6 nam sinh Hà Nội chia nhau uống... thuốc diệt chuột

Nhặt được 20 ống nhựa chứa dung dịch màu đỏ trông giống nước ngọt thông thường, 6 anh em nam sinh chia nhau uống, sau đó mới biết là thuốc diệt chuột. Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai xác định đây là loại hóa chất độc tính rất cao nguồn gốc từ Trung Quốc, chỉ một lượng rất nhỏ cũng khiến người uống nhanh chóng bị co giật hoặc loạn nhịp tim...  
Lọ thuốc được gia đình thu lại và mang theo bệnh nhi đến viện.

Từ 19h đến 20h30 ngày 12/3, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai liên tiếp tiếp nhận 6 bệnh nhi (4-17 tuổi, quan hệ họ hàng với nhau, ở Chương Mỹ, Hà Nội) uống nhầm thuốc diệt chuột. 

Thông tin ban đầu, trên đường về nhà sau giờ tan học, một em trong nhóm nhặt được 1 túi nilon to do người bán hàng rong để quên, bên trong có hơn 20 ống nhựa bằng ngón tay út chứa dung dịch màu đỏ. Trông giống nước ngọt thông thường, các em chia nhau uống. Có em nhấp môi để thử mùi vị nhưng có em uống hơn 1 ống.

Sau đó, các em mới biết đã uống thuốc diệt chuột. Một số em đau bụng, buồn nôn, được người lớn phát hiện, đưa đến bệnh viện.

Nam sinh lớn tuổi nhất, 17 tuổi, hiện được theo dõi tại Trung tâm Chống độc của BV Bạch Mai. 5 em còn lại đang được điều trị tại Khoa Nhi.

Theo các bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nhờ cấp cứu kịp thời, đến nay, ngoài 2 em có biểu hiện phản xạ gân xương tăng nhẹ và 1 em xuất hiện các chấm xuất huyết dưới da từ ngực trở nên, 3 bệnh nhi khác không có biểu hiện bất thường.

"Tuy nhiên các cháu cần được làm thêm một số xét nghiệm và theo dõi tại Trung tâm Chống độc và Khoa Nhi bằng các biện pháp kiểm tra thêm về thần kinh, tim mạch và máu", TS.BS Nguyễn Thành Nam, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm.

Chất độc bên trong các ống do gia đình mang theo các bệnh nhi đến bệnh viện được Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai xác định là natri fluoroacetate, loại hóa chất diệt chuột có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thuốc diệt chuột này thường có các dạng dung dịch máu hồng, đỏ, nâu hoặc trong suốt đựng trong ống hoặc dạng hạt gạo hồng giấy.

Đây là chất độc với tim mạch và thần kinh, độc tính rất cao, chỉ với một lượng rất nhỏ người bị ngộ độc nhanh chóng bị co giật hoặc loạn nhịp tim và  trở thành một trong các nguyên nhân gây ngộ độc và tử vong hàng đầu. Do tính nguy hiểm của loại hóa chất này nên nó đã bị cấm lưu hành ở Việt Nam và vắng bóng khoảng hơn 10 năm.

Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, Trung tâm chống độc lại tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc natri fluoroacetate nặng và tử vong do các loại thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường như trên.

"Mong các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và loại khỏi thị trường loại hóa chất độc hại này. Việc quản lý bán hàng rong cũng cần được tăng cường để làm sao không được bán các hóa chất độc hại một cách dễ dàng ra cộng đồng. Người dân cũng không nên sử dụng những hóa chất này vì tác hại khôn lường của nó. Một trong các biện pháp quan trọng để phòng tránh các trường hợp ngộ độc do vô tình ở trẻ em là người dân luôn phải để các hóa chất và thuốc ở các vị trí để làm sao trẻ không thể với tới hoặc không thể mở ra được", các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ.

Đọc thêm