5 triệu đồng có “dưỡng” được "Liêm" CSGT?

Một số chuyên gia pháp lý cho rằng, lập quỹ để hỗ trợ cho CSGT thực chất là quỹ dưỡng liêm. Vậy thì 5 triệu đồng/tháng có “mua” được chữ liêm của mỗi cán bộ trong ngành CSGT?. Thực tế hiện nay, mặt bằng lương của CSGT đã cao hơn nhiều so với mức lương của một số ngành nghề khác. Vậy có nên chỉ hỗ trợ cho lực lượng này trong khi một bộ phận cán bộ, công chức khác thì không?.

 

Trước thông tin TP. Đà Nẵng chi cho mỗi Cảnh sát giao thông (CSGT) 5 triệu đồng/tháng nhằm giảm bớt khó khăn, đẩy lùi những tiêu cực trong lực lượng này, nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít người băn khoăn về tính khả thi; thậm chí, coi việc làm này sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa các ngành nghề... 

Giảm bớt khó khăn, đẩy lùi tiêu cực
Tại một hội nghị của TP Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cho biết: Lực lượng CSGT tại 4 trạm thuộc TP này khi làm nhiệm vụ trực tiếp trên đường, ngoài tiền lương, thưởng theo chế độ còn được UBND TP. hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/người/tháng. Đổi lại, nếu phát hiện bất kỳ CSGT nào nhận chung chi dù chỉ một trăm nghìn đồng thì lập tức bị tước quân tịch, đuổi khỏi ngành.

Chữ "Liêm" đáng giá bao nhiêu?


Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng vốn vô cùng cam go, phức tạo. Trong bối cảnh ấy, lại có ý tưởng – tuy không mới – dành một khoản chi ngoài lương, thưởng để giúp cán bộ, công chức giữ được liêm chính, trong sạch khi chấp pháp, xử lý việc công.

Hướng đến một nền hành chính vì dân, trong sạch với những khoản “dưỡng liêm” là ý tưởng đáng khen ngợi, nhưng chữ “liêm” đáng giá bao nhiêu chữ “tài”? Hay nói cách khác, “dưỡng” đến mức nào thì cán bộ, công chức chắc chắn sẽ liêm khiết, trong sạch?

Nói như vậy có nghĩa là Đà Nẵng đang quyết tâm đẩy lùi nạn tham nhũng trong lực lượng CSGT và làm trong sạch đội ngũ này, lấy lại niềm tin cho dân cũng như tôn vinh những cán bộ trong sạch, mẫn cán - một nghành mà dư luận cho là đang “nóng” về nạn mãi lộ.

Theo ý tưởng của Đà Nẵng, sau khi được bồi dưỡng khoản tiền trên, thu nhập của mỗi CSGT sẽ được đảm bảo hơn, bởi vậy họ sẽ yên tâm công tác, không còn tư tưởng muốn kiếm thêm thu nhập từ những hành vi tiêu cực khác.

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Bá Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng-  cho biết, hiện các cơ quan chức năng của TP vẫn đang nghiên cứu, thảo luận về cơ chế cũng như cách thức thực hiện; khi thống nhất sẽ trình lên Chủ tịch UBND TP ban hành quyết định để hiện thực hóa chủ trương trên. Cũng theo ông Sơn, dự kiến nguồn tiền hỗ trợ cho lực lượng CSGT sẽ chi từ khoản thu xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ; tuy nhiên, trước mắt sẽ tạm ứng từ nguồn ngân sách của TP.
Ngay khi chủ trương trên được đưa ra, đã có nhiều luồng dư luận khác nhau. Hầu hết ý kiến trong ngành CSGT ủng hộ việc làm này và mong muốn sẽ được nhân rộng ra cả nước, chứ không riêng gì TP miền Trung này.
“Đặc thù của CSGT là suốt ngày phải làm việc ngoài đường trong điều kiện, hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt, chưa kể đến chuyện chúng tôi luôn có nguy cơ phải đối mặt với muôn vàn tình huống nguy hiểm xảy ra bất cứ lúc nào, như đối tượng vi phạm luật giao thông đâm xe vào CSGT để chống đối, thậm chí là dùng hung khí nguy hiểm tấn công CSGT để hòng tẩu thoát. Khoản tiền bồi dưỡng này tôi nghĩ là cần thiết để khuyến khích và động viên anh em”, một CSGT thuộc Công an TP. Hà Nội chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều người lại cho rằng việc làm này là không cần thiết, nếu không muốn nói là vô lý. Bởi nếu lấy tiền từ ngân sách nhà nước (tiền thu từ nguồn xử phạt cũng là tiền của nhà nước) để chi hỗ trợ thì rõ ràng là thiếu sự bình đẳng khi chỉ ưu ái cho lực lượng CSGT mà các ngành khác không được hưởng.
Nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước (chứ không riêng gì CSGT) là phải làm tròn nhiệm vụ, cấm hạch sách, nhũng nhiễu nhân dân. Nếu vì để hỗ trợ cho một bộ phận cán bộ, chiến sỹ có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn hoàn thành nhiệm vụ thì khoản tiền trên sẽ có ý nghĩa; còn việc chi tiền đại trà cho tất cả CSGT nhằm hạn chế tiêu cực của lực lượng này sẽ không hợp lý.
Trong khi một số ngành khác như kiểm lâm cũng làm việc trong môi trường đặc thù, dầm mưa, dãi nắng và cũng rất dễ nảy sinh những tiêu cực trong khi thi hành công vụ, tại sao không được nhận khoản bồi dưỡng nêu trên?.
Quỹ dưỡng liêm - Chỉ là việc làm hình thức?
Một số chuyên gia pháp lý cho rằng, lập quỹ để hỗ trợ cho CSGT thực chất là quỹ dưỡng liêm. Vậy thì 5 triệu đồng/tháng có “mua” được chữ liêm của mỗi cán bộ trong ngành CSGT?. Thực tế hiện nay mặt bằng lương của CSGT đã cao hơn nhiều so với mức lương của một số ngành nghề khác. Vậy có nên chỉ hỗ trợ cho lực lượng này trong khi một bộ phận cán bộ, công chức khác thì không?.
Đó là chưa kể một số đối tượng có lòng tham, có thói quen vòi vĩnh thì dù có được hỗ trợ thêm 5 triệu hay 10 triệu mỗi tháng thì chắc gì đã từ bỏ được lòng tham không đáy?. Nhiều vụ án diễn ra trong thực tế đã chứng minh, có những đối tượng thu nhập tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng nhưng họ vẫn phạm tội tham ô, tham nhũng.
Còn nhớ, tại Kỳ họp thứ 12 HĐND TP Đà Nẵng khóa VII cũng đã đưa ra vấn đề, cán bộ sẽ được cấp tiền dưỡng liêm; trước đó vài năm, ngành Tòa án và Viện kiểm sát cũng từng nêu lên vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đặt ra quỹ dưỡng liêm chỉ là hình thức, không giải quyết được tận gốc của vấn đề, bởi đây chỉ là món phụ cấp không đáng kể.
Trong khi Luật Cán bộ, công chức đã quy định: cán bộ, công chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân; thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ… Nếu vi phạm, cán bộ, công chức phải chịu một trong những hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo... và nặng nhất là buộc thôi việc. 

