Ngày 19/9/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Bác Hồ đã về thăm Đền Hùng gặp gỡ, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308- Quân đội Nhân dân Việt Nam) ngay trước khi về tiếp quản Thủ đô. Tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các cán bộ, chiến sĩ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”!
Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong ngày 19/9/1954 tại Đền Giếng (Ảnh: Tư liệu) |
Nhớ lời căn dặn của Bác, 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ cùng với cả nước đã lập nhiều thành quả to lớn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lời Bác dặn vẫn vang vọng muôn đời
Sáng 18/9/1954, từ huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) Bác về Phú Thọ. Gần trưa, Bác vào thăm thị xã Phú Thọ để tìm hiểu tình hình đời sống và việc làm của đồng bào sau khi hoà bình được lập lại.
Sau đó, Người đến địa điểm sơ tán của Văn phòng Tỉnh ủy Phú Thọ ở thôn Quang Trung, xã Thanh Hà, thị xã Phú Thọ. Bác hỏi một số tình hình chung của tỉnh và tình hình của Hoàng thân Souphanouvong khi Hoàng thân qua Phú Thọ.
Người giao nhiệm vụ cho Chánh Văn phòng Tỉnh ủy báo cáo với Tỉnh ủy về những điều Bác dặn: Phải giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình bộ đội gặp khó khăn; cần quản lý đô thị, sửa sang đường xá cho tốt và đảm bảo tính nguyên tắc trong chế độ thông tin giữa cấp dưới với cấp trên.
Chiều tối 18/9/1954, Bác về đến Đền Hùng và nghỉ qua đêm tại đây. Sáng 19/9, Bác cùng đồng chí Song Hào - Chính ủy Đại đoàn Quân Tiên Phong, đồng chí Nguyễn Văn Thanh và một số đồng chí bảo vệ đi thăm các di tích.
Người đi thăm Đền Hạ, chùa Thiền Quang, Đền Trung, Đền Thượng, viếng Lăng mộ Vua Hùng và Đền Giếng.
Vào khoảng 10h ngày 19/9, Bác gặp gỡ các cán bộ, chiến sĩ đại diện cho Đại đoàn Quân Tiên Phong tại Đền Giếng. Tại đây, Người nói chuyện thân mật với cán bộ, chiến sĩ…, trong đó, Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Lời căn dặn của Người vẫn vang vọng cho đến ngày nay. Lời căn dặn như một lời hiệu triệu kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông gấm vóc, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.
Câu nói của Người không chỉ khẳng định công lao to lớn dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng, của các thế hệ cha ông, mà còn là lời nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc.
Khắc ghi lời căn dặn của Người, trong suốt chặng đường vẻ vang của dân tộc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân; giữ vững khối đại đoàn kết, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giữ vững môi trường hòa bình, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng, to đẹp, đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thực hiện lời dặn của Bác
Năm 2024 đánh dấu tròn 70 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là dịp để ôn lại những lời dạy của Bác, cùng với đó là nhìn lại những kết quả mà chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã đạt được trong trong 70 năm làm theo lời Bác.
Thành phố Việt Trì - Trung tâm chính trị, kinh tế của tỉnh Phú Thọ ngày càng được xây dựng khang trang sạch đẹp |
Trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, tỉnh Phú Thọ đã huy động gần 9% nhân lực cho chiến đấu và phục vụ chiến đấu với gần 93.000 thanh niên vào bộ đội, hơn 4.000 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong; huy động hàng triệu ngày công vận chuyển, sơ tán, cất giấu hàng hóa, sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom, giữ vững mạch máu giao thông…
Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, quân và dân Phú Thọ đã trực tiếp chiến đấu 783 trận, bắn rơi 86 máy bay Mỹ. Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc và tây nam của Tổ quốc, con em Đất Tổ luôn có mặt trên các mặt trận khốc liệt, vững tay súng chiến đấu chống lại quân xâm lược, cùng quân dân cả nước đánh đuổi quân xâm lăng, bảo vệ vững chắc và toàn vẹn lãnh thổ, non sông thu về một mối.
Bước vào công cuộc tái thiết đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ, chính quyền và các dân tộc tỉnh Phú Thọ luôn đoàn kết một lòng và trở thành kim chỉ nam, động lực để Phú Thọ vươn mình, đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội.
Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, cơ sở hạ tầng đô thị thấp kém; công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, đến nay, kinh tế của Phú Thọ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá so cả nước và các tỉnh vùng trung du và miền núi phía bắc.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Phú Thọ quyết tâm thực hiện thành công khâu đột phá “cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh”, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư.
Các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, chỉ số cải cách hành chính PAR Index, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính SIPAS năm 2023 đều nằm trong top 10 cả nước.
Cùng với đó, mạng lưới giao thông đồng bộ liên vùng, kết nối các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, như: cầu Vĩnh Phú - nối tỉnh Vĩnh Phúc; đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái; cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ,…
Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ngày càng được hoàn thiện. Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn thiện xây dựng và mở rộng 7 khu công nghiệp, 21/28 cụm công nghiệp.
Năm 2023 đã thu hút mới, bổ sung vốn 102 dự án, trong đó có 19 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 218 triệu USD.
Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,58% (nằm trong nhóm 15 địa phương có tốc độ tăng khá trong cả nước); quy mô kinh tế tăng hơn 1,3 lần so năm 2020, vượt mốc 100 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 3/14 tỉnh trong vùng trung du miền núi phía bắc.
Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thể hiện khát vọng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ trong hiện thực hóa các mục tiêu phát triển.
Đến nay, toàn tỉnh Phú Thọ đã có 6 huyện nông thôn mới, 136 xã nông thôn mới, hơn 1.600 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới….
Giáo dục và đào tạo tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học. 4 năm liên tiếp, điểm trung bình thi tốt nghiệp trung học phổ thông xếp thứ 8 toàn quốc, kết quả thi học sinh giỏi duy trì nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Y tế cũng là điểm sáng của Phú Thọ với hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe được củng cố và phát triển rộng khắp; 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc, 100% cơ sở khám, chữa bệnh đạt chất lượng từ mức 3 trở lên; tỷ lệ hài lòng của người dân luôn đạt hơn 98%...
Giá trị tư tưởng, tinh thần từ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi đường cho lớp lớp cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ tu dưỡng, rèn luyện và phấn đấu.
Vững bước theo Đảng, theo Bác, những con cháu Lạc Hồng hôm nay vẫn đang phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực đưa quê hương đất Tổ ngày càng phát triển, xứng đáng là vùng đất Tổ cội nguồn, nơi các Vua Hùng đã chọn là kinh đô đầu tiên của người Việt; và cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau phải giữ gìn giang sơn gấm vóc mà tổ tiên đã gây dựng.
Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ cách đây 70 năm tại Đền Hùng về tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường, Đảng bộ, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân Đất Tổ đã phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng, vững vàng vượt qua sự khốc liệt của thiên tai, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống Nhân dân vùng ngập lụt.