Báo cáo của BHXH Việt Nam cho biết: Công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2023 với khoảng 17,414 triệu người tham gia BHXH, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc khoảng 16 triệu người; số người tham gia BHXH tự nguyện khoảng 1,45 triệu người. Cả nước có 14,253 triệu người tham gia BHTN, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, Ngành BHXH đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia BHYT và đạt kết quả tích cực với khoảng 90,614 triệu người tham gia (tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN ước đạt 195.495 tỷ đồng, tăng 16.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Về giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT: Mặc dù số người hưởng các chế độ BHXH đều tăng nhưng việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng, qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của NLĐ, đặc biệt là trong bối cảnh việc làm, thu nhập của người dân gặp nhiều khó khăn trước sự khó khăn chung của nền kinh tế-xã hội trong và ngoài nước. Kết quả, ngành BHXH Việt Nam ước giải quyết 30.194 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 126.462 người hưởng các chế độ BHXH một lần; giải quyết 543.4576 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Cả nước có 14.5182.343 người đi khám chữa bệnh BHYT.
Tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi Luật BHXH (sửa đổi), Luật BHYT; các văn bản quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT; Triển khai các hoạt động truyền thông về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; tiếp tục chủ động tăng cường công tác TTKT việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, triển khai các quy định thanh tra chuyên ngành đóng theo đúng kế hoạch.
Trưởng Ban Quản lý Thu, Sổ - thẻ Dương Văn Hào đánh giá, trong tháng 5 tình hình phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tại các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. So với tháng trước, số người tham gia BHXH đã tăng 100.000 người (một số địa phương ghi nhận có số người tham gia BHXH tăng cao như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hà Nội…). Cùng với đó, việc nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động và nhiều doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng là dư địa tốt để khai thác phát triển người tham gia.
Về BHXH tự nguyện, hiện nay, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương cũng đã được kiện toàn (60% địa phương đã triển khai kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp xã). Tuy nhiên, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của tổ/thôn trưởng; qua đó tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp 3 bên, bao gồm cơ quan BHXH, tổ chức dịch vụ thu và chính quyền cấp xã. BHXH các địa phương phải đảm bảo vai trò điều phối, phát triển hệ thống tổ chức dịch vụ thu; vừa đảm bảo không trống địa bàn nhưng cũng không được trùng chéo, lãng phí nguồn lực.
Về giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, sẽ chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện quyết liệt hơn các văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam, đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường thanh tra – kiểm tra, xây dựng phần mềm số để xác định rõ hơn số liệu thu; tổ chức các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm các mô hình để các địa phương tổ chức thực hiện; tiếp tục tổ chức đào tạo cho các nhân viên dịch vụ thu…từ đó phát triển bền vững người tham gia BHXH, BHYT.
Về lĩnh vực BHYT, Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT Lê Văn Phúc cho biết, đơn vị đã phối hợp tích cực và hiệu quả với ngành Y tế trong sửa Luật BHYT. Cùng với đó tổ chức định kỳ hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương trong việc giao dự toán và xây dựng tiêu chí để có những cảnh báo trong kiểm soát chi phí KCB BHYT trên tinh thần đặt quyền lợi của người dân đi KCB BHYT lên hàng đầu.
Theo Thanh tra BHXH Việt Nam, ngay từ đầu năm tới nay đơn vị đã tiến hành triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó thanh tra đột xuất trên 1000 đơn vị trên cả nước. Thời gian tới đơn vị sẽ tập trung việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT; hướng dẫn kiểm tra chuyên đề về giấy nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tại một số cơ sở KCB BHYT đã được chọn lọc; thanh tra hồ sơ thủ tục giải quyết chế độ BHXH một lần, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc khác phát sinh trong thực tế.
Liên quan giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BHTN, theo Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Đỗ Ngọc Thọ, đơn vị đã tích cực trong việc cho ý kiến xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) và triển khai chính sách cải cách tiền lương. Về lĩnh vực BHXH, đơn vị đã có những chỉ đạo, hướng dẫn để BHXH các địa phương tập trung thực hiện, trong đó ứng dụng CNTT nhằm kiểm soát, phát hiện các dấu hiệu trục lợi quỹ BHXH.
