Từ Nghị định...
Khác với nhiều nước trên thế giới, khi thị trường chứng khoán (TTCK) được hình thành và đi vào hoạt động một thời gian thì sau đó cơ quan quản lý thị trường mới xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh các hoạt động trên thị trường. Ở Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước được thành lập và xây dựng cơ chế chính sách cho TTCK trước khi thị trường chính thức đi vào hoạt động.
Nghị định 48/1998/NĐ-CP ngày 11/7/1998 của Chính phủ về chứng khoán (CK) và TTCK được xem là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng khung khổ pháp lý cho TTCK.
Trên cơ sở đó, Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành (thời kỳ này, UBCKNN là cơ quan thuộc Chính phủ). Các văn bản pháp lý này đã bước đầu tạo khung khổ pháp lý cho việc khai trương và đi vào vận hành TTCK ở Việt Nam từ tháng 7/2000 với sự ra đời của Trung tâm Giao dịch CK TP Hồ Chí Minh.
Năm 2003, sau một thời gian thị trường đi vào hoạt động, Nghị định 48/1998/NĐ-CP bộc lộ nhiều hạn chế do được xây dựng khi chưa có thực tiễn hoạt động của TTCK. Những bất cập trong khung khổ pháp lý cùng với một số nguyên nhân khác là những rào cản khiến TTCK non trẻ của Việt Nam không có nhiều chuyển biến mang tính bứt phá, khó phát triển được.
Trên cơ sở kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn quản lý hoạt động của thị trường, ngày 28/11/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 144/2003/NĐ-CP thay thế Nghị định 48/1998/NĐ-CP. Nghị định 144/2003/NĐ-CP cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo khung pháp lý tương đối đồng bộ về các hoạt động trên thị trường như phát hành, niêm yết, kinh doanh, giao dịch, công bố thông tin, xử lý vi phạm...
Tuy nhiên, trước yêu cầu của thị trường đòi hỏi phải nâng cao hiệu lực pháp lý của văn bản pháp luật về CK và TTCK, đồng thời để tạo được lòng tin cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được dòng vốn tạo đà phát triển cho thị trường, khắc phục mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản pháp luật có liên quan, thì vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu xây dựng, ban hành Luật CK.
... đến Luật Chứng khoán
Luật CK đã được xây dựng và được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành 01/7/2007. Đây là dấu mốc quan trọng nhất trong quá trình xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK, kể từ khi TTCK đi vào hoạt động.
Luật CK năm 2006 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, bảo đảm TTCK hoạt động công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả, giúp TTCK phát huy vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.
Nếu như năm 2006, TTCK chỉ có khoảng 200 công ty niêm yết với giá trị vốn hóa khoảng 221.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 22,7% GDP năm 2006), thì đến cuối năm 2019 đã có 1.662 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa thị trường đạt khoảng 4.384 nghìn tỷ đồng (tương đương 72,6% GDP năm 2019). Giá trị huy động vốn của doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp năm 2019 đạt đạt 102,8 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cả năm 2018. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD (tương đương 847.033 tỷ đồng).
Mặc dù đạt được những kết quả đáng kể, nhưng do TTCK Việt Nam vẫn còn đang trong quá trình hình thành và phát triển, có nhiều yếu tố mới phát sinh chưa được Luật CK điều chỉnh như phát hành CK riêng lẻ, phát triển một số loại CK mới...
Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện Luật đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, chưa thực sự phù hợp với thực tế cần sửa đổi, bổ sung như quy định về công bố thông tin, nghiệp vụ của tổ chức kinh doanh CK, hành vi vi phạm và xử lý vi phạm....
Để khắc phục những hạn chế này, đồng thời dần đưa TTCK Việt Nam hội nhập sâu rộng với các nước, ngày 24/11/2010, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CK, Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2011.
Luật CK và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ điều chỉnh toàn diện hoạt động CK và TTCK. TTCK ngày càng trở thành kênh thu hút vốn đầu tư dài hạn cho nền kinh tế; giảm khoảng cách chênh lệch giữa kênh tín dụng ngân hàng với kênh thị trường vốn, nhằm tăng cường vốn đầu tư xã hội.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của TTCK Việt Nam vẫn còn có những hạn chế, bất cập mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là khung khổ pháp lý về CK và TTCK chưa hoàn thiện.
Nội dung một số điều khoản của Luật còn chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn đến cách hiểu khác nhau và gây khó khăn trong áp dụng; một số điều khoản của Luật không còn hợp lý hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; Luật chưa quy định một số vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi cần phải thể chế hóa bằng Luật; một số điều khoản chưa tương thích với thông lệ quốc tế tốt, chưa phù hợp với yêu cầu và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế (như quy định về chào bán CK; công ty đại chúng; tổ chức thị trường giao dịch CK; các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn TTCK; tổ chức kinh doanh CK; thẩm quyền của UBCKNN trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm...)
Bên cạnh đó, một số quy định của Luật CK 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung 2010 đã không còn thống nhất, đồng bộ với quy định liên quan tại các văn bản quy phạm pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung như: Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo…
Trước những sửa đổi của các Luật, Bộ luật nêu trên, Luật CK còn thiếu những quy định mang tính đặc thù áp dụng cho lĩnh vực CK, để bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK.
Nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trong đó có vấn đề tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu các DNNN, việc sửa đổi, bổ sung Luật CK là cần thiết.
Ngày 26/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật CK số 54/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, thay thế Luật CK số 70/2006/QH11 và Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CK.
Theo Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng, Luật CK 2019 đã được sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ của quốc tế, tạo cơ sở, nền tảng pháp lý cho giai đoạn phát triển mới của TTCK.
“Sau khi có hiệu lực, Luật CK 2019 sẽ góp phần cải thiện chất lượng hàng hóa, chất lượng các doanh nghiệp trên TTCK, thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước trên TTCK, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường, tăng tính công khai, minh bạch, bảo đảm TTCK hoạt động bền vững, an toàn, chuyên nghiệp, hiện đại.
Không chỉ vậy, Luật CK năm 2019 còn tạo cơ sở để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tăng niềm tin của thị trường. Qua đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK, tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, góp phần nâng tầm TTCK Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trong tình hình mới...”
Chủ tịch UBCKNN Trần VĂn Dũng