2 trẻ ngộ độc do ăn sữa chua tự làm

(PLVN) - Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam vừa qua tiếp nhận 2 trường hợp ngộ độc do ăn sữa chua tự làm tại nhà.

Các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nôn, mất nước, mệt, sốt nhẹ và đi ngoài lỏng nhiều lần, trong đó có một trẻ sốc giảm thể tích vì nôn ói và tiêu chảy nhiều.

Ngay sau khi tiếp nhận 2 bệnh nhi, các bác sĩ đã nhanh chóng cho trẻ truyền dịch, uống Oresol, men vi sinh và làm các xét nghiệm chẩn đoán.

Sau khoảng 1 tuần điều trị, tình trạng của 2 đã trẻ ổn định, không còn sốt, nôn, đi ngoài và lần lượt được xuất viện, tiếp tục theo dõi tại nhà.

Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần nhận biết, xử trí và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm để tránh các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt trong mùa hè này khi thời tiết nắng nóng, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật phát triển mạnh.

Cách nhận biết ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm có rất nhiều nguyên nhân, trong đó, hai “thủ phạm” chính là vi khuẩn và hoá chất trong thức ăn.

Ngộ độc thực phẩm do hoá chất ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ. Chẳng hạn, dùng thức ăn chứa nhiều hàn the, formol, thuốc trừ sâu, màu thực phẩm… người ăn phải sẽ mắc các bệnh mãn tính, thậm chí gây ung thư, biến đổi gen.

Tình trạng ngộ độc do vi khuẩn thường chiếm tỉ lệ cao hơn. Thực phẩm không được vệ sinh sạch sẽ là môi trường ủ bệnh của vi khuẩn. Các loại vi khuẩn thường phát triển ở môi trường giàu chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa…

Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm: Đau bụng, buồn nôn, nôn trớ, tiêu chảy; Ho, thở nhanh, khó thở, tím tái; Co giật, run tay chân, run giật cơ (ở mặt, ngực, đùi, cánh tay), yếu cơ sau đó là liệt cơ. Nặng hơn có thể liệt cơ hô hấp, rối loạn nhịp tim hoặc hôn mê. Ngoài ra còn có dấu hiệu tăng tiết đờm nhớt, dịch tiêu hóa, mồ hôi, nước bọt...

Khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm, cần gọi cấp cứu hoặc nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Trong khi chờ đợi vận chuyển đến cơ sở y tế nên: Để trẻ nằm nghỉ và theo dõi tình trạng mất nước (khát, li bì, niêm mạc miệng mũi khô, tiểu ít,…) của trẻ do ói mửa, tiêu chảy. Cho trẻ uống dung dịch Oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải.

Nếu trẻ sốt cao có thể dùng các thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol 10-15 mg/ kg/ lần x 4-6h/ lần (tối đa 0,5g/ lần và 2g/ngày). Ngừng việc sử dụng thức ăn, thuốc nghi ngờ gây ngộ độc, giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, phân, chất nôn, thuốc đã dùng để đi xét nghiệm và báo ngay cho cơ quan y tế.

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm như sau: Rửa tay sạch với xà phòng trước khi sử dụng đồ ăn uống. Bảo quản đồ ăn thừa và các loại thực phẩm khác được bọc kín trong tủ lạnh nếu chưa cần dùng đến. Đun sôi lại trước khi sử dụng.

Nấu thức ăn chín với nhiệt độ thích hợp và lưu trữ trong hộp sạch. Không để trẻ ăn uống mà không có sự giám sát của người lớn. Không sử dụng lại đồ ăn cũ có dấu hiệu bị hỏng. Kiểm tra kĩ thời hạn sử dụng của các thực phẩm đóng gói trước khi sử dụng.

Đọc thêm