Thủ tướng Chính phủ vừa thống nhất chi hỗ trợ tỉnh Cà Mau 70 tỷ đồng để phục vụ công tác khắc phục, xử lý các sự cố xảy ra do tình hình hạn hán, xâm nhập mặn gây hại trên địa bàn.
Trước đó, Cà Mau đã đề xuất trung ương hỗ trợ gần 192 tỷ đồng để phòng, chống hạn hán, phục vụ sản xuất và sinh hoạt mùa khô năm 2019 - 2020.
Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến thời điểm này đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của người dân, tập trung tại các vùng ngọt hóa: huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình.
Qua rà soát, có 19.321ha diện tích lúa bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn; trong đó, 6.808ha mức độ thiệt hại từ 30 - 70%, 12.535ha mức độ thiệt hại trên 70%. Cụ thể, có 16.546ha lúa-tôm, 2.448ha lúa đông xuân, 327ha lúa mùa và 22ha rau màu bị thiệt hại.
Hạn hán cũng đã gây nên tình trạng sụt lún đất trên địa bàn tỉnh, khi đã xảy ra 5 điểm sụt lún trên tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc và tuyến đê biển Tây (đoạn Đá Bạc hướng về Kênh Mới) với tổng chiều dài 215m; xuất hiện nhiều vết rạn nứt trên tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc.
Ngoài ra, các tuyến lộ giao thông nông thôn bị sụt lún với tổng chiều dài 24.074m; trong đó, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời 22.727m, huyện Phú Tân 1.055m, TP. Cà Mau 292m.
Cà Mau đã phải ban bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại 2 vị trí sụt lún trên tuyến đê biển Tây (đoạn Đá Bạc - Kênh Mới, xã Khánh Bình Tây). Sụt lún làm giao thông khu vực này vẫn bị cô lập, nguy cơ sụt lún tiếp theo vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Được biết, trong tuần này, Cà Mau sẽ tiến hành thực hiện giải pháp khắc phục sự cố tại tuyến đê biển Tây.