Nông thôn Hà Nội hiện rất rộng (chiếm 8% diện tích tự nhiên và 6% dân số), nên bài toán “hiện đại hóa” nông thôn theo mô hình nông thôn mới (NTM) không phải dễ dàng tìm ra đáp án, dù có thể được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng...
Hà Nội hiện có 401 xã (có đến 13 xã có người dân tộc thiểu số), nhiều xã đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn khó khăn, bình quân thu nhập đầu người của rất nhiều xã trên địa bàn hiện mới đạt 9 triệu đồng, trong khi tiêu chí thu nhập bình quân đầu người/năm của người dân xã đạt chuẩn NTM so với mức bình quân chung của dân các xã khác trên địa bàn TP phải cao hơn 1,5 lần (tức là 13-14 triệu đồng/người/năm).
|
Hà Nội có nhiều xã có thu nhập đầu người rất thấp - ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, thực tế thí điểm mô hình NTM ở xã Hồng Dương (Thanh Oai) cho thấy, một trong những vấn đề bức xúc chính là vấn đề môi trường.
Cũng như nhiều huyện ngoại thành Thủ đô, môi trường đất môi trường nước và không khí ở Thanh Oai đang bị ô nhiễm, nguồn nước ngầm ở nhiều xã trên địa bàn huyện đang bị nhiễm asen nặng.
Cả Hà Nội có gần 2000 làng nghề gây ô nhiễm nhưng đến nay chưa có giải pháp khắc phục. Vì thế, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội trong phiên họp hôm qua (21/4) đều nghi ngờ “khó có thể thực hiện NTM” khi “người dân đang phải gánh chịu tất cả”.
Với nguồn vốn 32.000 tỷ đồng như đề án nêu, ĐB Đinh Mạnh Tuân lo ngại “không thể xây dựng NTM ở Thủ đô” vì như ở xã Thụy Hương (thí điểm xây dựng NTM từ 6/2009 - 6/2011), dù đã được đầu tư từ hàng chục năm nhưng mới chỉ đạt 70% chỉ tiêu NTM quốc gia.
Số chỉ tiêu còn lại cần ít nhất 100 tỷ đồng nữa mới có thể hoàn thành vì chỉ tính riêng dự án rau sạch cũng đã ngốn hàng chục tỷ đồng.
ĐB Bùi Thị An cho rằng, đề án đã “vẽ” ra bức tranh nông thôn rất đẹp nhưng phải quan tâm đến tính khả thi.
Do đó, xây dựng NTM là phải “Đầu tư nguồn lực vào các công trình trọng điểm để 5-10 năm sau người dân có thể dựa vào đó để phát triển kinh tế xã hội, chứ không chỉ đầu tư xây dựng đường, thôn ,xóm đi cho đẹp, sạch thì tiền đâu?”.
Đặc biệt, không thể “tham bát bỏ mâm, vì xây dựng NTM mới mà bỏ những tiêu chí cơ bản như giáo dục, y tế, môi trường…
Quan tâm đến chủ thể của NTM, ĐB Phạm Xuân Hằng nhận thấy, trong đề án, hình ảnh những người nông dân quá mờ nhạt so với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế…
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Việt Hưng lo ngại, chủ trương xây dựng NTM đã có từ lâu nhưng người dân ở nhiều xã của Thủ đô đến đầu năm nay mới biết.
“Thế làm sao thực hiện được kịp tiến độ?”. Ngoài ra, đề án qui định không rõ trách nhiệm thực hiện. Nếu chỉ qui định trách nhiệm tập thể, còn cá nhân “về hưu là hết trách nhiệm” thì đề án khó thực hiện hiệu quả.
Huy Anh