Văn hóa & Pháp luật

80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023): Vẫn nguyên giá trị định hướng xây dựng, phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 được ví như tuyên ngôn đầu tiên của Đảng về văn hóa, có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho văn hóa Việt Nam phát triển.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm 2023, kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, nhiều sự kiện quan trọng sẽ được tổ chức nhằm đúc rút những kinh nghiệm, bài học thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Văn hóa là nền tảng, là động lực cho sự phát triển xã hội

Những nội dung được thể hiện trong Đề cương về văn hóa Việt Nam (Đề cương) cho thấy có sự tương đồng vô cùng lớn với tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, sự thống nhất về tư tưởng chỉ đạo của Đảng nói chung cũng như của Tổng Bí thư Trường Chinh - người học trò xuất sắc của Người.

Trong năm 2023, Bộ VH,TT&DL cũng sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Trong bài viết “Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và bản Đề cương văn hóa 1943” đăng tài trên truyền thông mới đây, TS. Chu Đức Tính - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đã viết: “Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến văn hóa. Tư tưởng của Người về văn hóa luôn dẫn dắt, định hướng trong quá trình xây dựng, phát triển, nâng cao tầm vóc nền văn hóa Việt Nam. Người luôn cho rằng “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa là nền tảng, là động lực cho sự phát triển xã hội. Tầm ảnh hưởng của tư tưởng Người về văn hóa không chỉ đối với sự phát triển văn hóa dân tộc, mà còn đối với sự phát triển của nền văn hóa thế giới, văn hóa của tương lai.

Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 dưới sự chỉ đạo của Đảng mà Tổng Bí thư Trường Chinh là người khởi thảo là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ. Văn kiện ra đời vào thời điểm tình hình đất nước vô cùng căng thẳng giữa nhiều kẻ địch (phát xít Nhật, thực dân Pháp). Chúng dùng văn hóa làm sợi dây trói buộc tư tưởng, làm nhiều thành phần trí thức Việt bị hoang mang, mất phương hướng.

Trong tình hình như vậy, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng họp từ ngày 25 đến 28/2/1943 đã bàn biện pháp đối phó với tình hình, quyết tâm đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng trong cả nước, tiến tới chặn đứng và đập tan âm mưu, thủ đoạn xâm lược của phát xít Nhật và thực dân Pháp. Tại Hội nghị, Đảng ta khẳng định rõ thái độ của mình đối với vấn đề văn hóa thông qua bản Đề cương văn hóa Việt Nam.

Đề cương văn hóa đã phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hóa dưới ách Pháp - Nhật, vạch ra đường lối văn hóa cách mạng và những nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhân dân, mang tới một sự thay đổi có tính đột phá về tư tưởng, về văn hóa. Các nội dung được thể hiện trong bản Đề cương có một sự tương đồng vô cùng lớn với tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, cho thấy một sự thống nhất về tư tưởng chỉ đạo của Đảng nói chung cũng như của Tổng Bí thư Trường Chinh - người học trò xuất sắc của Người.

Nội dung Đề cương đưa ra cách đặt vấn đề với phạm vi: Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật; xác định rõ quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị: Nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội kia (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc); thể hiện rõ thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với vấn đề văn hóa, gồm: Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản phải hoạt động/Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa/Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả…”.

Theo TS. Chu Đức Tính, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã ra đời 80 năm nhưng những nội dung đề cập trong đó, những giá trị tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Đó là sự thể hiện rõ nét tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, để văn hóa tiếp tục “soi đường cho quốc dân đi” trong công cuộc xây dựng và phát triển một nước Việt Nam “hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Tháng 2/1943, Đề cương văn hóa Việt Nam đã được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội).

Tháng 2/1943, Đề cương văn hóa Việt Nam đã được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội).

Tôn vinh giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam

Có thể thấy, Đề cương về văn hóa trong 80 năm qua đã khẳng định tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đây là văn kiện có giá trị lịch sử vô cùng to lớn và sâu sắc của Đảng, được coi là Tuyên ngôn của Đảng về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng. Đảng xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Theo Đề án kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) nhấn mạnh, bên cạnh kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, các hoạt động kỷ niệm góp phần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hoá, Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị, Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về văn hóa.

Ngày 13/2, chủ trì cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, công việc cụ thể, với tinh thần trách nhiệm, bài bản. Các hoạt động lớn như hội thảo khoa học quốc gia, chương trình nghệ thuật, phim tài liệu, tuần phim, triển lãm... phải được thực hiện bằng sự quyết tâm, nỗ lực nhằm tạo nên dấu ấn và sức lan toả rộng rãi.

Cụ thể, theo PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam - VH,TT&DL, ở cấp Trung ương, Bộ VH,TT&DL, Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Văn hóa Việt Nam - Cội nguồn và động lực phát triển” diễn ra ngày 27/2 tại Hà Nội, dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Các nội dung chính của hội thảo sẽ được thảo luận tại 2 phiên: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Bộ VH,TT&DL phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt Chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam với chủ đề: “Văn hóa - Hội tụ - Bản sắc và Phát triển” do Nhà hát Đương đại Việt Nam xây dựng nội dung, các nghệ sĩ của Bộ VH,TT&DL thực hiện vào ngày 28/2. NSND Trần Bình - Tổng đạo diễn chương trình cho biết: “Thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, bằng lời ca tiếng hát, các nghệ sĩ tham gia chương trình cùng tái hiện, khẳng định những dấu ấn lịch sử và sức lan tỏa của Đề cương văn hóa trong suốt chặng đường 80 năm qua”. Đêm nghệ thuật có kết cấu 3 phần: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi; Văn hoá hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hoá; Văn hóa còn thì dân tộc còn.

Ở địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam với các hình thức phù hợp. Đó là tọa đàm, hội thảo khoa học; triển lãm nghệ thuật; nói chuyện chuyên đề; tổ chức thi tìm hiểu về Đề cương văn hóa, qua đó, làm rõ khẳng định và tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương về văn hóa Việt Nam. Các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm cần được tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp, hướng tới nhiều đối tượng; có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Về bộ phim tài liệu 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết, Hãng đang gấp rút triển khai xây dựng và hoàn thiện bộ phim. Phim dự kiến thời lượng trên 40 phút. Với khối lượng hình ảnh, tư liệu đồ sộ, những thước phim sẽ chuyển tải thông điệp ý nghĩa, tập trung làm rõ bối cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam cùng quá trình vận dụng, phát triển những tư tưởng cốt lõi của bản đề cương lịch sử trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đọc thêm