2019 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại

(PLVN) - Các dự báo của nhiều trung tâm dự báo khí tượng thủy văn hàng đầu thế giới cho đến nay đều nhận định rằng: năm 2019 sẽ là một năm nóng, thậm chí là nóng nhất trong lịch sử quan trắc của nhân loại. Nguyên nhân được xác định là do tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino.
Hình minh họa
Hình minh họa

Nhiệt độ tăng trung bình 1,1 độ C

Tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu được tổ chức ở Ba Lan năm ngoái, các nhà khí tượng và các cơ quan dự báo khí tượng hiện đại nhất đều dự báo rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong năm 2019 dự kiến sẽ tăng 1,1 độ C, tức gần bằng với mức kỷ lục được xác lập năm 2016, khi nhiệt độ trung bình năm tăng 1,15 độ C so với giai đoạn trước. Nóng kỷ lục được dự báo sẽ diễn ra ở Anh, với nhiệt độ trung bình của năm 2019 tăng 0,96 độ C. Australia cũng được dự báo sẽ đón mùa hè năm 2019 trong nền nhiệt cao nhất từ trước đến nay.

Đặc biệt, một số dự báo cho rằng 2019, hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể biến 2019 thành năm nóng nhất trong lịch sử. Theo các nghiên cứu, năm 2018, thế giới ấm hơn 0,83 độ C so với mức nhiệt ở trước thời kỳ công nghiệp. Trong năm nay, mức tăng trung bình của nhiệt độ toàn cầu theo dự kiến là khoảng 1,1 độ C. Đây là kết quả từ tình trạng biến đổi khí hậu dưới tác động của con người. 

Ngoài hiện tượng ấm lên toàn cầu, sự ấm lên bất thường của Thái Bình Dương do hiện tượng tự nhiên tên El Nino cũng góp phần khiến nhiệt độ tăng cao trong năm 2019. Theo các nhà nghiên cứu, thông thường Thái Bình Dương hấp thụ nhiệt liên tục. Tuy nhiên, khi xảy ra hiện tượng El Nino, bề mặt Thái Bình Dương truyền nhiệt vào khí quyển, khiến không khí ấm lên, kéo theo nhiệt độ toàn cầu gia tăng.

Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia Anh cho biết, El Nino từng hoạt động mạnh từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, góp phần tăng nhiệt độ toàn cầu lên mức cao nhất trong giai đoạn này. Theo Trung tâm Dự báo Khí hậu tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), khả năng 90% hiện tượng El Nino sẽ hình thành và tiếp tục qua mùa đông ở Bắc bán cầu 2018 - 2019. 

Dấu hiệu về một đợt El Nino mạnh trong năm 2019 đã thể hiện rõ nét thông qua những đợt nóng bất thường được ghi nhận trên thế giới thời gian qua, đe dọa làm gia tăng ảnh hưởng của nhiệt độ không khí toàn cầu cũng như bất thường về khí hậu. Đáng lo ngại hơn, những tác động của hiện tượng tự nhiên này sẽ càng tồi tệ hơn khi nhiệt độ Trái Đất tiếp tục tăng do quá trình biến đổi khí hậu nhân tạo do hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người diễn ra không ngừng.

“Do ảnh hưởng của El Nino, năm 2019 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử”, bà Samantha Stevenson - một nhà khoa học khí hậu tại Đại học California của Mỹ - nhận định.

Thực tế đã cho thấy, chỉ mới đầu hè năm 2019 nhưng nhiều nơi trên thế giới đã hứng chịu những đợt nắng nóng lịch sử. Theo NOAA, trong những tháng vừa qua, nhiệt độ bất thường đã được ghi nhận ở nhiều khu vực tại Úc, miền bắc bán đảo Alaska, tây bắc Canada, miền nam Brazil, biển Barents, biển Tasman và Hoa Đông cùng nhiều khu vực khác.

Tại một số nước như Anh và Nga, vào mùa xuân vừa qua, người dân đã chứng kiến bầu không khí như mùa hè với nền nhiệt 25-26 độ C, chênh lệch tới khoảng 10 độ C so với thông thường.

Lo ngại về những hiện tượng thời tiết cực đoan

Tháng 11/2018, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) từng dự báo 2018 sẽ là năm nóng thứ 4 trong lịch sử được ghi nhận. Đến tháng 2 vừa qua, Liên hợp quốc xác nhận 4 năm vừa qua, bao gồm các năm 2015, 2016, 2017 và 2018, là 4 năm nóng nhất kể từ khi dữ liệu về nhiệt độ trên Trái Đất được ghi lại. Trong đó, từ so sánh dữ liệu về nhiệt độ từ thế kỷ 19, WMO cho hay, 2016 là năm nóng nhất trong lịch sử, sau đó đến các năm 2015, 2017 và 2018. 

Theo báo cáo của WMO, trong vòng 22 năm qua, có tới 20 năm nhiệt độ được đánh giá là nóng nhất trong lịch sử nhân loại. Trong khi đó, mức nhiệt được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo, tiệm cận mức nhiệt mà hầu hết các chính phủ đều coi là nguy hiểm cho Trái Đất. 

“Xu hướng nhiệt độ trong dài hạn quan trọng hơn nhiều so với xếp hạng của từng năm và đó là một xu hướng tăng. Mức độ ấm lên trong 4 năm qua là đặc biệt, cả trên đất liền và đại dương”, Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cảnh báo. 

