Đi bất kỳ nơi đâu Tổ quốc cần
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 1964, trong bối cảnh mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã phát động phong trào “Tam bất kỳ”, sau đó được đổi tên thành phong trào “Ba sẵn sàng”. Đây là cuộc vận động yêu nước rộng lớn và sôi nổi nhất của thanh niên, sinh viên Việt Nam trong thế kỷ XX.
Đáp lại lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, 19 giờ 30 phút ngày 30/4/1964, Lễ phát động phong trào “Ba sẵn sàng” được Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức tại nghĩa trang Mai Dịch.
Khí thế sẵn sàng lên đường cứu nước, bảo vệ Tổ quốc của tuổi trẻ Thủ đô cũng phát triển mạnh mẽ ở Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, công nhân Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Ô tô Hòa bình…
Thầy giáo “không tay” Trịnh Ngọc Trình, Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là người nhen nhóm và khởi xướng phong trào “Ba sẵn sàng” trong thanh niên, xuất phát từ phong trào “Ba bất kỳ” có trước đó tại trường. Vào đầu năm 1964 với tinh thần “Hướng về miền Nam ruột thịt”, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức cuộc vận động “Ba bất kỳ”: Đi bất kỳ nơi đâu Tổ quốc cần, làm bất kỳ việc gì Tổ quốc giao phó, vượt qua bất kỳ khó khăn gian khổ nào để hoàn thành nhiệm vụ. Phong trào sau đó được đoàn viên, thanh niên các trường đại học khác và nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội hưởng ứng sôi nổi. Đó là: “Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược; Sẵn sàng hy sinh bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì Đảng và Nhân dân yêu cầu mà không đòi hỏi đãi ngộ”.
Ngày 30/4/1964, hàng nghìn sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tập hợp tại Nghĩa trang Mai Dịch trong tay rực đuốc sáng. Sau khi ông Trịnh Ngọc Trình tuyên đọc lời thề “Ba sẵn sàng” trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc và anh linh các liệt sỹ, hàng ngàn tiếng hô vang đáp lời: “Sẵn sàng! Sẵn sàng! Sẵn sàng!”.
“Tôi không thể nào mường tượng nổi, sau lễ phát động, hàng nghìn sinh viên chích tay lấy máu viết đơn sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Đảng cần, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì miền Nam ruột thịt, bảo vệ miền Bắc… Phong trào rực rỡ như thế khiến tôi choáng ngợp. Đây là ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi”, nhà giáo Trịnh Ngọc Trình nhớ lại.
Là người tổ chức, rèn luyện các thế hệ thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của phong trào. Người kêu gọi thanh niên cả nước: “Các cháu thanh niên gái cũng như trai hãy thực hiện tốt “Ba sẵn sàng”, xung phong dâng tất cả tinh thần và lực lượng của tuổi trẻ cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, cho Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội”. Nhân dịp Quốc khánh năm 1965, Bác Hồ đã gửi thư động viên thanh niên, trong đó có đoạn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước hiện nay, theo tiếng gọi của Tổ quốc, thanh niên cả nước ta càng giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều thành tích xuất sắc. Hàng triệu thanh niên miền Bắc đã hăng hái tham gia phong trào “Ba sẵn sàng”. Hàng vạn cháu trai và gái đã nguyện vào các đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước… Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu thanh niên trong cả nước… Các cháu là thế hệ anh hùng trong thời đại anh hùng”.
Sau khi phong trào “Ba sẵn sàng” khởi nguồn từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được Thành đoàn Hà Nội phát động vào ngày 9/8/1964 tới thanh niên Thủ đô, phong trào này đã được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn phát động ra cả miền Bắc. Từ đó, tôi luyện một thế hệ vàng của thanh niên Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với tinh thần “Xếp bút nghiên lên đường chống Mỹ/Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 60 năm kể từ khi được phát động, phong trào “Ba sẵn sàng” đã hun đúc nên lớp lớp thế hệ thanh niên giàu lòng yêu nước, có khát vọng cống hiến, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần.
Tối ngày 9/8/1964, phong trào chính thức được phát động tại Quảng trường Nhà hát lớn Thành phố (nay là Quảng trường Cách mạng Tháng 8). Hàng vạn thanh niên Thủ đô đã xuống đường biểu dương lực lượng, lên án hành động của đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Tòng quân, đi thanh niên xung phong trở thành nguyện vọng thiết tha của thanh niên Hà Nội cũng như mọi miền đất nước lúc bấy giờ. Đó là những ngày mà thanh niên Hà Nội không ai muốn ngủ, không ai muốn đứng ngoài, ai cũng thiết tha muốn được góp sức mình cho đất nước. Phong trào “Ba sẵn sàng” lúc đó được ví như “mồi lửa” đã thắp sáng tinh thần cách mạng của thanh niên, học sinh, sinh viên Hà Nội.
