Sầu riêng là loại cây trồng lâu năm, chăm sóc khoảng 5 năm mới có thể thu hoạch trái, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng đây cũng là loại cây nhạy cảm với môi trường sống, không thể chịu được nước tưới hoặc đất trồng bị nhiễm mặn.
Vườn sầu riêng chết sau hạn mặn/ Ảnh: Hoàng Nam |
Theo số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn, trên toàn tỉnh Tiền Giang hiện nay có hơn 14.000 ha sầu riêng tập trung chủ yếu ở huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Có 4.500 ha sầu riêng bị thiệt hại, trong đó diện tích sầu riêng bị chết trắng là 3.500 ha, người dân nhiều nơi buộc phải chặt bỏ để chuyển đổi giống cây trồng.
Thậm chí nhiều hộ dân không đủ khả năng kinh tế để thuê máy cưa đành bỏ mặc để cây sầu riêng làm củi. Tuy nhiên, giá nhiều loại cây giống hiện nay ở mức khá cao, gấp 2 - 3 lần, thậm chí một số loại cây có khả năng chịu mặn tốt có mức giá cao hơn đến 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Một số loại cây trồng chủ yếu được lựa chọn như sapo, mít, bưởi, nhãn, mãng cầu na...
Theo Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn, từ tháng 3/2020 các vườn sầu riêng bắt đầu suy kiệt, rụng lá và chết dần mặc dù tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó để giảm nhẹ thiệt hại.
Tuy nhiên nhờ vào hiệu quả của công tác phòng, chống hạn, mặn và công sức chăm sóc từ người dân mà 10.411 ha/14.870 ha sầu riêng được bảo vệ an toàn, thành công cho thu hoạch.
Để khắc phục khó khăn, giảm nhẹ thiệt hại vào mùa khô năm sau Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ - nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp tại Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Người dân rửa độc chất mặn, phèn trong đất; Hóa giải độc chất stress trong cây; Cho cây ăn dưỡng chất đã bị đối kháng để giúp cây hồi phục sau hạn mặn, đồng thời thiết kế mương vườn đáp ứng được 3 yêu cầu: Luôn có nước để ém phèn, chặn mặn; Có đủ nước tưới cây khi sông, rạch bị mặn; Điều tiết được nước (có bờ bao và cống) để đảm bảo nguồn nước cho mùa tiếp theo.