Nhiệt độ tăng lên không chỉ làm mùa hè nóng hơn mà còn dẫn tới nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan và làm rối loạn chu kỳ khí hậu trong tự nhiên. Nó có thể làm thay đổi thời gian và địa điểm tuyết rơi hay mặt hồ đóng băng, thiết lập lại cách đại dương tuần hoàn. WMO cho hay, nhiệt độ tăng cao cũng góp phần gây ra một số hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, hạn hán và lũ quét.

“Nhiều sự kiện thời tiết cực đoan diễn ra trong thời gian qua tương đồng với những gì chúng ta đã được cảnh báo do biến đổi khí hậu. Đây là thực tế chúng ta cần phải đối mặt”, ông Taalas nói thêm.

Một báo cáo được công bố năm 2017 cho thấy khoảng 30% người dân trên thế giới phải chịu nhiệt độ và độ ẩm nguy hiểm ít nhất 20 ngày/năm. Theo phân tích này, nếu lượng khí nhà kính thải ra tiếp tục tăng ở tốc độ hiện tại, 74% dân số toàn cầu sẽ trải qua hơn 20 ngày có sóng dịch nguy hiểm, hay nói cách khác, cứ 4 người thì sẽ có 3 người bị ảnh hưởng bởi sóng nhiệt. WMO cảnh báo rằng sóng nhiệt dữ dội “đang trở nên thường xuyên hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu”. 

Hình minh họa
Hình minh họa

“Tác động dài hạn của biến đổi khí hậu đã có thể cảm nhận được rõ ràng qua những vụ lũ lụt ở các khu vực sát biển, các đợt nóng, lượng mưa và hệ sinh thái biến đổi lớn”, ông Gavin Schmidt - Giám đốc Viện nghiên cứu vũ trụ Goddard trực thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA) – nhận định. 

Bắc Cực cũng đang ấm dần lên ở tốc độ nhanh gấp đôi những nơi khác trên hành tinh. Việc tiếp tục mất băng và tuyết bao phủ sẽ gây ra những thay đổi lớn ở nhiệt độ không khí. Khí quyển sẽ ấm lên do không còn băng làm mát mặt đất. Theo báo cáo của NASA và NOAA, lớp băng trên biển ở Bắc Cực và Nam Cực đều đã đánh dấu mức thấp thứ 2 từng được quan sát. 

Hiện tượng ấm lên toàn cầu còn gây ra những cơn bão mạnh hơn và thường xuyên hơn. Một thống kê cho hay, số bão nhiệt đới trung bình ở Bắc bán cầu là 53 nhưng năm 2018, con số này là 70 cơn. Trong đó, trong năm qua đã xảy ra 14 thảm họa liên quan đến thời tiết gây tổn thất từ 1 tỷ USD trở lên. “Tổng cộng đã có 14 thảm họa đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 247 người, gây thiệt hại 91 tỷ USD. Khoảng 73 tỷ USD trong số này là do 3 bão Michael, bão Florence và các vụ cháy rừng ở phương Tây”, NOAA cho biết trong một tuyên bố.

Theo một báo cáo của Liên hợp quốc năm 2018, theo xu hướng hiện nay, nhiệt độ của Trái Đất có thể sẽ tăng hơn mức 1,5 độ C trong khoảng thời gian từ năm 2030 đến năm 2052, gây ra nhiều đợt nắng nóng, bão mạnh, hạn hán, lở đất, tuyệt chủng và mực nước biển dâng cao. 

Theo báo cáo, trong bối cảnh phần lớn thế giới vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, khí nhà kính sẽ tiếp tục được thải ra, khiến nhiệt độ trong khí quyển tăng cao. Ông Rowan Sutton - Giám đốc khoa học của Trung tâm Khoa học Khí quyển Quốc gia (NCAS) Mỹ cảnh báo, thế giới nhiều khả năng sẽ chứng kiến nhiều kỷ lục về nhiệt hơn trong những năm tới.

Tại Việt Nam, theo nhận định của Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, tình hình thời tiết thủy văn năm 2019 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, tố, mưa lớn cục bộ trong các tháng giao, mùa nắng nóng gay gắt kéo dài; bão, lũ có diễn biến bất thường; mưa lớn tập trung với cường độ mạnh, trong thời gian ngắn gây ngập úng cục bộ tại đô thị, vùng trũng thấp, ảnh hưởng đến sản xuất sinh hoạt và đời sống nhân dân.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ diễn ra khó lường về tần suất và thời gian xuất hiện, kéo theo các nguy cơ cao về sự cố thảm họa cháy nổ, sập, đổ công trình.

Trong đó, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông trong năm 2019 rơi vào khoảng từ 10 đến 12 cơn, trong đó có khoảng 4-5 cơn bão và thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của khoảng 1 -2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

Nhiệt độ trung bình năm nay được dự báo ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Về nắng nóng, trong năm 2019 dự báo có khoảng 5 đến 7 đợt nắng nóng từ 2 ngày trở lên. Nắng nóng chủ yếu tập trung từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 7. Toàn mùa dự báo có 1-2 đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất tuyệt đối phổ biến ở mức 38 đến 40 độ C.

Ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia – mới đây cũng cho biết, dự báo mùa hè năm nay sẽ gay gắt và khắc nghiệt hơn nhiều năm. Do tác động của El Nino, nền nhiệt độ trung bình các tháng mùa hè năm nay có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ khoảng 0,5-1 độ C, trong các đợt nắng nóng có thể lên tới 39-42 độ C.

Đọc thêm