Tại Hội nghị Giám đốc Trung tâm Truyền thông Nguyễn Thị Thanh Hương thông tin một số kết quả truyền thông thời gian qua. Theo đó, Trung tâm đã bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, tập trung truyền thông theo định hướng từ đầu năm, truyền thông về kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; truyền thông quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT; truyền thông việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH theo quy định mới cho người dân; truyền thông tác hại của việc nhận BHXH một lần. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Giám đốc Trung tâm Truyền thông cho biết sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả công tác truyền thông, trong đó chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các địa phương triển khai kế hoạch năm 2024; phối hợp với ban Thực hiện Chính sách BHYT truyền thông chuyên đề ngày BHYT 1/7; tổ chức gặp mặt báo chí nhân ngày 21/6…
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, qua giám sát và làm việc trực tiếp tại một số địa phương trong tháng 5, việc triển khai công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT có chuyển biến nhưng chưa thực sự hiệu quả. Ông cũng đề nghị các vụ ban chỉ đạo quyết liệt các địa phương bám sát kịch bản được BHXH Việt Nam ban hành, trong đó phát huy tối đa vai trò của Ban Chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT các cấp, đặc biệt tới cấp huyện, xã. Về xây dựng các dự thảo Luật, Phó Tổng Giám đốc đề nghị bám sát vào thẩm quyền để có đưa ra những ý kiến tối ưu, trúng và đúng với tình hình thực tiễn.
Về lĩnh vực truyền thông, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh lưu ý tăng cường truyền thông chuyên đề, chuyển tải các thông điệp tập trung vào mục tiêu phục vụ, đem lại lợi ích của người dân, DN; nâng cao hiệu quả quản lý, ngăn ngừa các hành vi trục lợi BHXH, BHYT.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa đề nghị tiếp tục đánh giá kết quả thực hiện Luật BHYT, từ những vướng mắc, tồn đọng trong thực tiễn để đưa ra đề xuất những ý kiến nhằm đảm bảo tính thực tiễn tốt nhất trong việc xây dựng Luật BHYT (sửa đổi). Cùng với đó, triển khai hiệu quả các quy định sửa đổi phải được đánh giá đầy đủ, chi tiết những tác động đến đối tượng chịu ảnh hưởng, trong đó bao gồm: bệnh nhân KCB BHYT, quỹ BHYT và tính khả thi của những quy định, chính sách mới. Đồng thời triển khai Nghị định 75 của Chính phủ đồng bộ từ trung ương đến địa phương; cân đối, sử dụng quỹ BHYT an toàn, hiệu quả, hướng tới đảm bảo tối đa quyền lợi bệnh nhân KCB BHYT.
Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường đề nghị cần rà soát chức năng, nhiệm vụ của BHXH Việt Nam với chức năng, quyền hạn của HĐQL trong dự thảo Luật BHXH, qua đó đảm bảo tính thống nhất và không bị vướng mắc, chồng chéo các ý kiến sau khi Luật BHXH được ban hành và triển khai thực hiện. Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH cũng lưu ý, khi tham mưu về cơ chế chính sách và các quy định về đầu tư các quỹ bảo hiểm và cơ chế tài chính, BHXH Việt Nam cần thống nhất, phối hợp giữa Bộ Tài chính và HĐQL trước khi gửi về cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Lao động để trình Quốc hội thông qua.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao các kết quả toàn Ngành đạt được trong 05 tháng đầu năm. Ông cũng nhận định, các chỉ tiêu chủ yếu của Ngành trong tháng đều tăng so với cùng kỳ, cho thấy một khởi đầu thuận lợi. Tuy nhiên, các khó khăn, thách thức của năm 2024 là không ít nên toàn Ngành không được lơ là, chủ quan. Đồng thời yêu cầu, toàn Ngành tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách BHXH, BHYT; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong xây dựng, hoàn thiện các Luật liên quan đến nhiệm vụ của Ngành thời gian tới. Trong đó, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương, tăng cường công tác tham mưu huy động sự vào cuộc của các cấp trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; giao được chỉ tiêu đến từng cấp xã, phường, đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Theo đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề nghị các đơn vị tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và của Ngành để nghiêm túc triển khai thực hiện, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực thi công việc, qua đó đưa ra các kịch bản, chương trình kế hoạch để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả.
Đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về BHXH, BHYT. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT; tăng cường công tác TTKT đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.
Khai thác, phát huy tối đa hiệu quả CNTT, cơ sở dữ liệu của Ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC; mở rộng các hình thức cung cấp các DVC trực tuyến mức độ 4. Đẩy nhanh chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHYT; CSDL Quốc gia về bảo hiểm.
Các đơn vị chuyên môn của BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT. Xây dựng các báo báo đánh giá rõ thực trạng, đề xuất sửa đổi các nội dung của luật, bảo đảm sát với yêu cầu thực tiễn. Tổng Giám đốc cũng nhấn mạnh, các đơn vị cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, rà soát các kế hoạch, chương trình còn tồn đọng để ban hành kịp thời. Trong đó, trọng tâm là triển khai thực hiện tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho người dân, NLĐ, đặc biệt chú trọng đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân KCB BHYT…