3 chương trình mục tiêu quốc gia: Kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí

(PLVN) - Chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của QH về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của QH về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030.
Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.

Kết quả giảm nghèo đa chiều năm 2022 đạt trung bình gần 2%

Báo cáo tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, đánh giá chung, việc triển khai các Chương trình đã có tác động, góp phần nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Mặc dù trong nhiệm kỳ này nội dung, yêu cầu đối với việc triển khai thực hiện các Chương trình rất cao, tiến gần đến tiêu chuẩn, quy trình, cách thức hỗ trợ của quốc tế, trong khi đó nguồn lực thực tế chưa đáp ứng được theo nhu cầu; lần đầu tiên thực hiện cơ chế 1 ban Chỉ đạo sẽ không tránh khỏi những vướng mắc nhưng kết quả giảm nghèo đa chiều theo báo cáo của Chính phủ và các địa phương năm 2022 đạt trung bình gần 2%, hoàn thành và vượt kế hoạch, chỉ tiêu đề ra; hoàn thành các chỉ tiêu về nông thôn mới.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, dù về số lượng các văn bản quản lý đến nay cơ bản đã hoàn thành, nhưng qua giám sát nhiều địa phương phản ánh số lượng văn bản quá nhiều, trên 300 văn bản của cả Trung ương và địa phương.

Nhiều nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng, khó thực hiện, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng địa phương vẫn không triển khai thực hiện được. Một số văn bản sửa đổi, bổ sung văn bản đã ban hành như Nghị định 38/2023/NĐ-CP như do áp lực về thời gian, vẫn còn nội dung chưa tháo gỡ được, thậm chí quy định còn chặt chẽ, khó thực hiện hơn.

Hiện tại đến giữa kỳ thực hiện, nhưng vẫn còn một số nội dung chính sách, tiêu chí chưa được các bộ, ngành hướng dẫn.

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương phân bổ chậm (quý II/2022 mới giao) chưa có cơ chế giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 5 năm cho các Chương trình.

Việc lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình khó thực hiện; tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch vốn năm 2021 chuyển sang thực hiện năm 2022) và giai đoạn 2021-2025 còn chậm.

Tỷ lệ đối ứng vốn địa phương cao, nhất là Chương trình NTM, trong khi nguồn thu ngân sách nhiều địa phương hạn chế. Việc giao các tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu là rất khó khăn, nhất là đối với tỉnh nghèo.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Từ đó, Đoàn giám sát kiến nghị đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững thiết thực, hiệu quả”.

Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các ngành, các địa phương, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả Chương trình.

Chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thành ban hành các văn bản cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương.

Đồng thời, thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai các chương trình.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các Chương trình ở các cấp, các ngành; có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện các chương trình.

Đọc thêm