Như vậy có nghĩa một khi đã là công bộc của dân  thì cán bộ, công chức phải có nghĩa vụ phục vụ nhân dân và không được viện bất cứ lý do nào để tham nhũng. Bác Lê Văn Thương (TP. Hồ Chí Minh) tỏ vẻ không đồng tình: “Việc “treo thưởng” số tiền dưỡng liêm sẽ làm mất đi ý nghĩa của sự phấn đấu không vụ lợi ắt phải có của cán bộ, công chức.

Vấn đề đặt ra là, những cơ quan, đơn vị hay địa phương nào đó lập quỹ dưỡng liêm thì cán bộ được nhờ, còn những nơi khác không có quỹ này, chẳng lẽ các cán bộ, công chức được mặc sức hoạnh họe, sách nhiễu dân?”. 

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trước khi bàn đến vấn đề dưỡng liêm, Nhà nước phải có chính sách về thu nhập (chính đáng) một cách thỏa đáng cho cán bộ, viên chức.
Bên cạnh đó, mặt bằng chung của xã hội, nhất là trong cán bộ, công chức phải được giáo dục về chữ “liêm sỉ”, mỗi người phải giữ được cái liêm của mình. Có như thế, xã hội mới mong có công tâm và công bằng.

Những vụ CSGT mãi lộ gây xôn xao dư luận

- Cuối tháng 6/2010, 11 CSGT Công an tỉnh Gia Lai làm nhiệm vụ tại các chốt trên đường đã phải làm tường trình để làm rõ những nghi vấn liên quan đến hành vi “làm luật” trong quá trình tuần tra. Theo cánh tài xế, lúc bấy giờ, trong tất cả các trạm trên tuyến TP.HCM đi Kon Tum thì trạm Hàm Rồng (Gia Lai) luôn "làm luật" cao gấp ba lần những trạm khác. Thông thường, các trạm lấy "nửa xị" (50.000 đồng) cho một xe tải nhẹ thì trạm Hàm Rồng phải "một xị rưỡi". Riêng xe đầu kéo và xe tải nặng thì tăng đến "nửa chai" (500.000 đồng)…

- Giữa tháng 8/2011, Công an tỉnh Thái Nguyên đã quyết định đình chỉ công tác 4 CSGT vì liên quan đến hành vi nhận  mãi lộ các tài xe tải trên QL3 và tuyến đường tránh TP.Thái Nguyên.Nhiều lái xe từng vào Nam ra Bắc nhiều nhiều năm, nhưng sau khi đi qua cung đường này đã phải thốt lên “Chưa có nơi nào CSGT "làm luật" dày và bậy bạ như ở đây”.

Điều bức xúc nhất đối với cánh lái xe tải ở tuyến QL3 là nếu bớt hoặc quên “làm luật” thì lập tức bị CSGT đe dọa lập biên bản phạt nặng. Về vụ việc này, trả lời báo chí, Đại tá Nguyễn Như Tuấn - Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên - khi đó đã nói: “Tôi là Giám đốc đã xử lý nhiều trường hợp rồi. Đây đúng là “con sâu bỏ rầu nồi canh”.

- Đầu tháng 9/2011, dư luận xã hội bị chấn động bởi những hình ảnh, hành vi “làm luật” trắng trợn của một số CSGT trên QL1A đoạn qua các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Sau khi những hình ảnh, hành vi mãi lộ của CSGT một số địa phương được “tung” lên mặt báo và một số trang mạng, Văn phòng Bộ Công an đã có điện gửi Công an các tỉnh, thành phố gồm Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội và Đà Nẵng đề nghị kiểm tra, làm rõ vụ việc.

Liên quan đến sự việc này, nhiều CSGT đã bị tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm làm rõ sai phạm. Sau đó, Nguyễn Thanh Hải - nguyên trung úy CSGT Tổ tuần tra kiểm soát Nam Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã bị tước quân tịch, bị khởi tố bắt tạm giam vì hành vi “nhận hối lộ”.

Kim Tuấn (tổng hợp)


Thái Chi

Đọc thêm