8 quận, huyện đã lập bệnh viện dã chiến
Theo báo cáo, tại Tp Hồ Chí Minh, toàn thành phố đang ở cấp độ 2. Tại quận, huyện 10/22 địa phương đạt cấp độ 1 (giảm 3 địa phương so với tuần trước); 11/22 địa phương cấp độ 2 (tăng 4 địa phương so với tuần trước). Chỉ còn một địa phương ở cấp độ 3 là huyện Cần Giờ.
Ở cấp xã; 161/312 địa phương đạt cấp độ 1; 146/312 địa phương cấp độ 2 và 5 địa phương cấp độ 3.
Trước câu hỏi về sự thận trọng của TP trong mở cửa, ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế, ông Hải nhấn mạnh nguyên tắc của TP là an toàn tới đâu, mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn; nên cần cân nhắc vào tình hình phòng chống dịch của TP để có giải pháp phù hợp.
Ông Hải nhắc lại một số dữ liệu, cụ thể như số ca mắc mới của TP tuần qua tăng so với tuần trước đó; số ca nhập viện cũng ngày càng cao hơn ca xuất viện; số ca tử vong ngày 14/11 là 45 ca. “Những chỉ số này là những điều mà Ban Chỉ đạo (BCĐ) thấy rằng cần phải tính toán để khi nào cần phải mở cái này, cho phép cái kia”, ông nói.
Tại họp báo, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế lý giải đề xuất về việc tăng khu cách ly. Theo đó, tình hình dịch tại TP hiện có xu hướng tăng ở một số địa phương. Tinh thần của TP là chuẩn bị trước một bước, trên một mức để chuẩn bị tất cả tình huống.
Hiện TP có 16 bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp TP và dự kiến từ nay đến cuối năm thu hẹp dần, chỉ giữ lại 3 BV. Để chăm sóc, điều trị cho F0, Sở Y tế đã đề nghị các quận, huyện thành lập BVDC cấp huyện; xem như đây là cơ sở điều trị tầng 2.
8 quận, huyện đã lập BVDC với quy mô 300-500 giường, sẵn sàng thu dung, điều trị F0 có triệu chứng nhẹ và vừa. Ngoài ra, Sở Y tế khẳng định các trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà thì sẽ được cách ly tại nhà, chăm sóc đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì phải cách ly tập trung ở phường, xã, quận, huyện. Hiện TP có 62 khu cách ly như vậy.
Báo chí đặt vấn đề về việc một số người dân, trong đó có F0, khi cần được tư vấn, chăm sóc, điều trị thì không liên lạc được với cơ sở y tế. Ngoài ra, một số F0 phản ánh không nhận được túi thuốc C. Ông Hưng thông tin, qua nắm bắt của Sở Y tế thì có trường hợp như vậy. Sở đã lập tức có văn bản nhắc nhở địa phương.
Sở Y tế cũng đã thành lập đoàn kiểm tra để đánh giá thực tế, đồng thời, nhắc nhở, hướng dẫn các trường hợp vì nhiều lý do chưa nắm được quy định. Mới nhất, Sở Y tế đã làm việc với 22 giám đốc trung tâm y tế cấp huyện quán triệt lại.
Hơn 47 ngàn F0 đang điều trị tại nhà
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP (HCDC) cho biết về việc tiêm vaccine, TP đang dồn sức tiêm vét mũi 1 trên địa bàn và tiêm mũi 2 cho trẻ 12-17 tuổi.
Theo chủ trương của Bộ Y tế, trong năm 2022, kế hoạch cho trẻ 3-11 tuổi vẫn đang được soạn thảo, khi có kế hoạch, HCDC sẽ có thông tin cụ thể hơn.
Về tình hình ca mắc COVID-19 ở Nhà Bè, Củ Chi, Gò Vấp… ông Tâm cho biết trong nhiều tuần qua, một số quận, huyện có ghi nhận số F0 gia tăng. Nơi tăng chủ yếu là quận, huyện vùng ven, có nhiều người đi làm ở khu chế xuất, khu công nghiệp. Quá trình đi làm lại, các công nhân này được test nhanh và từ đó phát sinh F0.
Ông Tâm cho biết số F0 đang điều trị tại nhà ở TP HCM là hơn 47.000 trên tổng hơn 64.000, chiếm tỷ lệ 73%. “Trong thời gian tới, ngành Y tế đang có tính toán về việc tăng cường trạm y tế lưu động tại quận, huyện để chăm sóc F0 tại nhà. Khu cách ly tập trung tại quận, huyện cũng đang được tái lập trở lại”, ông Tâm cho biết.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng nhận định trạm y tế lưu động là mô hình mới, có hiệu quả. TP là địa phương đầu tiên triển khai. Các trạm có vai trò tập trung xử lý, thăm khám, theo dõi sức khỏe và đặc biệt là ứng cứu kịp thời bệnh nhân đang cách ly tại nhà để chuyển đến tầng trên kịp thời.
Lực lượng này sau một thời gian sẽ phải rút đi, do đó, ngành Y tế đã phối hợp các địa phương có sự chuẩn bị, thay thế. Tùy theo tình hình dịch bệnh, ngành Y tế sẽ tính toán duy trì trạm y tế lưu động hoặc thành lập mới để chăm sóc F0.
Ông Hưng cho biết, vừa qua, khi số ca F0 tại các địa phương có dấu hiệu tăng lên, Sở Y tế đã phối hợp các quận, huyện lập ngay trạm y tế lưu động; tăng cường lực lượng chuyên môn cho trạm, huy động tình nguyện viên.
Đến nay, ngành Y tế đã tăng cường 70 trạm cho các quận, huyện có số F0 tăng. Sở Y tế cũng có kịch bản nếu F0 tăng để điều động lực lượng đến các địa bàn khác. Thực tế ngành Y tế đã xuất quân đi hỗ trợ nhiều địa phương.
“Đặc biệt, tuyến y tế cơ sở trong điều kiện bình thường đã đảm đương tốt công việc. Tuy nhiên, khi dịch vùng phát, lực lượng này phải căng kéo ra rất nhiều. Do đó, Sở Y tế đã đề xuất UBND TP đề ra cơ chế để thu hút lực lượng, động viên anh em y tế cơ sở trong thời gian tới”, ông Hưng nói.
Tại họp báo, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết hiện TP thí điểm bán rượu bia tại Thủ Đức và quận 7 đến hết 15/11. Hiện Sở cùng 2 địa phương sơ kết. Sở đã đề xuất UBND TP cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được phục vụ đồ uống có cồn với những điều kiện cụ thể. TP đang lấy ý kiến sở, ngành về dự thảo triển khai Nghị quyết 128.
Ông Tú cho biết, theo dự thảo mới của TP, không phải địa phương ở tất cả cấp độ dịch đều cho phép sử dụng đồ uống có cồn ở các hàng, quán. Sở Công Thương nêu đề xuất trên nhằm phục vụ người dân trong điều kiện bình thường mới. Ông khẳng định Sở “không cổ xúy” việc sử dụng đồ uống có cồn.
Về chợ tự phát, chủ trương của TP là chưa cho hoạt động trong điều kiện hiện nay do ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.