Trong 16 văn bản trên có Nghị định số 23/2017/NĐ-CP ngày 13/3/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 162/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghị định được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ về báo cáo tài chính nhà nước có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018. Nghị định gồm 5 chương, 20 điều, ban hành kèm theo 04 phụ lục, quy định về nội dung báo cáo tài chính nhà nước; việc tổ chức thực hiện lập, công khai báo cáo tài chính nhà nước; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cung cấp thông tin phục vụ việc lập báo cáo tài chính nhà nước.
Nghị định số 26/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao nêu rõ Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại, gồm: Công tác ngoại giao, biên giới, lãnh thổ quốc gia, công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, quản lý các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao gồm có 30 đơn vị trực thuộc và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có 25 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 5 đơn vị là các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2017. Nghị định gồm 05 chương, 32 điều, quy định về chính sách tín dụng đầu tư của nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện, với các nội dung chủ yếu liên quan đến các quy định về: Nguyên tắc cho vay tín dụng đầu tư của nhà nước; kế hoạch tín dụng đầu tư của nhà nước; đối tượng, điều kiện, mức vốn cho vay và giới hạn cho vay; thời hạn, lãi suất, đồng tiền cho vay; thời hạn ân hạn; thực hiện giải ngân và thu nợ; bảo đảm tiền vay; trả nợ vay; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và gia hạn nợ vay; phân loại nợ và trích lập quỹ dự phòng rủi ro; xử lý rủi ro và thẩm quyền xử lý rủi ro; trách nhiệm của các cơ quan và khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam…
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 05/2017/QĐ-TTg ngày 16/3/2017 quy định về hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia nhằm đảm bảo khả năng sẵn sàng ứng phó với các cuộc tấn công thông tin mạng ảnh hưởng đến an toàn thông tin mạng quốc gia; nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia.
Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Quyết định được ban hành nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng; khắc phắc phục những hạn chế, bất cập do mô hình quản lý và hoạt động của các trạm thu phí bằng tay hiện nay không đáp ứng được nhu cầu phát triển; đảm bảo tiết kiệm chi phí, tăng tính minh bạch của hoạt động thu phí, giảm ô nhiễm môi trường, giảm hao mòn phương tiện giao thông; cung cấp thông tin cho công tác quy hoạch, quản lý nhà nước và đảm bảo cho nhà nước có công cụ để quản lý giao thông tốt hơn.