngành Kiểm sát không để xảy ra trường hợp truy tố, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội.
Công tác điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có nhiều tiến bộ, các chỉ tiêu cơ bản đều vượt yêu cầu Quốc hội giao. Chất lượng kháng nghị bảo đảm, riêng tỷ lệ kiến nghị được chấp nhận đạt 99,6%, vượt 19,6% so với chỉ tiêu của Quốc hội.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, năm 2022, ngành sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và nâng cao các chỉ tiêu nghiệp vụ, nhất là các chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội. Nâng cao số lượng, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra nâng tỷ lệ giải quyết nguồn tin về tội phạm; triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030.
|
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. |
Thẩm tra Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận thấy, năm 2021, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân các cấp tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao cơ bản bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, đạt một số kết quả tích cực.
Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, các vụ án hành chính. Đã phát hiện và đề nghị loại 712 hồ sơ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù và tha tù trước thời hạn có điều kiện
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự; hạn chế đến mức thấp nhất việc Toà án trả hồ sơ điều tra bổ sung để khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới; phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao đánh giá cụ thể nguyên nhân và có giải pháp nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế.
Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, phấn đấu trong năm 2022 đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội; khẩn trương xem xét, giải quyết đối với số đơn tồn đọng của năm 2021, rà soát các trường hợp gần hết thời hạn giải quyết để ưu tiên xử lý trước, không để quá thời hạn luật định.
Theo Ủy ban Tư pháp, vẫn còn 16 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân. Công tác kiểm sát việc áp dụng, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn trong một số trường hợp còn chưa chặt chẽ, dẫn đến bị can phạm tội mới, bỏ trốn và phải ra lệnh truy nã. Trong kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án nhân dân chấp nhận giảm so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 67,8% và chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao (trên 75%).