396 bị cáo nộp lại tài sản đã chiếm đoạt hơn 408 tỷ đồng

(PLVN) - 9 tháng đầu năm 2023, các Tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 147 vụ với 490 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền và tài sản hơn 1.200 tỷ; có 109 vụ với 396 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt hơn 408 tỷ đồng.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo tại phiên chất vấn.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo tại phiên chất vấn.

Thông tin trên được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình đưa ra tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội (QH) sáng nay, 6/11.

9 tháng đầu năm, tuyên thu hồi tiền, tài sản hơn 1.200 tỷ

Trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của QH khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 tại phiên họp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, về kết quả thực hiện nhiệm vụ “Xét xử kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi phạm tội liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị” theo yêu cầu tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019, từ ngày 1/7/2019 đến ngày 30/6/2023, các Tòa án đã thụ lý 126 vụ với 375 bị cáo.

Đã giải quyết, xét xử 114 vụ với 348 bị cáo phạm các tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai; vi phạm các quy định về quản lý đất đai; vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đạt tỷ lệ 90,5% về số vụ và 92,8% về số bị cáo, vượt 2,5% chỉ tiêu QH đề ra.

100% vụ án liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị được đưa ra xét xử đúng thời hạn luật định. Chất lượng giải quyết, xét xử được bảo đảm, đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em theo yêu cầu tại Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020, theo ông Nguyễn Hòa Bình, từ ngày 1/7/2020 đến ngày 30/6/2023, các Tòa án đã thụ lý 7.064 vụ với 7.677 bị cáo phạm các tội xâm hại trẻ em; đã đưa ra giải quyết, xét xử 6.755 vụ với 7.318 bị cáo, đạt tỷ lệ 95,63% về số vụ và 95,32% về số bị cáo; vượt 5,63% so với chỉ tiêu Nghị quyết QH. 100% vụ án được đưa ra xét xử trong thời hạn luật định.

Về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo yêu cầu tại Nghị quyết số 74/2022//QH15 ngày 15/11/2022, TANDTC đã chỉ đạo các đơn vị dự toán trực thuộc sử dụng, quản lý nguồn ngân sách được cấp đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả theo đúng dự toán được giao; tăng cường tổ chức hội nghị, hội thảo bằng hình thức trực tuyến... Năm 2022, các Tòa án đã tiết kiệm chi trên 5% so với dự toán kinh phí được giao.

“9 tháng đầu năm 2023, các Tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 147 vụ với 490 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền và tài sản hơn 1.200 tỷ; có 109 vụ với 396 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt hơn 408 tỷ đồng”, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho hay.

Chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm

Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ “Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của QH” quy định tại Khoản 15 Điều 2 Nghị quyết số 134/2020/QH14, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, về nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại án, từ ngày 01/10/2020 đến ngày 30/6/2023, các Tòa án đã thụ lý 1.450.770 vụ việc; đã giải quyết 1.276.435 vụ việc, đạt tỷ lệ 88%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án hàng năm đều đáp ứng chỉ tiêu của QH (không quá 1,5%).

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trình bày báo cáo.

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trình bày báo cáo.

Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Các Tòa án đã giải quyết, xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 95% (vượt 7% chỉ tiêu QH giao); các vụ việc dân sự đạt tỷ lệ 86% (vượt 8% chỉ tiêu QH giao); các vụ án hành chính đạt tỷ lệ 77,65% (vượt 17,65% chỉ tiêu QH giao).

Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của QH khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) Lê Minh Trí trình bày nhấn mạnh, về kết quả thực hiện Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020, ngành Kiểm sát đã thụ lý kiểm sát việc giải quyết 345.066 nguồn tin về tội phạm, bảo đảm 100% nguồn tin về tội phạm được kiểm sát chặt chẽ ngay từ khi thụ lý đến giải quyết xong; đã kiểm sát điều tra 252.695 vụ/387.393 bị can, bảo đảm 100% vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố vụ án.

Kết quả, tỷ lệ người bị bắt, tạm giữ sau đó chuyển xử lý hình sự đạt 99%; số vụ án Viện kiểm sát truy tố đúng thời hạn đạt tỷ lệ 100%,vượt 10% và số bị can Viện kiểm sát truy tố đúng tội danh đạt tỷ lệ 99,99%, vượt 4,99% so với chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96 của QH.

Thông qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát kịp thời phát hiện nhiều vi phạm pháp luật và đã ban hành 11.619 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và phòng ngừa tội phạm, tỷ lệ chấp nhận đạt 98,6% vượt 18,6% so với chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96 của QH; 2.068 kháng nghị phúc thẩm, Hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỷ lệ 70,9%, vượt 0,9% so với chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96 của QH; ban hành 696 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, số kháng nghị được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỷ lệ 76,5%,vượt 1,5% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 96 của QH.

Đặc biệt, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2023 ngành Kiểm sát không để xảy ra trường hợp truy tố, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022, liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm kinh tế, tham nhũng tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn tội phạm ngày càng tinh vi hơn, đã xuất hiện phạm tội có tổ chức, tội phạm phi truyền thống hoạt động núp bóng doanh nghiệp, sử dụng công nghệ thông tin, gian dối trong việc phát hành trái phiếu để chiếm đoạt tài sản trong thời gian dài với số tiền đặc biệt lớn, nhiều vụ án kinh tế, chức vụ liên quan đến đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản xảy ra trên địa bàn hầu hết các tỉnh, TP, số lượng đối tượng có liên quan rất đông.

Tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại như buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; sản xuất, buôn bán hàng giả... được phát hiện, khởi tố tăng, nhiều vụ án xuyên quốc gia, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài.

Dưới sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, VKSND tối cao đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp để bảo đảm việc thu hồi tài sản đạt kết quả cao nhất.

Kết quả, từ ngày 15/11/2022 đến ngày 15/9/2023, VKSNDTC đã phát hiện, thụ lý, khởi tố, truy tố, xét xử 50 vụ án/419 bị can; bảo đảm các quyết định truy tố đúng người đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội; các vụ án do VKSNDTC thụ lý đều được yêu cầu điều tra làm rõ tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát; yêu cầu xác minh tài sản của bị can, người liên quan trong các vụ án để có căn cứ áp dụng các biện pháp bảo đảm thu hồi, yêu cầu tạm dừng xuất cảnh, tạm ngừng giao dịch tài sản (nếu có) nhằm ngăn chặn các đối tượng bỏ trốn, tẩu tán tài sản, che giấu tài sản.

Các biện pháp đã áp dụng để bảo đảm thu hồi tài sản đạt đều đạt hiệu quả cao; thực hiện thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực .

Bên cạnh đó, nhiều vụ án gây hậu quả thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước đã được thu hồi triệt để, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có tác dụng cảnh báo, răn đe, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước.

Các biện pháp đã áp dụng để bảo đảm thu hồi tài sản đạt đều đạt hiệu quả cao, qua đó thể hiện rõ sự quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và vai trò, trách nhiệm, sự quyết liệt của VKSND nói riêng.

Đọc thêm