Sau khi phong trào được phát động, ngay trong tuần đầu tiên đã có hơn 80.000 thanh niên Hà Nội đăng ký nhập ngũ vào các lực lượng vũ trang nhân dân và trong khoảng một thời gian ngắn con số này lên đến hơn 200.000 người.
“Các cháu là thế hệ anh hùng trong thời đại anh hùng”
Các cựu TNXP trong Lễ kỷ niệm 60 năm phong trào “Ba sẵn sàng”. (Ảnh: TĐHN) |
Đến tháng 3/1965, trước yêu cầu tình hình mới, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn quyết định đẩy mạnh phong trào “Ba sẵn sàng” lên thành cao trào. Từ đó, nội dung của phong trào được bổ sung và nâng cao thành: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào; Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến. Chỉ sau một tháng đẩy mạnh cao trào, 1,5 triệu nam nữ thanh niên ở các tỉnh miền Bắc đã ghi tên tình nguyện đăng ký “Ba sẵn sàng”.
Từ đất thiêng Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” như hồi kèn xung trận, giục giã bước chân tuổi trẻ tình nguyện cống hiến, chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng vì Tổ quốc. Phong trào này đã khơi dậy và cổ vũ lớp lớp thanh niên miền Bắc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, gợi mở cho sự ra đời và phát triển của các phong trào “Phụ nữ 3 đảm đang” và phong trào “5 xung phong” của tuổi trẻ miền Nam. Và còn biết bao thanh niên đã kịp thời có mặt trên các trận địa, trên những trọng điểm kẻ thù đánh phá ác liệt ngày đêm, sẵn sàng lát đường, bắc cầu cho xe băng qua, chi viện kịp thời, bảo đảm cho tiền tuyến “ăn no đánh thắng”… Cuộc chiến đấu càng quyết liệt, tinh thần và khí thế “Ba sẵn sàng” càng quyết liệt trên tất cả các mặt trận sản xuất, chiến đấu.
Từ phong trào “Ba sẵn sàng,” nhiều tập thể và cá nhân anh hùng đi vào lịch sử. Đó là sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc và 12 cô gái tiểu đội thép khi làm nhiệm vụ ở Truông Bồn (Nghệ An). Anh hùng Trịnh Tố Tâm - 53 lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Anh hùng Lê Mã Lương với câu nói nổi tiếng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến diệt quân thù”, Anh hùng liệt sĩ Bùi Ngọc Dương, anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm…
Tiếp nối tinh thần phong trào “Ba sẵn sàng”, gắn liền với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, nhiều phong trào, hoạt động sôi nổi của sinh viên Việt Nam đã hình thành và phát triển. Trong đó, có phong trào Thanh niên tình nguyện, Tôi yêu Tổ quốc tôi đã góp phần tạo nên những truyền thống tốt đẹp của thanh niên, sinh viên Việt Nam.
Đến nay, phong trào Thanh niên tình nguyện đã triển khai 25 năm, trở thành một dấu ấn nổi bật của thanh niên, sinh viên Việt Nam, là trường học thực tiễn phong phú và sinh động để thanh niên Việt Nam cống hiến, trải nghiệm và trưởng thành.
TS. Võ Thế Quân, cựu Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định: Phong trào “Ba sẵn sàng” ra đời trong giai đoạn lịch sử hết sức hào hùng của dân tộc ta. Từ phong trào cho thấy, thanh niên Việt Nam luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, với chủ nghĩa yêu nước, gắn bó máu thịt với đất nước. Thanh niên là người đi đầu, xung kích thực hiện hiệu quả tốt đẹp nhất các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; đi đầu trong những thời khắc khó khăn nhất, chiến trường ác liệt nhất.
Từ bài học “Ba sẵn sàng”, TS. Võ Thế Quân nhấn mạnh, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định xây dựng đất nước phát triển hùng cường vào năm 2045. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với trục trung tâm là chuyển đổi số, đã đảo lộn toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội toàn thế giới. Tinh thần “Ba sẵn sàng” sẽ còn trường tồn, góp phần cổ vũ và khích lệ, giúp cho thanh niên ngày càng xứng đáng là lớp người trẻ tuổi làm chủ nước nhà, xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác Hồ kính yêu…