4 người chết, hơn nghìn nhà tốc mái, hàng loạt cây gẫy do bão

Bão Kai-tak (bão số 5) đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng. Nhiều tỉnh, thành phía Bắc bị ngập úng do mưa lớn kéo dài. Hơn 1.000 ngôi nhà ở Yên Bái bị đổ sập và tốc mái. Cây xanh gẫy đổ hàng loạt.

[links()]Bão Kai-tak (bão số 5) đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng. Nhiều tỉnh, thành phía Bắc bị ngập úng do mưa lớn kéo dài. Hơn 1.000 ngôi nhà ở Yên Bái bị đổ sập và tốc mái. Cây xanh gẫy đổ hàng loạt.

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, các địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát, cập nhật thông tin về tình hình thiệt hại do cơn bão này.

VnExpress đưa tin, 0h hôm nay, 18/8, hơn 300 m3 đất từ trên đồi ập xuống nhà anh Giáp Văn Tăng (xã Tân Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang), trùm kín vợ anh là chị Giáp Thị Khan (46 tuổi). 30 phút sau, hàng xóm mới đưa được thi thể chị Khan ra khỏi đống đổ nát.

Ngôi nhà bị đổ do đất đồi lở.

Chị Khan là lao động chính vì anh Tăng đau ốm quanh năm, còn con trai cả thần kinh không bình thường. Chị đi gánh than thuê, chắt chiu nhiều năm xây được căn nhà mới. Địa phương hỗ trợ gia đình anh Tăng 3 triệu đồng để khắc phục hậu quả sự cố.

Tối 17/8, tại bản Hẹo (phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La) mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão làm đổ cây làm đứt dây điện. Hai người ở gần đó đã bị điện giật chết.

Chiều cùng ngày tại Hà Nội, mưa lớn đã làm ngập một số tuyến phố. Gió lốc quật đổ nhiều cây xanh, đè hàng loạt ô tô, xe máy. Một lái xe taxi Mai Linh thiệt mạng do cây đổ vào xe trên phố Lò Đúc.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội, đã có khoảng 100 cây xanh bị gẫy đổ trên địa bàn.

Đêm 16 - 18/8, tỉnh Yên Bái có mưa, nhiều nơi còn có dông và lốc tố khiến 66 nhà sập và hơn 1.350 nhà bị tốc mái. Huyện Văn Chấn có gần 700 nhà tốc mái, huyện Văn Yên có hơn 460 nhà. Mưa lũ cũng làm 3 người dân ở xã Tú Lệ (Văn Chấn) bị thương, trong đó nặng nhất là cụ Lò Thị Ỉn (75 tuổi) được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Ước tính, thiệt hại ban đầu ở Yên Bái khoảng 6 tỷ đồng. Do sự việc diễn ra vào trời tối, địa hình rộng, hiểm trở và đang có mưa to, gió lớn nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng cứu hộ đến từng khu dân cư, thôn bản giúp đỡ di chuyển người dân đến nơi an toàn.

Trong khi đó, tại Quảng Ninh, nơi bão đổ bộ, không có thiệt hại về người. Chỉ có 22 bè mảng nuôi trồng thủy sản trên có 50 người (44 người lớn, 6 trẻ em) neo đậu ở khu vực cửa Đài, đảo Vĩnh Thực (Móng Cái) bị đứt dây chằng trôi ra biển. Biên phòng Quảng Ninh đã điều động 2 xuồng cao tốc kéo toàn bộ các bè mảng vào nơi neo đậu an toàn.

Chinhphu.vn đăng tải, Biên phòng Quảng Ninh đã điều động 25 cán bộ chiến sĩ và 2 xuồng cao tốc kéo toàn bộ các bè mảng vào nơi neo đậu an toàn.

Tại TP Hạ Long, vào lúc 11h ngày 17/8, một thuyền đánh cá của ngư dân neo đậu tại tại Cảng Mới, phường Bạch Đằng bị đứt neo trôi ra biển, trên tàu có 4 ngư dân và được công an đường thủy đưa vào bờ an toàn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thị sát chống bão ở Quảng Ninh. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Trước đó, để ứng phó với cơn bão số 5, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn do Bộ trưởng - Trưởng ban Cao Đức Phát chủ trì đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 5 tại tỉnh Quảng Ninh.

Tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng đã ban hành lệnh cấm biển, khẩn trương hoàn thành việc kêu gọi, sắp xếp toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng vào nơi trú tránh; sơ tán dân ở các khu vực nguy hiểm, trên các lồng bè nuôi trồng hải sản...

Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ, mưa dông đã làm hơn 10 căn nhà, phòng học bị hư hại, tốc mái; hơn 100 ha lúa bị ngập úng; hàng chục ha hoa màu bị thiệt hại; gần 1 ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị đổ, gãy. Ngoài ra, giông lốc còn làm đổ gãy 3 cột điện hạ thế.

Theo TTXVN, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, lúc 7 giờ ngày 18/8 đã điều động tàu SAR 273 thuộc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải KV I đi tìm kiếm cứu nạn tàu cá QB 92760 với 6 lao động bị hỏng máy thả trôi, không liên lạc được tại khu vực cách bờ biển Đèo Ngang - Hà Tĩnh khoảng 65 hải lý về hướng đông bắc.

Thời tiết  diễn biến phức tạp sau bão

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (18/8), sau khi đi sâu vào đất liền các tỉnh Đông Bắc, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp. 4h ngày 18/8, vị trí trung tâm vùng tâm áp thấp ở vào khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông; trên khu vực vùng núi phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25km, suy yếu và tan dần.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) sáng nay (18/8) còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh. Ở các tỉnh Bắc Bộ, có mưa vừa, mưa to đến rất to. Diễn biến mưa sau bão còn phức tạp, cần chú ý theo dõi trong các bản tin dự báo thời tiết hàng ngày.

PLVN (tổng hợp)
 

Đọc thêm